Tác dụng của vôi trong nuôi trồng thủy sản

01/07/2013 18:36

(Baonghean) - Trước hết, vôi giúp hạ phèn đất và nước, diệt được cá tạp, địch hại, rong tảo và cả các mầm bệnh trong ao. Vôi giúp cho mùn bã đáy ao được phân hủy, làm đáy ao tốt hơn do được khoáng hóa, chất lượng nước cũng được cải thiện, thức ăn tự nhiên của tôm, cá cũng từ đó mà phong phú hơn. Đối với tôm nuôi, vôi còn có tác dụng làm cứng vỏ sau khi khi tôm lột. Tuy nhiên, cũng không nên bón vôi quá nhiều, vì có thể gây tác hại cho môi trường, cá và tôm nuôi.


Kiểm tra môi trường nuôi cá tại xã Diễn Hồng - Diễn Châu.

- Nếu cải tạo ao nuôi, dùng vôi bột CaCO3 hay vôi tôi Ca(OH)2, liều lượng sử dụng 10-15kg/100m2.

- Nếu dùng để ổn định độ pH, dùng vôi bột CaCO3 với liều lượng như sau:

+ Đối với ao nuôi cá, tôm thương phẩm: liều dùng từ 1-2 kg/100m2, hòa với nước tạt xuống ao.

+ Đối với nuôi cá lồng bè liều dùng từ 2-4 kg/10m3 nước, treo thành bịch nhỏ đầu dòng chảy

- Nếu dùng để điều chỉnh độ trong của nước ao, dùng vôi CaCO3, liều lượng 1-2 kg/100m2, hòa với nước tạt khắp ao, độ trong sẽ trở lại bình thường.

- Nếu dùng trong phòng bệnh cho tôm, cá, định kỳ 10-15 ngày nên bón vôi nông nghiệp (CaCO3) vào ao một lần, liều lượng 1-2 kg/100m2 (đối với nuôi lồng,bè thì treo túi vôi liều lượng 2-4 kg/10m3 nước bè). Đây là hình thức phòng bệnh cho cá, tôm hữu hiệu và rẻ tiền nhất

Trong nuôi trồng thủy sản, pH của nước thường xuyên biến động theo chu kỳ ngày đêm, biên độ biến động tăng dần từ đầu cho đến cuối vụ nuôi. Ngoài ra, pH của nước có thể bị thấp do đất phèn, đặc biệt là hiện tượng pH giảm đột ngột sau những cơn mưa. Sự biến động pH quá lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng nuôi, cụ thể là có thể làm cho đối tượng nuôi sinh trưởng chậm và có thể chết với tỷ lệ chết cao. pH quá cao (vào buổi trưa) hay quá thấp (vào sáng sớm) còn có ảnh hưởng gián tiếp làm tăng hàm lượng các khí độc NH3 và H2S. Khi pH cao sẽ làm tăng hàm lượng NH3, ngược lại pH thấp sẽ làm tăng hàm lượng H2S gây độc cho cá và tôm. Do đó, người nuôi thường sử dụng vôi để giữ pH ổn định, giúp tôm cá sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống và năng suất cao. Các trường hợp ao nuôi cần được bón vôi gồm:

- Ao nuôi bị mất cân bằng dinh dưỡng với nhiều chất hữu cơ và mùn ở đáy ao. Mất cân bằng dinh dưỡng với nước bị nhiễm phèn.

- Nước ao nuôi có độ kiềm thấp.

- Hàm lượng khí CO2 trong nước cao.

Các loại vôi thường được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản gồm 4 loại: Vôi nông nghiệp hay đá vôi (CaCO3), dolomite hay đá vôi đen (CaMg(CO3)2), vôi tôi (Ca(OH)2) và vôi sống (CaO). Lượng tạp chất trong vôi càng nhiều thì hiệu quả trung hòa càng thấp. Vì vậy, khi sử dụng vôi nên chú ý lựa chọn loại vôi mịn (cỡ hạt nhỏ hơn 0,25 mm) và ít tạp chất đạt hiệu quả trung hòa cao nhất.

Ngoài ra, bón vôi cho ao nuôi có thể làm giảm độ đục do phù sa. Việc xác định liều lượng vôi cần bón cho nước ao thường được dựa vào tổng độ kiềm. Tổng độ kiềm thích hợp là lớn hơn 40 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước ngọt và lớn hơn 80 mg CaCO3/L cho ao nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Để độ kiểm đạt ngưỡng cho phép thích hợp trong ao nuôi thì sau khi bón vôi 2-3 tuần cần kiểm tra lại độ kiềm của nước, nếu độ kiềm chưa đạt thì cần bón vôi bổ sung.


Lệ Hằng (Trung tâm Khuyến nông)

Mới nhất
x
Tác dụng của vôi trong nuôi trồng thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO