Tác dụng ngược!

24/09/2012 18:29

Để chống sạt lở, huyện Tương Dương xin đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở dọc hữu ngạn sông Lam đoạn đi qua Thị trấn Hòa Bình với chiều dài 2 km. Thân kè được thiết kế cao 4 m, vượt cao trình đỉnh lũ Thủy điện Khe Bố, bờ kè được kết cấu mái ghép đá khan chân khay, bề mặt giao thông rộng tới 6 m. Công trình vừa có tác dụng chống sạt lở, vừa có thể khai thác để phát triển du lịch sinh thái khi đập Thủy điện Khe Bố tích nước. Tính đến thời điểm hiện nay, công trình đã khởi công được gần 1 năm nhưng các hạng mục thi công vẫn còn ngổn ngang, bề bộn. Điều này là một tác nhân góp phần làm cho tình trạng sạt lở đất thêm trầm trọng trong đợt mưa lũ vừa qua.

(Baonghean) - Để chống sạt lở, huyện Tương Dương xin đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở dọc hữu ngạn sông Lam đoạn đi qua Thị trấn Hòa Bình với chiều dài 2 km. Thân kè được thiết kế cao 4 m, vượt cao trình đỉnh lũ Thủy điện Khe Bố, bờ kè được kết cấu mái ghép đá khan chân khay, bề mặt giao thông rộng tới 6 m. Công trình vừa có tác dụng chống sạt lở, vừa có thể khai thác để phát triển du lịch sinh thái khi đập Thủy điện Khe Bố tích nước. Tính đến thời điểm hiện nay, công trình đã khởi công được gần 1 năm nhưng các hạng mục thi công vẫn còn ngổn ngang, bề bộn. Điều này là một tác nhân góp phần làm cho tình trạng sạt lở đất thêm trầm trọng trong đợt mưa lũ vừa qua.

Điều đáng lo lắng hơn cả là tình trạng sạt lở đã và đang đe dọa sự an toàn của các hộ dân sinh sống dọc bờ sông. Hiện tại, nhà cửa và các công trình phụ của một số hộ dân đang có dấu hiệu lún sụt, chỉ cần mưa lớn kéo dài có thể sẽ bị đổ sập, sạt lở và cuốn trôi bất cứ lúc nào. Các hộ dân đang đối phó với nguy cơ sạt lở bằng cách trải bạt dọc xuống mép ta- luy âm để hạn chế nước xâm nhập từ mặt sông và để nước từ trên xuống chảy trượt qua. Thực ra, đây chỉ là giải pháp nhất thời, chỉ có tác dụng khi lượng mưa không lớn và không kéo dài. Nếu xẩy ra mưa lớn, kéo dài, nước sông dâng cao và chảy xiết thì giải pháp này không khác gì “dã tràng xe cát”. Đó là chưa kể hiện tượng sạt lở, cuốn trôi bờ sông sẽ phát sinh thêm các hạng mục hoặc chi phí khắc phục trong quá trình thi công, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

Qua đây, chúng ta có thể rút ra bài học dù đã cũ nhưng vẫn phải nhắc lại rằng: Đối với các công trình kè chống lũ và chống xói mòn, sạt lở cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công và phải đặt kế hoạch hoàn thành trước mùa mưa lũ. Nếu không thể hoàn thành trước mùa mưa lũ cần phải có kế hoạch thi công kiểu “cuốn chiếu”. Tức là làm đến đâu hoàn thiện đến đó để tránh nguy cơ sạt lở trên diện rộng, giảm thiểu “tác dụng ngược”- kè chống sạt lở nhưng chính là nguyên nhân gây sạt lở. Như thế, vừa đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống dọc bờ sông và tránh các chi phí phát sinh, tiết kiệm được nguồn ngân sách cho nhà nước.


TƯỜNG ANH

Mới nhất
x
Tác dụng ngược!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO