Suy nghĩ người viết trẻ

10/11/2011 14:45

(Baonghean) - Những cơ duyên và cả nhiều may mắn đã đưa tôi đến sinh sống và làm việc tại mảnh đất "mô- tê- răng- rứa" Nghệ An- vốn không phải là nơi chôn rau cắt rốn. Và phải nói thêm rằng cũng thật may mắn khi một người viết trẻ mới 26 tuổi đời như tôi được vinh dự đứng chân trong hàng ngũ những phóng viên, nhà báo tại Báo Nghệ An- một trong những tờ báo Đảng địa phương được đánh giá là chững chạc nhất cả về tuổi nghề lẫn chất lượng các ấn phẩm.

Nghĩ về quãng thời gian chưa lâu được "kết duyên" với Tòa soạn Báo Nghệ An mà không khỏi bồi hồi. Những ngày đầu nhận công tác, tôi dành nguyên một tuần ngồi lì trong thư viện của Tòa soạn, đọc lùi lại những số báo cũ, chú tâm để ý thật kỹ phong cách bài vở, cách triển khai một tin ngắn như thế nào, khai thác phóng sự dưới góc độ nào thì hấp dẫn, đề tài ra sao thì được bạn đọc quan tâm và tạo hiệu ứng xã hội mạnh nhất... Hàng ngày, cho đến bây giờ, tôi vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để lật đi lật lại các trang báo, đọc chậm và đọc sâu từng tin bài, ghi nhớ những bài báo hay của các anh chị đồng nghiệp. Với tôi, việc làm đó mang lại cho bản thân thật nhiều bài học bổ ích.

Không phải là người con xứ Nghệ, lại là một phóng viên trẻ nên đề tài nào với tôi cũng mới, mảnh đất nào cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ... Một lần, tôi được lãnh đạo báo phân công thực hiện phóng sự về con đường đến trường của học sinh vùng sâu Con Cuông, tại các xã Thạch Ngàn, Mậu Đức, Đôn Phục... sau cơn bão số 5. Lúc bấy giờ, vừa kết thúc chuyên đề lở núi tại khu dân cư khe Chóng, khe Ò (Tương Dương), tôi vội vàng bắt xe khách xuống Con Cuông để bắt tay vào đề tài mới. Trời vừa tảng sáng, tôi cùng một cán bộ phòng Giáo dục huyện lên chiếc xe máy cũ qua những đoạn đường bùn lầy để đến Trường tiểu học xã Đôn Phục. Đường đi vất vả là thế, nhưng đến nơi, nhìn cảnh sinh hoạt và học tập của thầy trò nơi đây mới thấy nỗi mệt nhọc của mình chẳng là bao. Trường Tiểu học Đôn Phục, nằm chênh vênh bên đồi, sát cạnh là dòng nước lũ khe Phèn cuộn xiết, thầy cô nơi đây thay nhau túc trực để bảo vệ "tài sản" của trường: vài cuốn giáo án đã thấm ướt, dăm ba bộ bàn ghế xiêu vẹo, hộp phấn trắng được kê lên cao để giữ cho khô ráo... Thắt lòng khi nghe những câu chuyện buồn mùa lũ: hàng ngàn học sinh không thể đến trường, nhà cửa của thầy cô bị cuốn trôi... Trong điều kiện khó khăn chồng chất đó, tôi đã cố gắng ghi chép để chuyển thông tin một cách nhanh nhất đến với bạn đọc thông qua Báo Nghệ An bằng tác phẩm của mình.

Làm việc ở Báo Nghệ An- một cơ quan ngôn luận chính thống của Đảng cho tôi cái may mắn được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân, trau dồi thêm bản lĩnh và nghị lực sống. Viết cho một tờ báo Đảng có nhiều đặc thù hơn so với các tòa soạn báo khác. Với tôi, cái khó nhất có lẽ là văn phong. Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng từ khi về làm việc tại Báo Nghệ An, tôi đã rèn cho mình được cách viết gãy gọn, súc tích, có thông tin, đúng định hướng. Chưa có được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng cũng là một điều luôn thôi thúc tôi cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa. Sự phấn đấu ấy luôn ở trong tôi như hình ảnh những bậc thang, ngày qua ngày, tôi đặt từng bước chân đầy hy vọng và tin tưởng.


Nguyễn Thành Duy

Mới nhất
x
Suy nghĩ người viết trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO