Sức sống trường tồn của bài ca "Ru con Nam bộ"

“Ru con Nam bộ” đã tròn 60 năm nhưng sức sống của bài ru ấy vẫn trường tồn tới hôm nay và mai sau trên đất Việt.
Đầu năm 1977, theo đề nghị của Bộ Văn hóa, tôi được Đài TNVN cử vào Ban khai thác phát huy vốn âm nhạc truyền thống Trung ương (gọi tắt là KPVAT) do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng ban. Ngoài Bộ Văn hóa còn có Cục Chính trị Quân đội, Hội nhạc sĩ, Hội Văn nghệ Dân gian…Mỗi tháng họp một lần.
Thời gian này tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ và phỏng vấn thu thanh các thành viên xung quanh chủ đề âm nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nói về xuất xứ của bài “Ru con Nam bộ”: “Cuối năm 1953 từ chiến khu Việt Bắc, để chuẩn bị cho công cuộc trở về giải phóng Thủ đô, cấp trên chủ trương thành lập Đoàn Hợp xướng Hòa Bình để về biểu diễn ở Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
Đoàn này gồm có các nghệ sĩ nổi tiếng như: Năm Ngũ, Thái Thị Liên, Thương Huyền, Mai Khanh… và các nghệ sĩ trẻ khác. Kế hoạch của đoàn còn ra nước ngoài thu đĩa hát, để khi về giải phóng Thủ đô tặng bà con Hà Nội. Đĩa hát này bao gồm các bài hát cách mạng, bài hát kháng chiến và không thể thiếu dân ca các miền của đất nước.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
Dân ca miền Bắc và Miền Trung đã có sẵn, thiếu dân ca Nam bộ. Trong đoàn chỉ có hai người Nam bộ, đó là chị Thái Thị Liên quê Chợ Lớn và tôi (Lưu Hữu Phước) quê Cần Thơ. Chúng tôi bàn nhau chọn bài. Chị Thái Thị Liên chỉ thuộc mỗi một lời trong điệu “Lý Giao duyên”: Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ/Năm canh chầy thức đủ vừa năm/Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng.
Tôi lục lại trí nhớ. Hồi nhỏ mẹ tôi thường hay hát một điệu mà bà gọi là “Lý bốn mùa”: Gió mùa xuân rưng rưng nước mắt…/Gió mùa hè tai nghe tiếng dế…/Gió mùa thu mẹ ru con ngủ…/Gió mùa đông phòng không lạnh lẽo…/ Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con/Con hời mà con hỡi/Con hỡi con hời/ Con hỡi con hời hỡi con.
Chúng tôi thống nhất với nhau là lấy lời của “Lý Giao duyên” chắp thêm đoạn sau của “Lý bốn mùa” để kết thúc bài cho trọn vẹn. Chúng tôi coi đó là lời thứ nhất. Tôi sáng tác thêm lời 2 và lời 3 cho đủ ý và để “có hậu” về nội dung. Tôi ký âm lại cho hoàn chỉnh toàn bài, nhờ chị Thái Thị Liên đệm Piano và nhờ chị Thương Huyền hát, sau đó chính thức thu vào đĩa để phổ biến với tên gọi là “Ru con Nam Bộ”:
1- Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm
2- Chí làm trai mê say mà yêu nước
Em nỡ dạ bào trách móc tình ai
3- Đến mùa xuân trong cơn mà gió ấm
Cha con về con nắm tay cha
(Điệp khúc sau mỗi lời) :
Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi
Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng.
Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
Con hời mà con hỡi, con hỡi con hời
Con hỡi con hời… hỡi con”
Qua tìm hiểu các tài liệu, thấy bà con Nam Bộ sử dụng nhiều nhất là điệu hát ru “Ầu ơ”: Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/Khó đi má dắt con đi/Con đi trường học, má đi trường đời. Năm 1990, khi vào làm giám khảo cuộc thi “Hát dân ca trên sóng Phát thanh” khu vực các tỉnh Nam Bộ tổ chức tại thành phố Cần Thơ, tôi rất vui khi được nghe đến 17 bài hát ru, trong đó quá nửa là bài “Ru con Nam Bộ”.
Lần này tôi đã có dịp đi “điền dã” về một số tỉnh miền Tây. Gặp được những “nghệ sĩ chân quê” không thạo nhạc chẳng rành thơ, chỉ bằng tình cảm trìu mến với con với cháu mà học hát ru truyền khẩu. Cũng bằng tình cảm ấy mà tôi đã may mắn ghi lại được bài hát ru lời cổ: Khóc làm chi hài nhi con hỡi/Cha con rày bạc ngỡi thì thôi/Hời chàng chàng ơi, hỡi chồng chồng chồng ơi/Sao tệ bấy hỡi chàng, sao tệ bấy hỡi chồng/Để con khờ, vợ ngóng trông. 
Khi được hỏi các bà má trên tám chục tuổi, người thì trả lời đó là bài “Ru con”, người thì nói đó là bài “Lý Giao duyên”. Tôi nghĩ, dù là điệu ru con gì thì cũng là cách thể hiện tình cảm giữa mẹ và con, còn mang theo sự gửi gắm nhắn nhủ với người xa vắng...” – nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chia sẻ.
“Lý Giao duyên” là tiếng hát trữ tình về đề tài tình yêu và hôn nhân, là tiếng hát trao gửi tình cảm. Tuy nhiên bài ca giao duyên trong quá trình phát triển còn mang thêm nhiều nội dung khác ngoài ý nghĩa giao duyên. Trong bài này, chủ thể trữ tình là người mẹ, đối tượng tiếp nhận trực tiếp là người con, với chức năng bao quát là ru con ngủ. Điệu Lý mang sắc thái rõ nét của sinh hoạt gia đình. Có điều về nội dung tư tưởng thì bài ca giao duyên hay những bài ca sinh hoạt gia đình thực sự cũng là những sáng tác thơ ca dân gian có phong cách nghệ thuật thống nhất, nên rạch ròi quá cũng không cần thiết dù cho nội dung là “than trách” bộc bạch nỗi lòng.
Xét về phương diện biểu đạt của ngôn từ, nhân vật người mẹ có thực hát cho con không, hay ru chỉ là cái cớ cho nỗi lòng người vợ ?! Ngẫm thấy, người mẹ ở đây trò chuyện với con, một “hài nhi” chưa có sự phát triển trí tuệ cần đủ để hiểu được tâm tình của mẹ cùng những phức tạp trong quan hệ xã hội. Như vậy, mượn con làm người bạn tâm tình người mẹ bộc lộ nỗi lòng mình về người chồng bội bạc. Nội dung lời hát ở đây không hẳn giành cho con mà hát lên cho vợi bớt buồn.
Trở lại bài “Ru con Nam Bộ”. Đây là một thành công của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 - 1989) khi ông ghép hai điệu “Lý Giao duyên” và  “Lý bốn mùa” vào với nhau. Cái khéo của tác giả là đã sáng tác trên giai điệu có sẵn quen thuộc, nên ai cũng hát được và hát hay, thể hiện tối đa về tình cảm, kể cả khi biểu diễn trên sân khấu. Nó giống như bài dân ca “Ví giận thương” của vùng Nghệ Tĩnh, cũng được ghép từ hai điệu “Ví” và “Dặm” mà nên.
Về nhạc điệu, để biểu hiện những tư tưởng tình cảm khác nhau, mỗi bài có một giai điệu, tiết tấu riêng. Ở bài “Ru con Nam Bộ” cơ sở căn bản của giai điệu là thanh điệu và vần của tiếng Việt. Tuyến giai điệu trầm bổng theo tuyến thanh điệu của lời ca, bắt đầu từ những âm cao hạ xuống rồi đi lên. Giai điệu kết hợp với tiết tấu tạo thành dòng âm nhạc chậm rãi, ngân nga và những chỗ “đảo phách” thể hiện tâm trạng người vợ nhớ nhung, chờ đợi. Đỉnh điểm bài ca là cao trào thanh âm của những thán từ “hỡi, ơi, hời…”. Điệu thức gắn bó mật thiết với nội dung lời ca là đặc điểm của những bài dân ca cổ xưa chúng ta thường thấy.
“Ru con Nam Bộ” đã tròn 60 năm. Nó vẫn song hành với các bà, các mẹ, các chị… và cả phái nam. Không chỉ trong mỗi gia đình mà nó còn đứng vững trên sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Sức sống của bài ru ấy vẫn trường tồn tới hôm nay và mai sau trên đất Việt. Hôm nay, mở lại cuộn băng tôi phỏng vấn nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cách đây 36 năm mà bồi hồi xúc động. Nơi “chín suối” chắc nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đang mỉm cười.
Theo VOV - HQ

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.