Sức sống mới Tân Kỳ
Tháng 4 này ở Tân Kỳ khắp nơi náo nức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện; cờ hoa, biểu ngữ tươi tắn trên khắp nẻo đường các thị trấn, thị tứ, đường sá tập nập người xe qua lại. Tân Kỳ - mảnh đất kiên trung anh hùng trong chiến đấu, “quê của muôn quê” đang trỗi dậy sức sống mới với bát ngát màu xanh của lúa xuân, ngô xuân, mía non khắp các thung bãi, cánh đồng, khắp đôi bờ sông Con, dưới chân lèn Rỏi, dưới ngọn Pù Loi, dọc hai bên đường Hồ Chí Minh… Những mái nhà ngói mới, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều ở Lạt, ở Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn… Chúng tôi hỏi thăm đường về Nghĩa Hành, người dân Tân Hương đang sản xuất keo giống bên đường Hồ Chí Minh vui mừng tận tình hướng dẫn. Tân Hương từ lâu đã được biết đến là vùng sản xuất keo giống trồng rừng có uy tín của cả tỉnh. Người dân Tân Hương đang mạnh dạn khai phá đồi trọc, núi thấp để trồng mía, trồng keo…
(Baonghean) - Tháng 4 này ở Tân Kỳ khắp nơi náo nức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện; cờ hoa, biểu ngữ tươi tắn trên khắp nẻo đường các thị trấn, thị tứ, đường sá tập nập người xe qua lại. Tân Kỳ - mảnh đất kiên trung anh hùng trong chiến đấu, “quê của muôn quê” đang trỗi dậy sức sống mới với bát ngát màu xanh của lúa xuân, ngô xuân, mía non khắp các thung bãi, cánh đồng, khắp đôi bờ sông Con, dưới chân lèn Rỏi, dưới ngọn Pù Loi, dọc hai bên đường Hồ Chí Minh… Những mái nhà ngói mới, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều ở Lạt, ở Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn… Chúng tôi hỏi thăm đường về Nghĩa Hành, người dân Tân Hương đang sản xuất keo giống bên đường Hồ Chí Minh vui mừng tận tình hướng dẫn. Tân Hương từ lâu đã được biết đến là vùng sản xuất keo giống trồng rừng có uy tín của cả tỉnh. Người dân Tân Hương đang mạnh dạn khai phá đồi trọc, núi thấp để trồng mía, trồng keo…
Trên cung đường nguyên liệu thoáng đãng ở Nghĩa Hành trị giá gần 14 tỷ đồng vừa mới hoàn thành con đường này, nếu tính riêng giá trị đền bù giải phóng mặt bằng thì mất hơn 5 tỷ đồng, nhưng người dân Nghĩa Hành đã tự nguyện hiến hơn 50.000 m2 đất vườn để Nhà nước mở đường nguyên liệu, nay đường đã thông, xe chở mía, chở ngô bon bon về nhà máy. Gặp bác Nguyễn Quang Hải - người đã hiến hơn 500 m2 đất để làm đường, bác vui mừng chỉ vào những nương mía non đang lên xanh phấn khởi cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên mía, ngô thu hoạch sướng nhất, nhờ có đường nhựa, mía, ngô thu hoạch xong, chỉ vác mấy chục bước là ra xe, “thật sống cả đời giờ mới thấy đường sá thuận lợi ra ri”.
Có đường, xã lại được hưởng dự án kênh mương bê tông, bà con Nghĩa Hành lại tự nguyện hiến đất lúa để xây dựng 5,7km kênh mương với hơn 1 ha. Có kênh mương, Nghĩa Hành tiến hành chỉnh trang dồn điền, đổi thửa xây dựng nông thôn mới. Nghĩa Hành đã mở rộng được 1 tuyến đường liên xã dài 5,3 km, 10 tuyến đường liên thôn tổng chiều dài 8,5m, mở rộng 5 tuyến đường nội đồng dài 1,4 km. Nông dân Nghĩa Hành đã góp 3.500 ngày công, 150 giờ máy đào mương thoát nước, phá dỡ tường rào, đắp đất đá..
Thu hoạch mía ở Nghĩa Hành.
Về thăm những mô hình sản xuất bí xanh “siêu lợi nhuận” ở xóm 1, Nghĩa Hành, đã giữa trưa nhưng những người trồng bí vẫn ở ngoài vườn say sưa “đếm quả”. Nhưng vườn bí trĩu quả đang được thu hái để chuyển đi Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Trình, sinh năm 1976 ở xóm 1, trồng 5 sào bí, vừa bán 3 tấn quả thu được 21 triệu đồng, trong vườn vẫn còn khoảng 8 tấn bí. Anh cho biết: 5 sào bí một năm làm 3 vụ, một vụ thu về khoảng 10-12 tấn quả, như vậy một năm anh cũng có được khoảng 200 triệu đồng.
Từ thành công của anh Trình, giờ đây, nhiều nhà đã coi cây bí là cây làm giàu ở Nghĩa Hành, như các anh Nguyễn Đăng Tám, Lê Đình Hồng, Bùi Đức Thiết, Nguyễn Đăng Kinh, Nguyễn Văn Hợi… Cái sướng nhất của người trồng bí ở Nghĩa Hành là khách hàng từ Hà Nội đánh xe vào tận nơi để mua bí. Đường Hồ Chí Minh đã thông thương cho người dân miền núi Tân Kỳ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Nghĩa Hành có 20 ha bí, cho thu nhập hơn 10 tỷ đồng một năm, bình quân 1 ha cho thu nhập 200 triệu đồng. Từ một xã miền núi nghèo, Nghĩa Hành đang đột phá với những cách làm ăn táo bạo và hiệu quả…
Vườn bí xanh của anh Nguyễn Văn Trình xóm 1, xã Nghĩa Hành.
Rời Nghĩa Hành trở về Kỳ Sơn, qua cầu Rỏi về Nghĩa Hoàn, Tân Xuân, Giai Xuân… đâu đâu cũng bát ngát màu xanh. Xe tải chở mía, chở sắn nguyên liệu tấp nập về nhà máy. Tân Phú, Tân Xuân, Giai Xuân nghiêng nghiêng xuống dòng sông Con với bạt ngàn mía non, cao su… Anh Trương Hải Hồ - xóm Kẻ Mui - Giai Xuân đang thu hoạch mía phấn khởi cho hay: 10 ha mía anh đã thu hoạch gần hết, năm nay mía thu hoạch chậm hơn, nên tiền lãi không nhiều, chỉ được hơn 100 triệu đồng, năm ngoái được 200 triệu đồng, nhưng ở đây chỉ có mía là hiệu quả nhất.
Nhờ trồng mía, gia đình anh đã làm được nhà mới khang trang (hơn 500 triệu đồng) anh cũng biết đưa máy cày vào làm đất, biết đến sản xuất lớn, tập trung, biết cầm đến tiền triệu, tiền tỷ. Đồng bào Thổ ở Tân Kỳ như anh đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, bắt đồi núi “ nhả tiền”, không còn cảnh đói khổ, sốt rét triền miên như trước đây vì rừng thiêng nước độc. Nông dân Giai Xuân cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng mía, thu nhập cao gấp 5 lần như ông Cao Đăng Hùng, ông Vũ Đình Tuyên ở xóm Bãi Chè. Đến nay Giai Xuân đã có gần 700 ha mía, với năng suất 55 tấn/ha, hằng năm nông dân Giai Xuân đã thu về gần 35 tỷ đồng tiền mía, chiếm 48% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã…
Cái giàu không chỉ đến với nông dân Nghĩa Hành, Tân Hương, Giai Xuân, mà đến với những ai cần cù, nhạy bén. Người dân Tân Kỳ sống trong thiên nhiên khắc nghiệt đã kiên cường bám trụ làm giàu trên đất bạc màu, không khuất phục trước đói nghèo. Họ khoét đồi, khoét núi để trồng lúa, lấp hốc chọ làm nương rẫy, đẩy mạnh chăn nuôi bò, dê hàng hóa. Họ sẵn lòng bỏ ra 40-50 chục triệu đồng để mở đường chở mía, sắn… Thanh niên Tân Kỳ ở Đồng Văn, Tiên Kỳ, Giai Xuân… đã chịu cực, chịu khổ để làm giàu trên mảnh đất quê nhà, rất ít người đi làm thuê phía Nam. Dù có trên 80% diện tích là núi đồi mà phần lớn là đồi núi trọc, lèn đá, dù cho khô hạn, nứt nẻ ruộng đồng, thiên nhiên không ưu đãi với Tân Kỳ, đường sá đi lại còn nhiều vất vả, “mưa bùn, nắng bụi”... nhưng Tân kỳ vẫn có hàng trăm mô hình làm ăn có hiệu quả.
Trưởng phòng Nông nghiệp Tân Kỳ, Nguyễn Bá Thức phấn khởi nói với chúng tôi nhiều mô hình hiệu quả ở Tân Kỳ: nào là ương nuôi cá giống ở Tân Hương, trồng dâu nuôi tằm ở Nghĩa Đồng, nuôi lợn Móng Cái ở Giai Xuân, Phú Sơn, chăn nuôi lợn thịt trang trại ở Nghĩa Đồng, trại cao su ở Nghĩa Hoàn, nuôi lợn rừng ở thị trấn, trồng dưa hấu xen cao su ở Tân Phú… Chúng tôi biết ngói Cừa, đường kính, mật ong Tân Kỳ, cao su, bò đàn và nay là bí xanh, cá diêu hồng, gà trang trại, dâu tằm, keo giống… là những hàng hóa mà nông dân Tân Kỳ đang bán rộng rãi trong cả nước. Sức sống ấy, ý chí, niềm tin ấy… mãi là niềm tự hào về một vùng đất gian lao anh hùng trong cả chiến đấu và sản xuất.
Bài, ảnh: Châu Lan