Sức sống mới trên vùng quê cách mạng

28/08/2015 10:38

(Baonghean) - Trong nắng thu vàng, chúng tôi tìm về Hạnh Lâm (Thanh Chương) - nơi thượng nguồn sông Giăng, mảnh đất mà tên núi, tên làng, tên người... đã đi vào lịch sử. Qua câu chuyện của cụ Lê Đình Đoan (78 tuổi, ở xóm 8) - cháu ngoại của liệt sỹ Lê Thặng - người hy sinh trong trận đàn áp của giặc tại đình làng Thượng năm xưa, quá khứ đấu tranh oanh liệt của nhân dân Hạnh Lâm, Cát Ngạn... ngày trước, sống lại chân thực trong từng lời kể. Theo cụ Đoan, những năm 20 của thế kỷ XX, được sự đồng ý của chính quyền thực dân, phong kiến, Nguyễn Trường Viện (Ký Viện) về đây mở đồn điền, mộ phu khai thác đá vôi và quặng phốt phát. Viện ra sức thâu tóm ruộng đất quanh lèn Yên Sơn, mở rộng đồn điền; cấm đường không cho dân đi lại, ngang ngược bóp nghẹt quyền sống của dân... Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Thanh Chương (thành lập ngày 20/3/1930), Tổng ủy Cát Ngạn và Chi bộ đảng Hạnh Lâm đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng dậy đấu tranh. Sáng ngày 1/5/1930, sau khi tập trung, mít tinh ngày quốc tế lao động tại đình làng Hạ, gần 3000 nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc... chia thành 2 đoàn tiến về đồn điền Ký Viện. “Dân khắp nơi đổ về mang theo gậy gộc, dao rựa, cuốc cào; dân đi rừng cũng mang búa, rìu nhảy vào tham gia; ai có gì thì dùng nấy, cùng nhau đốt phá nhà cửa, kho tàng, chuồng trại; Ký Viện bỏ trốn, mìn nổ, khói lửa ngút trời” - cụ Đoan cho biết.

Chỉ trong chốc lát, đồn điền của tên địa chủ kiêm tư sản bị phá tan hoang. Mấy ngày sau, Pháp điều quân khắp nơi về đóng chật đình làng Thượng. Dân đến bao vây mấy ngày liền. Đảng viên Nguyễn Uy đã từng giật áo, phanh ngực, hét lớn vào mặt quân địch “đây bắn đi”. Đich nổ súng phá vòng vây, rồi xuống thuyền tháo chạy. Cuộc đàn áp đã làm 17 người hy sinh, trong đó có ông ngoại cụ Đoan, 18 người bị thương, máu nhuộm đỏ cả đường làng, nhưng nhân dân vẫn không lùi bước. Cụ Đoan kể rằng: “Mẹ tôi là người làng khác lấy chồng về đây, cũng đi biểu tình, nhưng chỉ khi có người đến báo “ông Thặng bị Pháp bắn rồi”, mẹ tôi mới biết cha mình cũng đi đấu tranh ở đình làng Thượng”.

Một góc thị tứ Rộ (xã Võ Liệt - Thanh Chương) hôm nay.
Một góc thị tứ Rộ (xã Võ Liệt - Thanh Chương) hôm nay.

Ngày nay, đến Hạnh Lâm, vùng quê xưa đã có bao thay đổi, con đường rải nhựa dẫn từ đường Hồ Chí Minh qua lèn Yên Sơn vòng về các xóm, rộn ràng không khí vui tươi. Đất đai của đồn điền Ký Viện xưa, một phần thuộc quyền quản lý của Trại cải tạo số 6 nay (Bộ công an). Lèn Thượng, lèn Hạ... vẫn còn đó, sừng sững, uy nghi giữa những cánh đồng bạt ngàn màu xanh của mía, của ngô. Dấu tích lò vôi Ký Viện giờ là vườn chuối xanh um nằm bên đường vào xóm 6. Đình làng Thượng cổ kính, nơi thấm đẫm máu những người vì nước quên thân năm ấy, đã thành di tích lịch sử quốc gia, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho bao thế hệ. Nhân dân Hạnh Lâm đang ra sức xây dựng quê hương, lập thêm nhiều vùng nguyên liệu giấy, chè công nghiệp; 16 trang trại cho thu nhập cao; những con đường rải nhựa, đổ bê tông đang được nối dài; 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, nhiều công trình văn hoá, thể thao đang được xây dựng theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Chúng tôi tìm về Võ Liệt - nơi đứng chân huyện đường xưa, gặp cụ Phan Tố Đức (98 tuổi, 76 tuổi đảng, ở xóm Kim Tiến), người đã từng tham gia trong đoàn biểu tình tại Rộ, 85 năm trước. Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, hào hứng lật giở từng trang ký ức về cuộc đấu tranh hào hùng năm ấy.

Ngày nay về với Rộ, chẳng còn dấu tích của huyện đường thời phong kiến, chợ Rộ vẫn còn đó, ngay giữa chợ, trước nhà bưu điện cũ (vị trí của huyện đường xưa) sừng sững một tấm bia dẫn tích lớn, nhắc nhở mọi người về cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân Thanh Chương đã từng diễn ra nơi đây. Rộ đang từng bước vươn lên thành trung tâm dịch vụ, thương mại của vùng với những con đường phong quang, những dãy nhà cao tầng, những quán hàng san sát. Rộ đã nằm trong quy hoạch phát triển thành thị trấn, một diện mạo mới, sức vóc mới đã bao trùm lên không gian Rộ xưa. Bến đò lịch sử năm nào từng là điểm giao thông chính, kết nối đường sông, đường bộ, nay đã được thay bằng cầu Rộ hiện đại nối liền Quốc lộ 46 và đường Hồ Chí Minh. Đình Võ Liệt vẫn sừng sững giữa cánh đồng, nơi đã từng gióng lên tiếng trống năm 1930 cùng ngọn cờ búa liềm phấp phới, thúc dục đấu tranh, mãi là niềm tự hào của quê hương cách mạng.

Thanh Chương đang nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,5%. Trong nông nghiệp, nổi bật với thành tích dồn điền đổi thửa, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm (10.000 ha rừng nguyên liệu, 4.952 ha chè, 2.600 ha sắn công nghiệp); sản xuất lương thực hàng năm đạt trên 100.000 tấn. Hệ thống đường giao thông đã được đầu tư xây dựng, nối liền trung tâm với các vùng khó khăn của huyện, ngoài những tuyến đường lớn như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 46, các tuyến đường tỉnh, huyện đã được nhựa hoá, đưa Thanh Chương trở thành huyện có số ki-lô-mét đường nhựa dài nhất tỉnh. Một số cầu lớn (cầu Rộ, cầu Dùng, cầu Rạng) đã được xây dựng, nối hai bờ sông Lam, mở ra những tiềm năng mới. Trong giáo dục - đào tạo, truyền thống hiếu học đang được phát huy, trong những năm qua, số học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh đậu vào các trường đại học, đậu thủ khoa luôn đứng tốp đầu của tỉnh...

Ôn lại những tháng ngày “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước theo sau”, con, dân của quê hương Xô viết anh hùng thêm tự hào, thêm cố gắng trên con đường đổi mới.

Huy Thư

Mới nhất

x
Sức sống mới trên vùng quê cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO