Tác quyền âm nhạc: Không ai nhường ai

29/02/2012 19:02

Những ngày qua, cuộc xung đột về tác quyền âm nhạc giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) lại được xới lên. Bên nào cũng nhân danh quyền lợi của nhạc sĩ để bảo vệ "cái lý" của mình.

Không phải đến bây giờ câu chuyện xung đột về tác quyền âm nhạc mới diễn ra, mà từ năm 2005 nhạc sĩ Phó Ðức Phương (giám đốc VCPMC) đã theo đuổi việc đòi Cục NTBD phải yêu cầu có giấy chứng nhận nộp phí tác quyền trước khi cấp phép biểu diễn.

Thực tế thời gian vừa qua chỉ có việc đá đi đá lại giữa hai bên, nhưng chịu ngồi lại và đi đến một thỏa thuận có lợi cho các nhạc sĩ thì xem ra vẫn là chuyện... với tay nghìn dặm.

Cục NTBD: Trung tâm không thể mượn tay Nhà nước thu tiền

Ðó là khẳng định của ông Trần Ðức Thọ (đại diện Cục NTBD) trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 28-2. Cho đến nay, Cục NTBD vẫn kiên trì quan điểm cho rằng phí tác quyền là quan hệ dân sự của đôi bên, nếu can thiệp vào việc này là hành động vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi của nhạc sĩ. Cục NTBD là cơ quan quản lý nhà nước và trung tâm không thể mượn tay Nhà nước để thu tiền.

Ở khía cạnh đơn vị quản lý văn hóa, Cục NTBD còn cho rằng không phải ca khúc nào cũng có thể thu tiền bản quyền. "Những người được Nhà nước nuôi ăn học, đào tạo, sáng tác âm nhạc trong thời gian đó để phục vụ quần chúng. Theo nguyên lý của người làm ruộng, người bỏ vốn phải thu về cái gì, tức là anh phải cống hiến bằng tác phẩm. Cho nên bây giờ không thể bắt Nhà nước phải phục vụ mình, trả cho mình những đồng tiền ấy" - ông Thọ nói.

Tuy nhiên, bản thân Cục NTBD cũng bày tỏ tình trạng "lơ mơ" về việc thu tác quyền âm nhạc khi cho rằng những tác phẩm đã biểu diễn hàng nghìn lần, hay tác giả đã mất, hay tác giả chưa ủy quyền... "chẳng lẽ cũng đi thu phí tác quyền"?

Trên thực tế, trong nội bộ Cục NTBD cũng có sự bất nhất. Từ tháng 10-2010, giữa Cục Bản quyền tác giả, Cục NTBD và VCPMC đã có một văn bản thỏa thuận về việc phải có văn bản đồng ý sử dụng tác phẩm của tác giả trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn. Người đứng ra thỏa thuận việc này là phó cục trưởng Cục NTBD Ðào Ðăng Hoàn. Tuy nhiên, khi đề cập đến thỏa thuận này, cả cục trưởng Vương Duy Biên, phó cục trưởng Phạm Ðình Thắng đều không biết. Còn ông Ðào Ðăng Hoàn thừa nhận có tham gia cuộc họp này, nhưng sau đó đã trả lời lại trong một cuộc họp chính thức là chưa có việc phải có văn bản cho phép của tác giả, vì theo Luật sở hữu trí tuệ thì Chính phủ chưa hướng dẫn về việc này (?!).

VCPMC: Cục NTBD dung túng cho vi phạm quyền tác giả

Trước đó, cuộc làm việc kéo dài ba giờ giữa đại diện Cục NTBD và VCPMC cũng không đi đến thỏa thuận nào khi hai bên liên tục "tố" nhau vi phạm pháp luật. Ông Trần Ðức Thọ (người được cục trưởng Cục NTBD ủy quyền giải quyết vụ việc) cho biết: "Chúng tôi tập trung vào ba vấn đề chính: làm rõ sai phạm của VCPMC trong việc tố cáo, khiếu kiện; làm rõ vai trò, tư cách pháp nhân của VCPMC và sự mù mờ trong việc thu chi tài chính. Trong những việc này, VCPMC hành xử hết sức mập mờ, tùy tiện, vi phạm pháp luật. Họ tự đặt giá và ép người ta nộp đúng chừng ấy tiền mới đồng ý nhưng lại quanh co khi được yêu cầu xuất trình hợp đồng ủy thác giữa trung tâm và nhạc sĩ".

Cuộc gặp gỡ để tháo gỡ những khúc mắc trong việc thu tác quyền nhưng lại biến thành cuộc vạch tội nhau khi phía VCPMC cũng không kém cạnh và nêu lại những vấn đề trong thư tố cáo gửi lên Cục NTBD ngày 16-2. Trong lá đơn được cho là có chữ ký "khống" của hơn 30 nhạc sĩ, VCPMC tố cáo: Việc đóng dấu đỏ cấp phép cho các chương trình biểu diễn chưa xin phép tác giả đã hợp thức hóa những hành vi xâm phạm luật pháp, thậm chí gợi ý và tạo điều kiện cho những hành vi xâm phạm luật pháp... Theo quy định liên đới, còn có thể nói rằng chính hành vi cấp phép đó cũng vi phạm luật pháp...".

Việc tố qua tố lại của hai bên cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Thậm chí, ngày 27-2 cục trưởng Cục NTBD Vương Duy Biên còn nói rằng sẽ làm việc với phía công an về những sai phạm và vu khống của VCPMC. Còn cho đến thời điểm này, việc hợp tác để thu tiền bản quyền vẫn bị đẩy vào ngõ cụt. Về tình trạng "bất hợp tác" giữa hai bên, ông Thọ lại nêu lý lẽ: "Nếu VCPMC là trung tâm hoạt động hoàn toàn hợp pháp thì Cục NTBD sẽ sẵn sàng hợp tác, hằng tuần, hằng tháng cung cấp danh sách xin cấp phép biểu diễn để họ đòi tiền tác quyền. Tuy nhiên, nhiều năm nay trung tâm này vẫn mù mờ nên chúng
tôi không thể làm gì".

Hai nhóm lợi ích?

Một lãnh đạo ngành văn hóa (xin giấu tên) chia sẻ: Việc đá qua đá lại của các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL đều xuất phát từ việc cả Cục NTBD và VCPMC đều quá cá nhân và không vì quyền lợi của nhạc sĩ. Việc thu phí tác quyền âm nhạc sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu cả hai bên ngồi lại với nhau. Hơn nữa, đây cũng là trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL khi không thể giải quyết nổi câu chuyện giữa thực thi chính sách văn hóa với tư cách là
người cầm trịch.

"Ðó là quan hệ dân sự, không đòi được thì kiện ra tòa" là cái lý của Cục NTBD. "Cục NTBD cấp phép rồi thì người ta phớt lờ chuyện tác quyền" lại cũng là cái lý của VCPMC. Cái lý nào cũng có ý đúng và không ai nhường ai, kéo dài ròng rã hàng chục năm trời.

Cuộc xung đột này cũng lôi kéo các nhạc sĩ về hai phe với hai nhóm lợi ích khác nhau. Những nhạc sĩ lão thành vốn không thể tự thỏa thuận việc thu phí tác quyền thì chấp nhận cái lý của VCPMC vì nhờ VCPMC lần đầu tiên họ biết đến cái gọi là "phí tác quyền". Còn những nhạc sĩ như Quốc Trung, Phú Quang - những người có khả năng quản lý chặt tác quyền âm nhạc của mình - nhìn nhận đây là cơ chế khai thác bản quyền âm nhạc cực kỳ bất cập. Và trên thực tế, đây là bài toán lợi ích khi thị trường âm nhạc ngày càng trở nên sôi động và mang lại những giá trị không chỉ là một vài triệu "cầm cho vui" như xưa nay nhiều người vẫn nghĩ!

Kẻ ủng hộ, người kêu than

Tại Hà Nội, theo VCPMC, hiện mỗi năm trên địa bàn này VCPMC chỉ thu được 10% số tiền tác quyền, 90% còn lại đều trong tình trạng bị “xài chùa”.

Tại TP.HCM, từ khi VCPMC ra đời việc thu tác quyền hầu hết đều phải thông qua VCPMC chi nhánh phía Nam (trừ một số tác giả được độc quyền hoặc chính tác giả, gia đình không muốn ủy thác cho trung tâm như: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lam Phương, Phú Quang...). Và cũng từ năm 2006, căn cứ theo nghị định 11, Sở VH-TT&DL TP.HCM đã yêu cầu mọi hoạt động sản xuất băng đĩa, tổ chức biểu diễn đều phải chứng minh được quyền sở hữu tác phẩm của các tác giả mới được cấp phép.

Ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cũng cho biết sở chỉ yêu cầu các đơn vị, cá nhân chứng minh được mình có quyền sử dụng các tác phẩm của các tác giả thông qua việc đã đóng tác quyền chứ không quan tâm đến số tiền chi trả vì đó là “bí mật làm ăn” giữa các bên.

Với những quy định rạch ròi như vậy, việc thu và trả tác quyền tại TP.HCM được coi là đã đi vào nề nếp. Thực tế, không có quá nhiều lời phàn nàn về việc các đơn vị phải trưng ra các hóa đơn đã đóng tác quyền mới được cấp phép tổ chức chương trình hay phát hành băng đĩa. Tuy nhiên, việc phải đóng tác quyền với mức phí 1-1,5 triệu đồng tác quyền (tùy mục đích sử dụng), chưa tính thuế VAT, cho một ca khúc theo quy định của VCPMC thường xuyên bị các đơn vị sản xuất băng đĩa kêu than, nhất là trong điều kiện làm băng đĩa bị lỗ.

Với các chương trình biểu diễn thì việc thu tác quyền dựa theo tính chất chương trình, số ghế được bán ra... của VCPMC cũng thường xuyên gặp những thắc mắc về sự chưa đồng nhất, nhưng các đơn vị cũng cố gắng thương lượng với VCPMC để có thể đóng tiền ở mức hợp lý nhất và để được... cấp phép tổ chức.

Nhiều nhà tổ chức, sản xuất các chương trình âm nhạc cũng cho rằng ngoài khung giá hơi cao thì việc VCPMC thu tác quyền của cả các tác phẩm dân ca, hát ru (không rõ tác giả) là không hợp lý dù VCPMC có giải thích số tiền ấy sẽ được dùng vào việc bảo tồn các tác phẩm được coi là “tài sản quốc gia” này. Với việc sản xuất băng đĩa thì chuyện VCPMC thu đến hai lần tiền tác quyền (3 triệu đồng, chưa tính thuế) cho cùng một sản phẩm video có tặng kèm karaoke cũng là điều nhiều nhà sản xuất than vãn.

Các phòng trà hoặc tụ điểm ca nhạc trong khi đó lại tỏ ra thoải mái và ủng hộ việc VCPMC cho khoán tác quyền với số tiền cố định phải đóng hằng tháng thông qua việc thương lượng của hai bên, bất kể các địa điểm đó tổ chức bao nhiêu sô/tháng, mỗi sô biểu diễn bao nhiêu bài, đông hay vắng khách...

Một chủ phòng trà cho biết từ năm nay VCPMC chi nhánh phía Nam cũng đã có văn bản cho biết có thẩm quyền thu luôn cho cả các tác giả thuộc diện “độc quyền”. Điều này khiến các chủ phòng trà, tụ điểm ca nhạc thấy tiện lợi khi tất cả quy về một mối và tác quyền cũng “mềm” hơn khi theo khung giá khoán của VCPMC, thay vì phải trả một khoản riêng khá cao cho các tác giả dạng “độc quyền”.

Q.N.


Theo Tuổi trẻ

Mới nhất
x
Tác quyền âm nhạc: Không ai nhường ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO