Tác giả bức ảnh 'Cô gái Afghanistan': Cần cảm xúc để có ảnh để đời
Bức ảnh Cô gái Afghanistan là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng nhất thế giới, là điểm sáng trong sự nghiệp phóng viên chiến trường của Steve McCurry. Gần đây ông đã mở triển lãm về các tác phẩm của mình tại Italy, đồng thời chia sẻ câu chuyện đằng sau bức ảnh nổi tiếng.
Cách nay 3 thập kỷ, Steve McCurry đã chụp Cô gái Afghanistan, một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng của thời đại.
Kiệt tác nhiếp ảnh lay động lòng người
Sau ngần ấy thời gian, ông vẫn rất hào hứng khi nói về bức Cô gái Afghanistan. "Tôi biết ngay rằng cô ấy có một ánh nhìn đáng kinh ngạc, như xuyên thủng người khác" - ông nhớ lại.
"Nhưng có một đám đông người ở quanh chúng tôi và bụi mù bay lên trong không khí. Đó là thời kỳ trước khi máy ảnh kỹ thuật số thống trị và anh sẽ không thể biết điều gì có thể xảy ra với máy ảnh chụp phim. Phải tới khi rửa ảnh, tôi mới biết rằng nó rất đặc biệt. Tôi đưa bức ảnh cho Tổng biên tập tờ National Geographic và ông ấy đã nhảy dựng lên, hét lớn "Đây sẽ là ảnh bìa số tiếp theo của chúng tôi"" - McCurry kể.
Bức ảnh "Cô gái Afghanistan" lừng danh của McCurry |
Không chỉ trở thành một tấm hình bìa, Cô gái Afghanistan còn ghi dấu dậm trong lịch sử. Bức ảnh vô cùng ấn tượng chụp Sharbat Gula (khi ấy mới 12 tuổi), một đứa trẻ mồ côi người Pashtun ở trại tị nạn Nasir Bagh nằm bên biên giới Afghanistan - Pakistan. Ảnh chụp vào tháng 12/1984 và được xuất bản vào năm tiếp tiếp. Cô gái trong bức ảnh, giờ đã ở trong độ tuổi 40, gần đây được phát hiện đang sống ở Pakistan.
Khi nhắc tới bức ảnh này, McCurry nói điều khiến ông thích nhất là tác động mà một bức ảnh duy nhất có thể gây ra với thế giới. "Bức ảnh thu hút sự chú ý của thế giới với nỗi thống khổ của người Afghanistan. Nó truyền cảm hứng để nhiều người tình nguyện làm việc trong các trại tị nạn" - ông nói - "Về phần mình, người Afghanistan rất tự hào về bức ảnh, bởi cô gái đó nghèo khổ nhưng vẫn thể hiện sự kiêu hãnh, kiên cường và tự trọng tuyệt vời".
Bức ảnh còn khiến National Geographic lập Quỹ trẻ em Afghanistan để giúp đỡ trẻ em quốc gia này. Có một điều thú vị là bức ảnh khiến McCurry được các tài xế Afghanistan yêu mến và tới giờ họ vẫn không thu một đồng tiền phí taxi nào từ ông.
Bức ảnh đã giữ vị trí trung tâm tại một triển lãm hồi cố lớn của McCurry, diễn ra ở Monza, Italy, kéo dài tới ngày 6/4 vừa qua. Thực tế nó chỉ là một trong hàng ngàn bức ảnh tuyệt vời mà McCurry đã chụp trong sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm, với hàng chục giải thưởng nhiếp ảnh. Một bức như thế được chụp ở Kuwait vào năm 1991, tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Nó cho thấy 3 con lạc đà đứng trên nền một vụ nổ giếng dầu, với khói lửa ngút trời.
"Saddam Hussein đã cho nổ tung khoảng 600 giếng dầu. Đó là một thảm họa môi trường. Dầu chảy tràn trên khắp đất nước Iraq, ngấm dần ra vùng Vịnh" - ông nói - "Phân nửa số dầu đó đang bùng cháy. Có những nơi dầu phun lên và bùng cháy, với khói đen biến ban ngày trở thành đêm tối".
McCurry kể rằng ông mải mê đuổi theo những con lạc đà và chụp ảnh mà không ngờ mình đã chạy xe vào một bãi mìn. Sau khi chụp ảnh xong, ông phải lùi xe rất cẩn thận để khỏi mất mạng. Trong nhiều năm trời, các bức ảnh chiến trường như thế là thế mạnh và khiến McCurry làm nên tên tuổi.
Nhiếp ảnh gia Steve McCurry |
"Một khi nhìn thấy bức ảnh, bạn không thể quên"
McCurry sinh năm 1950 tại Pennsylvania in 1950 và theo học nghệ thuật nhà hát ở Đại học bang Pennsylvania. 2 năm sau khi tốt nghiệp, ông tới Ấn Độ và theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh tự do ở đây.
Bước đột phá đầu tiên của McCurry diễn ra vào cuối những năm 1970, khi ông nhập cảnh trái phép vào Afghanistan. Ở đây, ông chụp được rất nhiều bức ảnh, trong đó người dân Afghanistan bị chính quyền của họ tấn công và nhận thấy tình yêu của mình với công việc của phóng viên ảnh.
Khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, báo chí phương Tây nhanh chóng hướng sự chú ý tới quốc gia này. Lúc ấy, McCurry đã quen thuộc với khung cảnh Afghanistan. Các bức ảnh của ông nhanh chóng xuất hiện trên tờ New York Times, TIME và Paris Match. Từ đây bắt đầu nhiều năm McCurry là phóng viên chiến trường, khoảng thời gian ông nhớ nhất. Ông đã đưa tin về chiến tranh Iran - Iraq, các cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan, Lebanon, Campuchia và Philippines.
"Khi làm việc trong một vùng chiến sự, bạn sẽ phải sống với cảm giác sẽ có người tìm cách giết mình. Người ta đã có thể giết tôi bằng súng, dao, mảnh bom. Bạn sống với nỗi sợ mình sẽ bị chém chết bằng một con dao" - ông kể - "Đã vài lần tôi bị kẻ khác giơ súng uy hiếp, bị cướp tiền và máy ảnh". Tuy nhiên ông không thể bỏ cuộc vì trách nhiệm đưa tin tới với độc giả.
Không chỉ có các bức ảnh chiến trường, McCurry còn chụp các ảnh thiên nhiên, đời thường. Đôi khi ông đi rất xa, tới tận Trung Phi, Tây Tạng để lưu giữ tâm hồn của con người ở những vùng đất này.
"Để có một bức ảnh đẹp, anh phải dành thời gian ở với người ta, cho tới khi họ tin tưởng và quên rằng anh tới đó để chụp ảnh họ. Tôi thường cố gắng giao tiếp bằng mắt khi chụp ảnh chân dung ai đó, để thấu hiểu con người họ, để thấy câu chuyện ghi trên gương mặt họ" - ông kể.
McCurry cho biết sự ra đời của máy ảnh số khiến công việc của ông dễ chịu hơn. "Tôi không phải người hoài cổ. Nhiếp ảnh kỹ thuật số rõ ràng tốt hơn nhiều so với việc dùng phim" - ông nói.
Tuy nhiên vẫn có những điều mang tính cốt lõi, không thể thay thế trong việc tạo ra một bức ảnh để đời. "Phải có yếu tố cảm xúc trong bức ảnh, khiến nó kết nối với bạn một cách lớn lao" - ông nói - "Một khi nhìn thấy bức ảnh ấy, bạn không thể quên".
Theo Thethaovanhoa.vn