Sự tiếp biến Văn hóa Phật giáo - Văn hóa giữ nước

06/11/2009 11:13

Dẫu đã thành phế tích từ nhiều thập kỷ nay, nhưng Chùa Đại Tuệ (còn gọi là Chùa Cao trên đỉnh cao 465m của núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) vẫn là một cõi thiêng trong tâm thức, tình cảm của nhân dân bản địa của thiện nam, tín nữ trong cả nước.

Những ngày lễ chùa, nhân dân trong vùng và du khách thập phương vẫn nườm nượp trẩy hội, trà, quả, hương, đăng nhằm tỏ lòng tri ân với Phật Bà Đại Tuệ linh thiêng đã cứu rỗi thập loại chúng sinh, góp phần làm cho Quốc thái, Dân an.

Lễ khởi công xây dựng đường lên Chùa Đại Tuệ.

Chùa xưa chỉ còn nền cũ, thành xưa chỉ còn những hàng đá xếp chồng lên nhau, rêu phong năm tháng nhưng ngôi chùa tranh, tre, nứa lá, đồ tế khí bình dị này luôn vẫn là điểm đến của bao tao nhân mặc khách. Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Hiệp trấn Bùi Huy Bích, Đào Tấn,...và bao danh nhân văn hoá khác đã đến vãn cảnh chùa, tĩnh tâm nơi ao sen và để lại cho đời những áng thơ, phú đi cùng năm tháng. Bài thơ sau, nguyên văn chữ Hán, bản dịch của GS Nguyễn Văn Trương:

Đá nhỏ xếp vòng tới đỉnh cao,

Đất trời vời vợi dạ nao nao.

Trời dăng, núi dựng

như xòe cánh,

Đất nắn, sông trôi tựa uốn câu.

Đường núi xuyên cây

người bỡn hổ,

Non xanh gánh cỏ trẻ lùa trâu.

Mát trong giếng đá

luôn đầy nước,

Sâu chỉ bằng lu, múc hết đâu!

(Chùa Đại Tuệ - Bùi Huy Bích)

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá xưa và nay đã dành nhiều thời gian khảo cứu Chùa Đại Tuệ. Nhiều công trình nghiên cứu về chùa Đại Tuệ đã được công bố trong và ngoài nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong "Nghệ An ký"(1) của Bùi Dương Lịch, "Quốc sử quán Triều Nguyễn", "Đại Nam nhất thống chí"(2), "Quốc sử quán triều Nguyễn Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược"(3), "Địa chí văn hoá dân gian Nghệ - Tĩnh" của Giáo sư Nguyễn Đồng Chi(4), "Tục thờ thần và thần tích Nghệ An" của Phó giáo sư Ninh Viết Giao(5), "Xứ Nghệ với vua Quang Trung", nhiều tác giả(6), "Cần khảo sát hệ thống di tích lịch sử - văn hoá dọc chân núi Đại Huệ"(7), "Những điều ít biết về ngôi mộ đá trên núi Đại Huệ"(8) của Văn Lãm và nhiều công trình khác,... các tác giả đã giành nhiều tâm huyết, trăn trở và đã khám phá nhiều giá trị lịch sử - văn hoá độc đáo của ngôi chùa này.

Từ điển "Phật học Hán - Việt"(9) đã khẳng định: Chùa Đại Tuệ có từ trước khởi nghĩa Mai Thúc Loan (627). Khi dấy nghĩa tụ binh để chống lại giặc nhà Đường, Mai Thúc Loan đã dựa vào dãy thiên hiểm từ Đụn Sơn về Đại Tuệ và dựa vào ân uy của Phật Bà trên núi để dựng thành xây luỹ tập hợp muôn dân đánh giặc. Nhà vua đã chọn nơi vùng đất dưới chân núi, mắt ngước lên là thấu suốt Phật Bà trên chùa để xây thành. Khi giặc nhà Đường đánh bại, Mai Thúc Loan đã cho phá hết thành trì lấy đất chia cho phú hộ. Cho đến nay, nhân dân trong vùng vẫn tôn kính gọi vùng đất này là làng Thành (nay thuộc xã Nam Thanh, Nam Đàn).

Thế kỷ XV, quân hành về phương Nam, Hồ Quý Ly đã chọn Đại Huệ làm nơi xây thành đắp luỹ làm căn cứ địa chống giặc ngoại xâm bởi ông nhận ra đây là một địa bàn thiên hiểm. Đại Huệ là nơi núi nhoài ra gần biển, nằm tiếp giáp đồng bằng nhưng rừng rậm, tiến có thế công, lùi có thế thủ, phong cảnh tươi sáng, phong tục trọng hậu, núi cao, rừng rậm, khe suối quanh năm đầy nước, dân cư đồng thuận, hiền hoà, nhà nhà hiếu học, người người hiếu nghĩa. Ấy vậy nhưng việc xây thành của Hồ vương Hồ Quý Ly gặp muôn vàn khó khăn, thành xây nên lại đổ. Một đêm, Hồ vương Hồ Quý Ly mơ thấy Phật Bà hiện về chỉ cho cách lấy đá sΩn có trong các khe suối không cần vôi vữa ghép lại xây thành. Từ đó, công việc mới xuôi gió thuận buồm. Cảm tạ công đức của Phật Bà, Hồ vương Hồ Quý Ly đã cho xây mới, mở rộng khuôn viên chùa Đại Tuệ và giao cho con gái mình là công chúa Thái Dương tháng ngày chăm lo từ bi, hương khói, hành lễ ở chùa để nhà chùa dốc tâm sớm chiều cầu mong cho Quốc thái, dân an. Dấu tích của Thành Hồ Quý Ly nay vẫn còn, đó là những kè đá rộng từ 1,2 - 1,5m, chiều cao đã bị sụt lở chỉ còn từ 0,3 - 0,4m.

Trên đường tiến quân ra Bắc, nghĩa quân của Quang Trung đã chọn Đại Huệ làm nơi dừng chân để tiếp tục chiêu tập hiền tài, tuyển mộ binh linh, sung thêm lương thảo, hợp luyện tinh binh. Một đêm, nhà sư ở Chùa Đại Tuệ đến đại bản doanh xin gặp nhà vua để hiến kế sách "Hành quân ra Bắc Hà theo thượng đạo Nộn Băng ". Theo kế sách của nhà sư Chùa Đại Tuệ, đại quân hành quân ra Bắc vừa gần vừa giữ được bí mật. Đi giữa lòng dân, đại quân đi đến đâu cũng được nhân dân đón tiếp trọng thị. Tráng đinh đầu quân nườm nượp, lương thảo được cung ứng dồi dào, sỹ khí xung thiên. Đại thắng quân Thanh trên đường về lại Thuận Hoá nhà vua đích thân lên cảm tạ ân uy của Phật Bà Đại Tuệ và xuống chiếu cắt hơn 20 mẫu ruộng "nhất đẳng điền " để nhà chùa canh tác lấy thóc gạo, làm điều thiện và chăm lo hương khói ngày lễ. Đến nay, dẫu số ruộng này các hợp tác xã nông nghiệp ở Nam Anh đã quản lý nhưng dân làng vẫn tôn kính gọi những thừa ruộng này là ruộng chùa. Cảm tạ ân đức vua Quang Trung, các nhà sư chủ trì ở chùa đã dâng tấn thư xin được đổi tên thành Chùa Đại Huệ (ân đức lớn). Vòng quanh chùa còn nhiều dấu tích vua Quang Trung. Khoảng đất trống trước sân chùa có tên gọi là Bãi Tập, tương truyền đây là nơi Quang Trung hợp luyện cách đánh thành cho các tướng sỹ. Phía Đông Nam chùa có một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tương truyền đây là cây đa Quang Trung trồng lưu niệm trước khi tạm biệt chùa về với Thuận Hoá. Cây đa này mới mất cách đây chưa đầy 40 năm. Quanh chùa có một số tảng đá được xếp theo hình kiềng ba chân, một số tảng có khắc chữ Hán. Các sư trụ trì vẫn nhắc mọi người đây là bếp nấu ăn của các cơ trại lính Tây Sơn. Vì vậy, nhân dân ở đây đã giữ gìn cẩn thận và gọi những viên đá này là đá Đầu Bếp.

Nằm cách chùa 30m về hướng Đông - Bắc, có một ngôi mộ cổ được xác định là mộ của một trong những nhà sư trụ trì ở chùa, danh tính, thời gian viên tịnh chưa được xác định. Cách ngôi mộ này khoảng 30m nữa có một ngôi mộ được xếp bằng đá. Nhân dân địa phương và một số nhà ngoại cảm cho rằng đây là mộ thất của vua Cảnh Thịnh (con trai kế vị vua Quang Trung). Hàng năm, ngày 20/10 âm lịch, con cháu họ Hồ ở Nam Đàn và nhân dân địa phương vẫn lên thắp hương và làm giỗ cho Ngài. Truyền thuyết về ngôi mộ này như sau: Mặc dầu được La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp hết lòng dạy dỗ nhưng vốn chí không lớn, tài không cao nên vua Cảnh Thịnh (1792- 1801) nối nghiệp cha nhưng không nối được chí cha. Thất bại liên tiếp trong các cuộc tiến quân của Nguyễn Ánh, năm 1801 Hoàng đế Cảnh Thịnh phải bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc. Đến Nghệ An, nhà vua lên Chùa Đại Tuệ cầu cứu ân uy của Phật Bà. Trước tình thế vô tiền, khoáng hậu của nhà vua, sư cụ trụ trì chùa đã chọn trong những người tâm phúc, một người giống Cảnh Thịnh hoá trang thành vua Cảnh Thịnh mạo danh vua sang phương Bắc cầu kiến. Đến Lạng Sơn thì vua giả này bị tướng quân Nguyễn Văn Thành kịp bắt đưa về Thuận Hoá, vua Gia Long đã ra lệnh xử trảm. Còn vua Cảnh Thịnh thật thì xuống tóc đi tu ở lại với Chùa Đại Tuệ và viên tịnh tại đây. Con cháu họ Hồ ở Nam Đàn, Hưng Nguyên và tăng ni, phật tử của chùa đã mai táng ông trên núi, hương khói, phụng thờ. 20/10 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của vua Cảnh Thịnh được nhà chùa và con cháu họ Hồ tổ chức trọng thể.

Dẫu giặc giã và thiên nhiên tàn phá nhưng vòng quanh núi Đại Huệ vẫn còn nhiều hiện vật lịch sử quý, có giá trị sử liệu và văn hoá. Đó là tâm bia đá (đã mất một góc) được đặt trên lưng rùa đá có khắc chữ Hán hai mặt. Một số chữ đã không còn nguyên vẹn. Rất tiếc, nội dung bài văn bia này chưa được dịch. Sau lưng chùa là một bãi đất phẳng, rộng khoảng 40m, nhân dân trong vùng gọi đó là Thăng Thiên, là nơi các tiên ông giáng trần xuống đó đánh cờ. Nơi đây còn dấu tích cột cờ của nghĩa quân Tây Sơn. Nền chùa còn có một số hòn đá tảng, gạch, ngói vỡ, ba bức tường đổ (nguyên liệu xây cất gạch, đá, cát, vỏ sò nung). Cách chùa 80m có một chiếc giếng đường kính chưa đầy 1,5m, độ sâu gần 3m, bờ giếng được xếp bằng đá núi. Thật diệu kỳ, trên đỉnh cao nhất của dãy Đại Huệ (462m) nhưng nước giếng quanh năm trong suốt, không cạn, múc bao nhiêu nước lại tự dâng lên bấy nhiêu. Đây là nguồn nước sạch cung cấp cho nhà chùa, cho nhân dân lên vãn cảnh chùa, lên lao động sản xuất trên núi (năm 1972 - một tiểu đội thông tin VTĐ của Quân khu IV đóng quân tại chùa đã làm vệ sinh giếng nhưng sau một buổi thay nhau múc nước giếng không hề cạn đi một chút nào đành chịu). Nằm cách giếng đá (thạch tĩnh) chung 30m là Ao Sen, diện tích khoảng 800m2. Người già ở Nam Anh, Nam Thanh cho biết ao này cách đây vào khoảng 60 - 70 năm về trước vẫn còn sen. Nhiều đồ tế khí thiên tạo qua bao nhiêu năm tháng vẫn còn. Đó là mảnh vỡ của một chiếc khánh đá, ngai đá nằm cách chùa khoảng 25m về phía Nam. Cách chùa 150m về phía Tây còn một phiến đá hình chiếc mõ (thạch đại), khi dùng đá núi gõ vào âm thanh như mõ vang dội khắp vùng.

Ông Hoàng Nghĩa Bình trụ trì nhà chùa hiện nay còn cất giữ được 5 quyển sách bằng chữ Hán, một số trang đã bị mục nát. Rất tiếc chưa được dịch nghĩa để hiểu nội dung. Ngoài ra, ông còn cất giữ được một chiếc chuông nhỏ bằng đồng, 2 bát gốm cổ (chưa xác định được niên đại).

Cuối thế kỷ XIX (1874), Trần Tấn và Đặng Như Mai đã chọn làng Thành làm bản doanh, dựa vào Đại Huệ để đánh giặc. Trong phong trào Cần Vương, nghĩa quân của Vương Thúc Quý đã lấy Đại Huệ làm hậu cứ để cất dấu quân lương. Trong vai người đốn củi, chăn trâu, cắt cỏ, làm vườn đổi (dân trại), các đảng viên cộng sản của Nam Đàn trong những năm 1930- 1931, đã chọn sân chùa làm nơi hội họp. Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Đại Huệ đã xẻ thân mình làm Sở chỉ huy cho Bộ Tư lệnh Quân khu IV. Sân Chùa Đại Tuệ trở thành vọng gác phòng không, trạm tiếp sức vô tuyến điện. Từ sân chùa này, những mệnh lệnh tiến công đã được truyền đi khắp nẻo chiến trường gần, chiến trường xa.

Có thể nói, không chỉ là một danh thắng, Chùa Đại Tuệ còn là một quần thể nhiều di tích lịch sử quan trọng, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của quê hương xứ Nghệ, của dân tộc mà nét đặc thù là sự tiếp biến từ văn hoá Phật giáo đến văn hoá giữ nước của dân tộc Việt Nam xưa và nay.

Vì lẽ đó, theo tình cảm và nguyện vọng của nhân dân, ghi nhận kiến nghị của các nhà khoa học lịch sử, văn hóa, và các nhà hảo tâm, vừa qua UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phục dựng, tôn tạo lại Chùa Đại Tuệ. Sở Xây dựng, Sở Văn hoá- Thể thao- Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành quy hoạch và thiết kế lại chùa. Nhà chùa trong tương lai có diện tích 10.000 m2 với 12 hạng mục công trình chính: Khu nhà Tam Bảo, nhà Chuông, tượng Phật Bà Đại Tuệ, tượng Quan Âm Bồ tát, tượng các vị La Hán, khuôn viên cây cảnh, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, đường đi lại từ chân núi lên chùa và quanh chùa.

Với truyền thống Uống nước nhớ nguồn, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài, tăng ny, phật tử trong nước,...bước đầu đã có nhiều đóng góp phấn đấu đến năm 2015, Chùa Đại Tuệ sẽ được phục dựng xong và cùng với các Di tích lịch sử cấp Quốc gia trên tuyến đường 48 của hai huyện Nam Đàn - Hưng Nguyên - Thành phố Vinh, Chùa Đại Tuệ là một điểm hẹn, một địa chỉ du lịch văn hoá, lịch sử gắn với tâm linh, thu hút sự chú ý, tìm về của nhân dân trong cả nước và bạn bè bốn biển, năm châu.


Đoàn Sinh Hưởng

Mới nhất
x
Sự tiếp biến Văn hóa Phật giáo - Văn hóa giữ nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO