Tác phẩm “Nhật ký chìm tàu” phát hành đầu tiên trong Xô viết Nghệ - Tĩnh

12/09/2013 22:27

Thời gian hoạt động cách mạng ở Hồng Kông, vào ngày 18/2/1930, nhà yêu nước và cách mạng Nguyễn Ái Quốc có viết một lá thư bằng tiếng Pháp gửi văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh ở Quốc tế Cộng sản. Cùng ngày, Người còn viết thư gửi các đồng chí Liên Xô nói rõ ý định sẽ viết một cuốn sách có tên “Những kỉ niệm về cuộc du lịch của tôi” nhằm giới thiệu về nước Nga cho những người Việt Nam chỉ đọc được tiếng Việt.

(Baonghean.vn) - Thời gian hoạt động cách mạng ở Hồng Kông, vào ngày 18/2/1930, nhà yêu nước và cách mạng Nguyễn Ái Quốc có viết một lá thư bằng tiếng Pháp gửi văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh ở Quốc tế Cộng sản. Cùng ngày, Người còn viết thư gửi các đồng chí Liên Xô nói rõ ý định sẽ viết một cuốn sách có tên “Những kỉ niệm về cuộc du lịch của tôi” nhằm giới thiệu về nước Nga cho những người Việt Nam chỉ đọc được tiếng Việt.

Sách bao gồm nhiều mẩu chuyện sinh động, hấp dẫn, dễ đọc, sắp xếp theo ba phần: Trước Cách mạng – Trong cuộc Cách mạng – Ngày nay. Để làm được việc này Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các đồng chí của mình cung cấp tài liệu và gửi đến địa chỉ: Ông Vícto Lebông, 123, Đại hội Cộng hòa, Pari, Pháp. Tác giả bức thư còn yêu cầu nhờ chuyển ngay tức khắc!


Cho đến nay, tác phẩm “Nhật kí chìm tàu” nguyên bản vẫn chưa tìm lại được. Tuy nhiên, trên đường tìm kiếm và tiếp cận văn bản, bạn đọc hôm nay vẫn có đủ cơ sở để nắm bắt một cách hệ thống, đầy đủ bối cảnh, nội dung, tư tưởng, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của tác phẩm. Xin chỉ nêu vắn tắt: cuốn sách kể về ba thủy thủ là Pôn (người Âu), Zô (người Phi) và Râu (người Việt Nam). Họ may mắn sống sót sau vụ tàu buôn Pháp bị đắm, được tàu Liên Xô cứu nạn rồi đưa trở về Liên Xô. Thời gian này, ba anh được đối xử tử tế, được đi thăm nhiều nơi, được Đảng Cộng sản Liên Xô tạo điều kiện cho học tập văn hóa, chính trị, hơn nữa còn tìm cách trả họ về Tổ quốc...Tập nhật kí có 24 chương, dày khoảng 100 trang giấy rơm, khổ 22x18 cm, viết chữ thường bằng bút sắt, in litô một mặt giấy. Mỗi chương đều mở đầu bằng hai câu thơ lục bát. Chẳng hạn, mở đầu chương V là hai câu:


Công nông Nga có ngày nay,

Cũng đà nếm mật, nằm gai mấy lần.


Phần kết mỗi chương cũng bằng hai câu lục bát nhằm gói gọn lại tinh thần, bài học phần nhật kí vừa kể.


Có thể khẳng định, cuốn “Nhật kí chìm tàu” nhờ có giá trị về nhiều mặt nên từ nhiều thập kỉ lại nay, tác phẩm đã được sự chú ý của giới nghiên cứu văn học, lịch sử, báo chí nước nhà, cụ thể như các ông Phạm Lâm, Tống Trần Ngọc, Ninh Viết Giao, Hoàng Xuân Nhị,...Họ có may mắn gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử trong phong trào Xô – Nghệ - Tĩnh những năm 1930- 1931. Các cụ là người trong cuộc, đã được đọc được nghe kể nhiều lần “Nhật kí chìm tàu”. Có cụ do thích thú đã thuộc làu vài ba chương sách. Có cụ còn góp phần in ấn, phát hành tác phẩm và lưu giữ lâu dài văn bản. Bởi vậy, việc thâm nhập, khai thác tư liệu của họ do các thế hệ nhà nghiên cứu, sưu tầm mày mò thực hiện đã đem lại khá nhiều kết quả quan.


