Sức mạnh của tình yêu thương

18/10/2014 21:40

(Baonghean) - “Mẹ kể, tôi sinh ra khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, 6 tháng tuổi, sau một trận sốt cao, đôi chân của tôi bị liệt hoàn toàn. Ký ức tuổi thơ tôi là những ngày vật lộn với cơn đau, là bệnh viện nồng nặc mùi thuốc kháng sinh, là những mũi tiêm đau buốt...”.

Minh họa: Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại

Vượt lên số phận

Tôi sinh ra ở xã Nam Cường (huyện Nam Đàn), vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập. Cả bố và mẹ đều công tác ở thành phố. Tôi lớn lên trong vòng tay ông bà nội. Mưa xuống, nước lên, dân làng lội bì bõm, ông nội cõng tôi đi tránh lũ. Ông nội cũng chính là người thầy đầu tiên của tôi. Ông dạy tôi tập viết, tập đánh vần, tập làm toán...

Không thể đi lại, nhưng tôi luôn khao khát được đến trường. Thế rồi, niềm khao khát đó cũng thành hiện thực. Bố mẹ đón tôi về thành phố và cho tôi đi học. Ngày đầu tiên đến trường, tôi cũng hồi hộp lắm, háo hức lắm. Nhưng đáp lại nỗi háo hức ấy là nỗi buồn, nỗi chua xót pha lẫn tủi thân. Bạn bè không ai chơi với tôi. Thay vì những nụ cười, họ ném vào tôi ánh nhìn tò mò, ái ngại. Tôi ước gì… giá mà tôi có thể chạy, tôi sẽ chạy nhanh về nhà, đóng sầm cửa lại và ôm chầm lấy mẹ mà khóc, mà la. Nhưng, thực tế là tôi chỉ có thể di chuyển từ nhà đến trường và từ trường về nhà trên tấm lưng gầy của mẹ. Nhiều hôm trời mưa, hai mẹ con ướt như chuột lột.

Một mình mẹ lo toan việc nhà, việc cơ quan, nhưng mẹ không để tôi phải nghỉ học buổi nào, dù trời mưa gió. Cho đến một ngày, bố mua cho tôi chiếc xe lắc. Tôi sung sướng vì tự mình có thể đến trường. Chúng bạn nhìn thấy chiếc xe lắc lạ lẫm, bám lấy, đứa níu đằng trước, đứa níu đằng sau để trêu ghẹo. Kết quả là cả người và xe đều rơi tõm xuống ao, bê bết bùn. Tôi khóc um lên. Giá như ngay lúc đó, tôi có thể Sơn ở chung một phòng trọ. Ngày ngày Sơn cõng tôi đến lớp, lo cơm nước và giúp tôi mọi sinh hoạt hàng ngày. Tôi biết ơn Sơn nhưng cũng không ít lần khiến Sơn bực mình, nổi giận. Và cũng không ít lần Sơn chán nản, bảo rằng không ở với tôi nữa nhưng chưa bao giờ Sơn bỏ rơi tôi, cho đến tận bây giờ...

Hạnh phúc nảy mầm

Đến năm thứ tư đại học, bố ra Hà Nội xin nhà trường cho tôi bảo lưu kết quả học tập để về quê mổ chân. Các bác sỹ phải rút toàn bộ xương trong chân tôi ra, rồi nẹp lại cho thẳng. Tôi ngất lịm vì cơn đau tê tái. Không biết tôi đã cắn gãy bao nhiêu chiếc đũa, bẻ gãy bao nhiêu thành giường. Vớ được cái gì là tôi đập, ai đến gần là tôi đánh. Cơn đau đã biến tôi thành con thú dữ. Mấy ngày đầu, cả gia đình túc trực bên tôi. Khi qua cơn nguy kịch, bố mẹ bận đi làm chỉ còn Thảo – cô gái giúp việc ở bên tôi, chăm sóc. Mỗi lúc cơn đau giày vò, Thảo lại trở thành nạn nhân của tôi. Tôi ném hết bát đũa, đánh đập Thảo, mỗi lúc em đến gần. Khi cơn đau giảm nhẹ, nhìn thấy mặt Thảo thâm tím, chân tay sưng phù, tôi hiểu ra sự tình và cảm thấy có lỗi với em. Vậy mà Thảo không một lời oán trách.

Em vẫn lẳng lặng ở bên cạnh tôi, chăm sóc tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Bố mẹ tôi quý Thảo, thương Thảo như con ruột bởi em thật thà, chăm chỉ. Ngày tôi ra viện, bố mẹ tôi tìm về nhà Thảo, đặt vấn đề làm thông gia. Được hai bên gia đình vun vén, tôi và Thảo đồng ý cưới nhau. Thú thực, lúc đó, tôi và Thảo chẳng hề yêu nhau, có chăng là niềm thương cảm. Tôi thương em vì em hiền lành quá, vì em chăm sóc tôi chu đáo quá. Và có lẽ, Thảo cũng thương tôi vì em đã chứng kiến những ngày đau đớn của tôi. Một đám cưới ấm cúng diễn ra, cả tôi và Thảo đều ngượng ngùng, bối rối. Tôi không ngờ rằng mình lại lấy vợ nhanh như vậy, càng không ngờ người đi bên cạnh tôi trong lễ vu quy lại chính là Thảo – cô gái giúp việc của gia đình mà bấy lâu tôi chẳng mấy khi để ý tới.

Lập gia đình xong, tôi ra Hà Nội tiếp tục học năm cuối, rồi về Vinh lao đao tìm việc làm. Đợt phẫu thuật vừa qua giúp đôi chân tôi duỗi thẳng, tôi có thể ngồi mà không cần chống tay ra sau làm điểm tựa. Tôi có thể đi lại dễ dàng hơn bằng xe lăn và sau này là xe ba bánh tự chế. Tôi lao đầu vào công việc như con thiêu thân. Một mình Thảo lo toan cho gia đình. Hai đứa con lần lượt ra đời và Thảo cũng có một việc làm ổn định. Không còn gì hạnh phúc hơn khi hai đứa con đều lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Chúng chính là sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng tôi. Tôi và Thảo chia sẻ với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn và yêu thương nhau nhiều hơn.

Không ít sóng gió ập đến khi bố tôi qua đời sau cơn bạo bệnh, mẹ cũng già yếu, đi lại khó khăn, kinh tế gia đình suy sụp. Tôi quăng mình vào việc kiếm tiền, còn em, vẫn một mình chăm lo cho mẹ và các con. Cuộc sống gia đình trải qua không ít bão tố nhưng em vẫn vậy, cần mẫn, lặng lẽ và chu toàn. Thế giới của em chỉ gói gọn ở cơ quan, trường học của con và ngôi nhà nhỏ bé với những xoong nồi bát chảo. Tôi biết, tôi hiểu những hy sinh của em nhưng không ít lần tôi trút lên em những bực dọc ngoài xã hội. Em vẫn không hề than vãn, trách móc. Tôi có cảm giác, dường như em sinh ra là để chịu đựng thay tôi những muộn phiền, đau đớn...?

Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi cưới được người vợ như Thảo. Dù em không được sắc sảo, khéo léo, ăn nói không ngọt ngào nhưng ở bên em tôi luôn được bình yên. Dẫu cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, con thuyền cuộc đời tôi sẽ còn nhiều chông chênh, chao đảo nhưng tôi tin con thuyền ấy rồi sẽ cập bến bờ hạnh phúc. Bởi tôi biết, bên cạnh tôi luôn có những người bạn như Sơn, phía sau tôi luôn có Thảo và những đứa con. Tôi từng oán trách cuộc đời bất công với tôi, nhưng đến nay tôi lại phải cảm ơn cuộc đời. Bố mẹ tôi, bạn bè tôi, Thảo và các con chính là những “vị thần” đã cứu rỗi cuộc đời tôi, giúp tôi nhận ra ý nghĩa và gắn bó hơn với cuộc sống này!

Nguyễn Lê (ghi)

Mới nhất
x
Sức mạnh của tình yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO