Suy dinh dưỡng trẻ em và cách phòng chống
(Baonghean) - Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng để phát triển, đặc biệt trong thời gian phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất của trẻ (thời kỳ bào thai và 5 năm tuổi đầu tiên). Trẻ bị SDD sẽ chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ, bị còi xương và dễ bị mắc các bệnh như: tiêu chảy, viêm phổi và các bệnh dịch khác. Việc phòng chống SDD phải được thực hiện ngay tại mỗi gia đình bằng sự hiểu biết và cách chăm sóc về dinh dưỡng.
Phát hiện sớm trẻ SDD bằng cách: cân trẻ thường xuyên, đo chiều cao và ghi biểu đồ tăng trưởng (trẻ dưới 2 tuổi). Đây là biện pháp sớm nhất và tốt nhất để phát hiện trẻ bị SDD, đặc biệt khi trẻ ốm. Bình thường, trẻ mới đẻ có cân nặng 2,8-3,5 kg/tháng. Từ năm thứ 2, mỗi năm tăng thêm 1,5kg, năm đầu tiên cân trẻ hàng tháng vào một ngày nhất định, năm thứ hai cân trẻ hàng quý, năm thứ ba trở đi 6 tháng một lần cân trẻ. Nếu cân trẻ dưới mức cân trên và đường biểu đồ phía dưới đường bình thường (kênh B,C,D ) là trẻ có dấu hiệu SDD. Ngoài ra trẻ còn có biểu hiện: da thịt nhẽo, tóc thưa dễ gẫy, rối loạn tiêu hóa; nặng có thể có phù hoặc teo dét, có thể gặp quáng gà, loét giác mạc...
Để phòng tránh SDD cho trẻ, phụ nữ có thai phải ăn đầy đủ chất, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Uống viên sắt đều đặn. Tiêm phòng vắc xin phòng chống uốn ván đủ mũi. Đảm bảo cân nặng trong thời gian có thai đến khi đẻ tăng 8-12 kg. Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện chăm sóc trẻ. Trẻ sinh ra được bú mẹ sớm ngay giờ đầu, bú mẹ trong 4 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ đến khi trẻ được 2 tuổi, kết hợp cho ăn bổ sung hợp lý đủ 4 nhóm chất theo ô vuông thức ăn. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, theo dõi cân nặng của trẻ đều đặn. Trong trường hợp bị SDD, nếu nhẹ thì chăm sóc tại nhà, trường hợp có bệnh kèm theo thì phải được điều trị tại cơ sở y tế, nhưng phải tiếp tục cho trẻ bú nhiều hơn với trẻ đang bú mẹ. Cho trẻ ăn nhiều bữa mỗi ngày, thức ăn nấu loãng hơn, mềm hơn cho dễ tiêu, uống thêm nước hoa quả mỗi ngày. Chăm sóc trẻ luôn sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm. Dùng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Trẻ luôn ở gần mẹ, các bà mẹ khi chăm sóc trẻ thấy dấu hiệu khác thường như ho, khó thở, tiêu chảy hoặc có dấu hiệu bệnh nặng thêm thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Thu Hiền