Một trong số các cụ kể trên là cụ Nguyễn Đình Hiền, sinh năm 1910, quê xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tháng 10/1927, cụ là đảng viên Đảng Tân Việt, đến ngày 12/5/1930, cụ Hiền gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Do có học lực khá về Quốc văn và Hán Nôm, so với một số đồng chí và bạn bè cùng trang lứa thời Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cụ được Liên huyện ủy Diễn Quỳnh cử làm công tác in ấn trong Ban Tuyên huấn. Nhờ viết chữ đẹp, hết lòng trung kiên với cách mạng, cụ Hiền được Xứ ủy Trung kì trực tiếp phân công in tái bản cuốn “Nhật kí chìm tàu”.


Nhận một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, cụ Nguyễn Đình Hiền phải đi chọn địa điểm in sao cho tuyệt đối an toàn, rồi lại bí mật đi mua, vận chuyển vật tư về nơi in để xuất bản đủ 1000 cuốn sách lần đầu. Do nhiều đảng viên, quần chúng hồi đó chỉ biết chữ Nôm, không đọc được chữ Quốc ngữ, cụ phải in sách thành hai loại: một loại in chữ Quốc ngữ (300 cuốn), một loại vừa chữ Quốc ngữ vừa chữ Nôm (700 cuốn). Theo cụ bà Hồ Thị Nhung kể lại thì cuốn “Nhật kí chìm tàu” được các đồng chí trong Chi bộ Quỳnh Đôi chuyền tay nhau đọc là do cụ Nguyễn Đình Hiền và xưởng in bí mật của Liên huyện ủy in, phát hành bí mật. Bản chép tay của cụ Hiền có kết cấu chặt chẽ, hợp lí, mạch lạc, nội dung đầy đủ, sát với nguyên tác hơn cả, nên có giá trị cao, hiện lưu tại Phòng Lưu trữ của Trung ương Đảng (Hà Nội).


Phong trào đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ đang dâng cao. Cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc ra đời thật đúng lúc nên lập tức phổ biến rộng rãi. Dù bị địch khủng bố, đồn bốt mọc lên khắp nơi, hàng loạt cán bộ đảng viên bị bắt bớ, tù đày, chém giết, thì tuyệt đại đa số vẫn một lòng một dạ tin vào cách mạng. “Nhân dân Nghệ - Tĩnh có tiếng cứng đầu” (Nguyễn Ái Quốc viết trong bài “Nghệ - Tĩnh Đỏ”, năm 1931). Và những lúc khó khăn, gian khổ nhất, họ lại nhớ đến “Nhật kí chìm tàu”, đem kể cho nhau nghe, đồng thời nhắc nhau giữ gìn khí tiết, hi vọng ngày mai đất nước Việt Nam sẽ hòa bình, độc lập, sung sướng và văn minh như đất nước Liên Xô mà họ đã nghe Nguyễn Ái Quốc kể...

Sách tham khảo:

- Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng – Tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh xuất bản, 1997.

- Đường về Tổ quốc, giai đoạn 1930 – 1941,Đỗ Hoàng Linh biên soạn, NXB Hồng Bàng, 2012.

- Nguyễn Ái Quốc với Nhật kí chìm tàu, Phạm Quý Thích, NXB Thanh Niên, 2009.


Kim Hùng

Mới nhất
x
Tác phẩm “Nhật ký chìm tàu” phát hành đầu tiên trong Xô viết Nghệ - Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO