“Suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét”

14/05/2013 19:24

Đó là nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được trình bày tại phiên họp sáng 14-5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Tăng trưởng chậm lại trong năm 2011 và 2012 cho thấy tăng trưởng tiềm năng của kinh tế nước ta đang có xu hướng giảm dần, bộc lộ những hạn chế sâu sắc về sự phụ thuộc vào vốn đầu tư, chậm cải thiện các yếu tố năng suất lao động, nhất là việc sử dụng các nguồn lực lao động chất lượng cao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.

Trong bối cảnh khó khăn, các chỉ số kinh tế gần như không được cải thiện, Ủy ban Kinh tế khẳng định: “Dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét hơn, tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ xấu, tồn kho, khó khăn thị trường bất động sản và khả năng hấp thụ đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện.

Việc thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đem lại kết quả rõ rệt, dư địa chính sách kích thích tăng trưởng bị giới hạn bởi thâm hụt ngân sách trong khi thị trường vốn và tăng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế vẫn ở mức quá thấp; giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp là vấn đề đặt ra không chỉ của năm 2013 mà cả các năm tiếp theo”.

Cụ thể, tăng trưởng dư nợ tín dụng ba tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong bốn tháng đầu năm; chỉ số sản xuất công nghiệp quý I-2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng với tỉ lệ tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang ở mức cao làm ảnh hưởng đến mối quan hệ an toàn giữa các khâu sản xuất - tiêu thụ và tồn kho của sản xuất công nghiệp...

“Từ cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đấu thầu vàng miếng để ổn định thị trường vàng, với kết quả ban đầu nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao và thông tin về định hướng chính sách chưa kịp thời tác động đến tâm lý xã hội” – ông Giàu nói.

Theo ông Giàu, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng sau một thời gian dài kiểm soát tín dụng với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.

Cùng với nhân tố năng suất tổng hợp của nền kinh tế chậm cải thiện do quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đang mới bắt đầu được thực hiện, yếu tố tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong năm 2013 và những năm tới đây sẽ bị sụt giảm. Nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng với tình trạng đóng băng tín dụng, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp thua lỗ và phá sản, người lao động mất việc làm... diễn biến ngày càng xấu như hiện nay, nếu kỳ họp Quốc hội tới đây mà không đưa ra được giải pháp mạnh để cứu nền kinh tế thì khó khăn sẽ ở mức độ rất trầm trọng.


Theo Tuổi trẻ - TH

Mới nhất
x
“Suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO