Sức sống mới ở một xã vùng biên

28/06/2013 18:39

Nhắc đến Nậm Giải, nhiều người vẫn không quên được cảm giác bàng hoàng về một mảnh đất vùng biên từng mang trên mình nỗi đau lũ dữ tháng 10 năm 2007. Hơn 5 năm sau khi lũ đi qua, với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng, chính quyền, bà con các dân tộc nơi đây, Nậm Giải đang dần khoác lên mình màu áo mới - màu của ấm no, của hồi sinh và hạnh phúc.

(Baonghean) - Nhắc đến Nậm Giải, nhiều người vẫn không quên được cảm giác bàng hoàng về một mảnh đất vùng biên từng mang trên mình nỗi đau lũ dữ tháng 10 năm 2007. Hơn 5 năm sau khi lũ đi qua, với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng, chính quyền, bà con các dân tộc nơi đây, Nậm Giải đang dần khoác lên mình màu áo mới - màu của ấm no, của hồi sinh và hạnh phúc.

Cuối tháng 6/2013, chúng tôi lên với Nậm Giải và được chứng kiến nhiều đổi thay của một xã nghèo miền cao biên giới. Đổi thay bắt đầu từ đoạn đường nối vào Nậm Giải, bởi vào thời điểm lũ quét, con đường độc đạo này đã bị chia cắt do đất đá từ núi sạt xuống, các lực lượng cứu hộ đã phải rất vất vả mới có thể tiếp cận được hiện trường. Nhưng nay, chỉ mất hơn 45 phút đồng hồ đi xe máy, Nậm Giải đã đón chúng tôi trong nắng mai hãy còn se lạnh.

Vừa gặp, đồng chí Ngân Văn Tình – Bí thư Đảng ủy xã, sau cái bắt tay thật chặt, tấm tắc chia sẻ: “Đây là tuyến đường trọng yếu nối Nậm Giải với bên ngoài nên được huyện Quế Phong chú trọng đầu tư làm đường nhựa và nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, củng cố nền đường, cầu bê tông qua sông Nậm Giải cũng đã được xây dựng, đảm bảo giao thông thông suốt. Nhân dân Nậm Giải hưởng lợi rất nhiều từ khi con đường này hoàn thành”. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đang tạo điều kiện thuận lợi cho Nậm Giải phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhưng, với tỷ lệ 72% hộ nghèo, Nậm Giải vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo.

Một trong những hướng đi chủ yếu được Nậm Giải xác định chính là tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc và trồng rừng nguyên liệu. Bởi theo như lời đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, mặc dù diện tích lúa không ngừng tăng lên, năm 2012, tổng diện tích gieo cấy đã đạt 150ha, tăng 18 ha so với năm 2010; năng suất lúa bình quân tăng lên nhưng do mỗi gia đình chỉ có diện tích ít nên làm chỉ mong đủ ăn chứ không thể thoát nghèo để làm giàu. Trong khi đó, tiềm năng về chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng nguyên liệu của xã rất lớn. Xác định rõ hướng đi, Nậm Giải đã triển khai chương trình hành động phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bám sát Nghị quyết, Đề án của Huyện và trồng rừng gắn liền với việc giao đất, giao rừng. Trong quá trình đó, 179 đảng viên sinh hoạt trong 11 chi bộ (8 chi bộ nông thôn) được xác định đóng vai trò tiên phong, gương mẫu. Cán bộ, đảng viên phải thoát nghèo trước để bà con học tập làm theo. Một trong những đảng viên tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là đảng viên Vi Văn Thanh – Trưởng bản Mờ.


Bộ mặt mới của Nậm Giải sau cơn lũ lịch sử.

Ở bản Mờ, gia đình trưởng bản Thanh thực sự là tấm gương sáng về làm kinh tế. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 9 con bò, 12 con trâu, 16 con lợn nít và lợn thịt. Mỗi năm gia đình bán bình quân 2 con bò, 2 con trâu và gần chục con lợn thịt và nhiều nguồn thu khác, mang về giá trị kinh tế ngót nghét 70 triệu đồng. Mấy năm qua, gia đình anh cũng đang tích cực trồng keo và xoan để phát triển rừng nguyên liệu. Chính nhờ thu nhập ổn định nên gia đình trưởng bản Thanh đã thoát nghèo, có điều kiện chăm lo cho 2 con học hành. “Cháu đầu nhà tôi đang học cấp 3 ở Trường Dân tộc Nội trú huyện, cháu út thì đang học Trường THCS Nậm Giải”.

Ở bản Mờ - nơi 36/61 hộ thuộc diện nghèo, hướng phát triển kinh tế của anh Thanh đang được nhiều người làm theo. Đặc biệt trong chi bộ bản với 11 đảng viên đã có 4 đồng chí tập trung làm kinh tế thoát nghèo như bí thư chi bộ Lương Thanh Long. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi, giờ đây cả bản Mờ hầu như nhà nào cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ có đàn trâu bò lớn, như ông Lương Văn Hồng có 35 con trâu bò. Toàn xã có 1.072 con trâu, 473 con bò, 1.127 con lợn và gia cầm 5.650 con… đạt gần 72% mục tiêu đại hội đề ra.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, công tác trồng cây nguyên liệu cũng đã có nhiều cá nhân cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện. Đơn cử gia đình đồng chí Quang Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã. Trên diện tích 2ha đất vườn trước đây trồng quế, năm 2011, đồng chí Tâm đã lặn lội xuống Thái Hòa mua giống keo đem về trồng thay thế. Nay diện tích keo phát triển xanh tốt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi thêm 6 con trâu, 8 con bò, 2 ao cá, tổng diện tích mặt nước 10ha nuôi cá trắm cỏ. Nhờ đó, ngoài lương công chức, thu nhập thêm từ mô hình phát triển kinh tế của Chủ tịch Tâm hàng năm cũng xấp xỉ 60 triệu đồng.

Từ mô hình trồng keo của chủ tịch xã, trên địa bàn cũng đã có nhiều hộ bắt đầu triển khai nhân rộng. Nhu cầu tăng nên trên địa bàn cũng đã hình thành vườn ươm giống keo để phục vụ nhu cầu giống tại chỗ cho nhân dân. “Nậm Giải có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế rừng. Xã đang tập trung chỉ đạo để nhân dân nhân rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang có kế hoạch phát triển cây chanh leo tại bản Piêng Lâng. Hiện đã có công ty vào khảo sát và lên kế hoạch trồng 200 ha chanh leo ở đây”, đồng chí Quang Văn Tâm cho biết.

Bước qua nỗi đau quằn xéo của thiên tai, Nậm Giải đang từng ngày, từng giờ đổi thay nhờ xác định rõ hướng đi trong việc tận dụng tiềm năng của địa phương để đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó là lực bẩy từ các nguồn đầu tư của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp cũng như sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Xã nghèo heo hút vùng biên, quanh năm mây phủ mịt mù này dường như đã được tiếp thêm nguồn sinh khí mới để trỗi dậy.


Bài, ảnh: Thành Duy

Mới nhất
x
Sức sống mới ở một xã vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO