Sự việc xây dựng công trình trái pháp luật trên đất công và trách nhiệm của vị chánh xứ:Bài 3: Đằng sau chân dung vị linh mục

14/03/2012 17:51

Xem Bài 2: Sai phạm có hệ thống

Quê hương của Linh mục Trần Văn Phúc là một xã nghèo ven biển, đời sống bà con ngư dân còn nhiều khó khăn. Đường từ trung tâm xã Thạch Lạc về Giáo xứ Thu Chỉ, nơi có xóm Bắc Tiến (nguyên quán của Linh mục Phúc) đi qua những trảng đất cát cằn cỗi với những hàng phi lao trải dài.

Linh mục Trần Văn Phúc sinh năm 1972, là con thứ ba trong một gia đình giáo dân nghèo có 8 người con. Mẹ linh mục là bà Trần Thị Quý mất sớm. Khi học lên cấp 3, cả gia đình chuyển vào Bình Thuận sinh sống, Linh mục Phúc ở lại quê hương với vợ chồng người anh đầu là Trần Thanh Lộc. Cả 7 anh chị em trong nhà đều làm nghề đánh cá, chỉ riêng Trần Văn Phúc với nghị lực, ý chí, sự sáng dạ, lòng quyết tâm và tinh thần hiếu học đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn trở thành một trong 9 vị linh mục của Giáo họ Thu Chỉ. Con đường trưởng thành từ một cậu bé làng chài nghèo trở thành người chăn dắt phần hồn cho con chiên của linh mục Trần Văn Phúc quả thật rất đáng khâm phục.

Để có được vị trí chánh xứ như ngày hôm nay, linh mục Trần Văn Phúc đã phải trải qua nỗ lực phấn đấu mà không phải ai ở trong hoàn cảnh đó cũng có thể làm được. Bởi vậy, vị linh mục trẻ trở thành tấm gương về tinh thần hiếu học, là niềm tự hào của không chỉ đối với gia đình, bà con giáo dân trong giáo họ và xóm chài nghèo Bắc Tiến mà của cả Giáo xứ Thu Chỉ.


Trao đổi với chính quyền địa phương và bà con giáo dân xã Thạch Lạc, chúng tôi được biết: Thời gian học tập, tham gia lao động sản xuất và hoạt động thanh niên tại địa phương, công dân Trần Văn Phúc là một người hiền lành, phát huy tốt tinh thần cách mạng của gia đình.

Cha đẻ của linh mục Phúc là ông Trần Thanh Nghi, (sinh năm 1945), từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Đoàn TNCS Việt Nam xã Thạch Lạc, nguyên du kích địa phương, Công an xã, Bí thư Chi bộ Bắc Lạc (Bắc Tiến và Nam Tiến), tham gia trong Ban quản lý HTX... Thời gian sau này, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Trần Thanh Nghi nghỉ tham gia công tác xã hội và vào Nam sinh sống cùng một người con trai khác.

Các anh chị em của Linh mục Phúc hiện đều sống, lao động lương thiện, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Trong mắt vợ chồng người anh trai Trần Thanh Lộc- những ngư dân nghèo khó, đông con nhưng vẫn nuôi em ăn học thành tài thì "Phúc học giỏi và hiền như cục đất".

Còn đối với thầy cô, bạn bè "đó là một thanh niên giáo dân hiền lành, tích cực tham gia các hoạt động xã hội". Trước khi trở thành linh mục, giáo dân Trần Văn Phúc cũng đã chọn cho mình một nghề cao quý là nghề sư phạm và thực tế bằng nỗ lực của mình ông đã thi đỗ và có thời gian dài học tại Trường ĐHSP Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Như vậy có thể thấy, xuất phát điểm của vị Chánh xứ Ngọc Long hiện nay là một thanh niên giáo dân giàu nghị lực, ước mơ và hoài bão. Câu hỏi đặt ra: Nguyên nhân nào để một người từng có những tháng năm nặng nghĩa, nặng tình với quê hương, xứ sở như vậy lại trở thành một người có thái độ cực đoan, không tuân thủ pháp luật, thiếu tôn trọng chính quyền, gây ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân là bà con giáo dân của quê hương xứ Nghệ trĩu nặng ân tình?


Vì đã gặp những đối xử bất công của xã hội? Không phải, bởi Linh mục Phúc cũng như gia đình luôn được chính quyền các địa phương tạo điều kiện để được học tập, lao động, tham gia công tác xã hội như mọi công dân khác; từ tuổi ấu thơ đến những năm tháng được đào tạo ở Đại học sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng, rồi tại Trường Tu sinh Vạn Hạnh (Hà Tĩnh), Đại chủng viện Vinh Thanh (Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An)... Và sau này, ở những nơi Linh mục Phúc đến nhận trách nhiệm quản xứ, đầu tiên đều có sự hợp tác, tạo điều kiện của chính quyền địa phương ở đó.


Vì gánh trách nhiệm một linh mục Công giáo trên vai? Càng không phải, vì mục đích của Giáo hội Công giáo luôn là sống "tốt đời đẹp đạo", sống "phúc âm giữa lòng dân tộc"! Và hơn hết, Linh mục Phúc đã sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, yêu nước. Vậy ở đây phải coi trách nhiệm công dân của Linh mục Phúc từ đâu và ở đâu?


Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 gửi các linh mục, tu sỹ và giáo dân cả nước từng viết: "Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc".

Như vậy trong đó, cũng thể hiện rõ trách nhiệm mỗi công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2011 cũng viết "...và nên khí cụ bình an, xây đắp tình thương và sự sống trên quê hương Việt Nam". Đất nước đang vững bước trên sự nghiệp Đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn đưa vị thế Việt Nam lên cao trên trường Quốc tế hơn bao giờ hết; toàn dân tộc Việt Nam không kể tôn giáo, thành phần... đang tự hào, tin tưởng và phấn khởi đi theo con đường vươn tới giàu mạnh, tự do và hạnh phúc đã chọn. Mỗi công dân Việt Nam đều phải ý thức và đã ý thức như thế.


Trở lại sự việc ở Giáo xứ Ngọc Long. Lẽ nào một người được thụ phong linh mục, có nền học vấn nhất định, am hiểu về luật pháp và trách nhiệm của mình đối với việc đời, việc đạo như linh mục Trần Văn Phúc lại không hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước? Và lẽ nào một người trưởng thành trong gian khó lại quay lưng lại với dân nghèo, với lợi ích của quê hương, đất nước bằng những việc làm trái pháp luật, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết toàn dân, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và hình ảnh Giáo hội Công giáo - một tôn giáo có tôn chỉ mục đích bác ái, yêu thương, công bằng và đường hướng hoạt động "sống phúc âm giữa lòng dân tộc" để phục vụ hạnh phúc đồng bào"?


(Còn nữa)


Sơ lược lý lịch linh mục Trần Văn Phúc

- Từ năm 1977 1986: Học ở trường PTCS Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

- Từ năm 1986-1989: học ở Trường PTTH Nguyễn Trung Kiên ( Hà Tĩnh).

- Từ năm 1989 - 1991: Tham gia sản xuất tại địa phương.

- Từ năm 1992-1997: Học ở Trường ĐHSP Ngoại ngữ Đà NΩng.

- Từ năm 1998- 1999: Học ở Trường Tu sinh Vạn Hạnh (Hà Tĩnh).

- Từ năm 1999-2006: Học ở Đại chủng viện Vinh Thanh - Nghi Diên - Nghi Lộc (Nghệ An).

- Từ năm 2006 - 8/2010: Là linh mục quản xứ Lưu Mỹ, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).

- Từ tháng 8/2010 đến nay là linh mục quản xứ Ngọc Long xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).


Nhóm phóng viên

Sự việc xây dựng công trình trái pháp luật trên đất công và trách nhiệm của vị chánh xứ:Bài 3: Đằng sau chân dung vị linh mục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO