Tác phẩm "Nhật ký chìm tàu" truyền lửa cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

09/09/2011 11:05

(Baonghean) - Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), Nguyễn Ái Quốc có một dự định rất táo bạo là viết một tác phẩm văn học để giới thiệu nước Nga Xô viết với nhân dân Việt Nam. Trong lá thư Người viết ngày 28/2/1930 gửi một đồng chí người Nga ở Matscơva yêu cầu giúp đỡ tư liệu, có đoạn viết: "Người An Nam, nhất là những người lao động, muốn biết nước Nga nhưng các sách báo cách mạng đều bị pháp luật hà khắc của đế quốc Pháp nghiêm cấm... Nhiệm vụ của chúng tôi là phải nói với họ về tổ quốc đó của giai cấp vô sản như thế nào..."

Ban đầu, tác phẩm này có tiêu đề là: "Những kỷ niệm về cuộc du lịch của tôi". Nhưng trong quá trình viết bản thảo, Nguyễn Ái Quốc sửa lại là: "Nhật ký chìm tàu".

"Nhật ký chìm tàu" gồm 24 chương, nội dung tóm lược như sau: Pôn, Zô và Dâu là 3 thân phận nô lệ ở ba xứ thuộc địa khác nhau của đế quốc Pháp, làm thuê cho một hãng tàu biển Pháp. Trên một chuyến tàu hàng ăn cướp được tại xứ thuộc địa Đông Dương mang về Pháp, do bọn chủ hám lợi, chở quá tải, gặp sóng to, gió lớn, tàu bị chìm.

Ba anh em, may mắn mỗi người vớ được một mảnh ván tàu, trôi nổi trên biển. Một chiếc tàu ngang qua phát hiện ra ba anh em và cứu về tàu của họ. Các anh trông thấy trên đỉnh cột tàu lá cờ đỏ có hình búa liềm màu vàng. Trong phòng thuyền trưởng treo hai bức chân dung Mác và Lênin. Trước đây, khi còn ở Pháp, các anh chỉ dám gọi thầm tên các ông.

Khi tàu cập cảng Ôđétxa, một cảnh tượng tưng bừng diễn ra: tầng tầng, lớp lớp trai, gái, già, trẻ tay cờ, tay hoa mừng chiếc tàu trở về. Trong số biểu ngữ lớn căng ngang mặt đường có cả khẩu hiệu bằng tiếng Pháp: "Cách mạng tháng Mười Nga muôn năm", "Tuyệt đối tin tưởng và triệt để ủng hộ chính quyền Xô viết Công - Nông - Binh". Đây là nước Nga Xô viết, quê hương của Lênin, quê hương của cách mạng tháng Mười Nga. Ở đây không có vua chúa, Tổng thống và Toàn quyền.

Sau khi được nghỉ ngơi, hồi phục sức khoẻ, các anh được dẫn đi thăm quan một số nhà máy, công xưởng, nông trường, đơn vị quân đội Hồng quân, thư viện, nhà triển lãm, nhà trẻ, trường học phổ thông...


Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931. Tranh tư liệu

Đến những nơi này, các anh hiểu ra vai trò của giai cấp công nhân trong cách mạng và giai cấp liên minh bền vững là giai cấp nông dân. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa cách mạng tháng Mười Nga và các cuộc cách mạng đã diễn ra trước đó ở Châu Âu và thế giới. Điều quan trọng là các anh đã hiểu được vấn đề cơ bản của cách mạng là phải giành bằng được chính quyền về tay nhân dân.

Ba anh còn được tham quan nhiều thiết chế văn hoá, giáo dục như nhà triển lãm, thư viện, trường học... Các anh đã thấy rõ được đây là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ Xô viết nhằm nâng cao dân trí, xoá nạn mù chữ, ngu dốt- một di hoạ trầm trọng của chế độ Nga Hoàng và tư sản.

Một niềm vui thật bất ngờ: ba anh được mời tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản do Lênin và các đồng chí trung thành với tư tưởng Mác - Enghen sáng lập. Đến tham dự, các anh thấy Đại hội thảo luận vấn đề cách mạng dân tộc ở các nước thuộc địa. Ba anh, nhất là Dâu càng sáng tỏ chân lý học thuyết Lênin về vấn đề cách mạng dân tộc và thuộc địa đã mở ra chân trời mới tràn đầy hi vọng cho các nước phương Đông.

Sau Đại hội, ba anh đã vinh dự được vào học ở trường Đại học Phương Đông, nơi đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng anh em.

Từ những gì thấy được, học được ở nước Nga Xô viết, các anh trở về xứ sở của mình, có nhiệm vụ thức tỉnh đồng bào đứng lên theo đường lối của Lênin vĩ đại, đoàn kết cùng nhau vùng lên đánh đuổi kẻ thù chung dành lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm cho nhân dân mình.

Theo Phạm Quý Thích viết trong bài "Nguyễn Ái Quốc với Nhật ký chìm tàu", Nguyễn Ái Quốc giao bản thảo cho Lê Duy Điếm là người quen đường đi lại Thượng Hải - Quảng Châu - Hương Cảng - Đông Bắc Thái Lan (Xiêm) đưa cho cụ Đặng Thúc Hứa vào cuối năm 1930 đang hoạt động ở Đông Bắc Thái Lan. Theo hồi ký của Đông Tùng (Nguyễn Tư Hồng) thì cụ Đặng Thúc Hứa đã tổ chức in tác phẩm "Nhật ký chìm tàu" tại một căn hầm trong rừng. Cuối năm 1930, đầu năm 1931, in xong, cụ Đặng Thúc Hứa giao cho Nguyễn Thị Hoan (chị Tam) là một đảng viên, làm giao thông liên lạc của xứ uỷ Trung kỳ chuyển về cho Tỉnh uỷ Nghệ An và Hà Tĩnh.

Bà Tôn Thị Quế, là Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Nghệ An thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) kể rằng: Đầu năm 1931, Tỉnh uỷ tổ chức học tập "Luận cương chính trị" của Đảng do Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo. Cuốn "Nhật ký chìm tàu" được coi là tài liệu tham khảo chính. Một người đọc, mọi người cùng nghe, càng nghe càng say sưa.

Bà Hồ Thị Nhung, quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sau là Tỉnh uỷ viên, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá kể: Đầu năm 1931, các đảng viên ở chi bộ Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu đã truyền tay nhau đọc đến thuộc lòng cuốn "Nhật ký chìm tàu".

Ông Thanh Đạm, đảng viên năm 1930, quê Hà Tĩnh kể: đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã trao tận tay cho ông cuốn "Nhật ký chìm tàu". Ông đọc mải miết, thuộc lòng, rồi truyền cho nhiều người khác đọc.

Ông Nguyễn Đình Hiền, quê xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An, vào Đảng cộng sản Việt Nam ngày 12/5/1930, là người có học lực khá về Quốc văn và Hán nôm, được cử làm công tác in ấn của Liên Huyện uỷ Diễn - Quỳnh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, xứ uỷ Trung kỳ trực tiếp giao cho ông in ấn tái bản cuốn "Nhật ký chìm tàu". Đây là một việc làm nguy hiểm, có nhiều khó khăn. Ông tự đi mua và vận chuyển vật tư về một điểm tuyệt mật, in lần đầu 1.000 cuốn, trong đó có 300 cuốn bằng chữ Quốc ngữ, 700 cuốn bằng hai thứ chữ Quốc ngữ và chữ Hán nôm (trang này là chữ Quốc ngữ, trang kề cạnh là chữ Nôm).

Phong trào cách mạng càng lên cao, nhu cầu đọc "Nhật ký chìm tàu" càng lớn. Khi bị địch đàn áp gắt gao, ông Nguyễn Đình Hiền lấy một cuốn "Nhật ký chìm tàu" cất vào hũ sành, dấu kín vào hốc cây dừa đầu nhà. Mấy năm sau, việc khủng bố của địch tạm lắng, ông Hiền lấy cuốn "Nhật ký chìm tàu" từ hũ sành trong gốc cây dừa ra thấy mọt đã ăn mất một vài chỗ. Về sau, ông Hiền đã chép lại cuốn "Nhật ký chìm tàu", có bổ sung những chỗ bị mọt ăn hỏng theo trí nhớ. Cuốn "Nhật ký chìm tàu" chép tay này, hiện đang được bảo quản ở phòng Lưu trữ của Trung ương Đảng.

Như vậy, tác phẩm "Nhật ký chìm tàu" do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo cuối năm 1930, được in ấn đầu năm 1931, đã trực tiếp truyền lửa cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Từ đó đến nay (2011) vừa tròn 80 năm. Qua tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh noi gương nước Nga Xô viết xông lên chiến đấu, không ngại hi sinh, gian khổ để giành lại nền độc lập, xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Tất cả những việc làm kỳ vĩ đó của Nguyễn Ái Quốc đều có động lực mạnh mẽ từ tình cảm thiêng liêng "Quê hương nghĩa trọng tình cao"
________________

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, trang 27-29


Trần Minh Siêu

Mới nhất
x
Tác phẩm "Nhật ký chìm tàu" truyền lửa cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO