Tắc ruột vì ăn quá nhiều quả hồng, măng

07/12/2014 15:44

Gần đây, đã có một số người do ăn quả hồng giòn dẫn đến tắc ruột phải phẫu thuật. Theo các chuyên gia, không chỉ quả hồng mà một số loại trái cây có nhiều bã xơ, măng… cũng dễ gây tắc ruột nếu ăn nhiều.

Nhập viện vì ăn hồng giòn

Khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Huế) đã tiếp nhận 7 trường hợp bị tắc ruột do bã thức ăn mà nguyên nhân chính là do ăn quả hồng giòn. Các bệnh nhân vào viện đều chung triệu chứng đau bụng, buồn nôn, bí trung đại tiện. Qua siêu âm và nội soi, các bác sỹ phát hiện bị tắc ruột do bã thức ăn. Các bệnh nhân đã phải phẫu thuật.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, TS Nguyễn Thúy Vinh – Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa Bệnh viện E cho hay, đã từng cấp cứu vài trường hợp tắc ruột do ăn quả hồng. Bình thường bằng nội soi vẫn có thể cắt nhỏ khối bã thức ăn này, nhưng do bã thức ăn kết chặt thành một khối rắn nên phải phẫu thuật. Tắc ruột nếu không được xử lý kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nặng như hoại tử ruột, viêm phúc mạc, nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, theo TS Vinh không phải ai ăn hồng giòn cũng đều bị tắc ruột. Các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn thường gặp ở những bệnh nhân răng yếu, nhai không kỹ hoặc có bệnh lý ruột – đại tràng, tiền sử phẫu thuật ở khu vực bụng và dạ dày.

Không nên ăn quá nhiều hồng, đặc biệt là lúc đang đói.
Không nên ăn quá nhiều hồng, đặc biệt là lúc đang đói.

ThS. BS Doãn Thị Tường Vi - Phòng khám dinh dưỡng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) khẳng định, hồng giòn là trái cây rất tốt về mặt dinh dưỡng. Hồng cung cấp vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, chủ yếu là vitamin C, beta caroten, đường (100g hồng có 8,6g gluxit). Ngoài ra, trong thành phần của quả hồng còn có chứa chất tanin – chất chát và chất pectin. Khi ăn hồng xanh hoặc độ chín chưa tới, người ăn thường thấy có vị chát. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Ăn quá nhiều, nhất là lúc đói thì các chất tanin, pectin cộng với hàm lượng chất xơ trong quả hồng tương đối cao (100g hồng có 2,5g chất xơ) sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày; dễ khiến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn có cảm giác buồn nôn, nôn mửa… Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột.

“Nếu không cẩn thận những chất có trong quả hồng lại biến thành chất hại cơ thể. Vì vậy, chỉ nên ăn hồng vào lúc no. Khi ăn không nên dùng chung với những thực phẩm quá nhiều chất đạm khiến việc tiêu hóa chậm hơn, dễ tạo đông vón thực phẩm. Đối với người hay táo bón, hệ tiêu hóa không tốt; trẻ nhỏ ăn vội, nhai không kỹ hoặc người đã có tổn thương ruột, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng, đặc biệt là dạ dày thì không nên ăn loại trái này. Nếu có ăn cũng nên ăn ít hoặc chuyển sang ăn hồng chín sẽ tốt hơn. Đặc biệt, người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm nên khi ăn quả hồng sẽ càng làm cho nhu động ruột chậm hơn. Thực phẩm dễ tạo thành những cục đông vón thành bã thức ăn, khi không thải được ra ngoài dễ làm tắc ruột”, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi khuyến cáo.

Phòng tránh tắc ruột

Theo TS Nguyễn Thúy Vinh, ngoài yếu tố do thức ăn không được nghiền nát trước khi di chuyển vào dạ dày và đường tiêu hóa, tắc ruột do u bã thức ăn xảy ra còn phụ thuộc vào thói quen ăn, đặc điểm từng loại thực phẩm. Một số loại quả chát, các đồ ăn có nhiều chất bã xơ như hồng xiêm, măng, sung, mít, ngô... cũng dễ hình thành u bã thức ăn. Khi chúng xuống ruột rất dễ vo tròn thành cục, gây tắc ruột, trướng hơi. Bởi vậy, mọi người không nên ăn quá nhiều một lúc nhất là khi đói.

Các chuyên gia khuyến cáo, chất tanin trong quả hồng đều tập trung ở phần vỏ. Khi ngâm hồng để khử vị chát không thể khử sạch toàn bộ tanin trong đó. Bởi vậy khi ăn cần gọt bỏ vỏ.

Nếu tắc ruột do bã thức ăn không được chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể sẽ dẫn trẻ em đến những biến chứng khó lường như nôn mửa nhiều, đau bụng dữ dội nếu biến chứng tắc ruột hoặc thủng ruột. Nhẹ hơn trẻ có thể ăn kém hay bỏ ăn, mất nước, sụt cân, viêm ruột...

Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa và tránh tắc ruột, mọi người cần lưu ý khi ăn uống nên nấu chín, ninh nhừ thức ăn cho trẻ nhỏ và người cao tuổi. Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng, thức ăn không quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột... Khi có những dấu hiệu bệnh lý hệ tiêu hóa cần đi khám để chẩn đoán sớm, tránh những bệnh có thể gây hẹp ruột. Sau khi ăn nếu phát hiện thấy đau bụng, ói mửa, đại tiện ra máu hoặc không thể đi tiêu, cần đến ngay bệnh viện để có thể phát hiện bệnh kịp thời.

“Khi ăn quả hồng, chỉ nên ăn vào lúc no. Không nên dùng chung hồng với những thực phẩm quá nhiều chất đạm khiến việc tiêu hóa chậm hơn, dễ tạo đông vón thực phẩm.

Đối với người hay táo bón, hệ tiêu hóa không tốt, trẻ nhỏ ăn vội, nhai không kỹ hoặc người đã có tổn thương ruột, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng, đặc biệt là dạ dày thì không nên ăn loại trái này. Nếu có ăn cũng nên ăn ít hoặc chuyển sang ăn hồng chín sẽ ngon và tốt hơn.

Đặc biệt là những người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm nên khi ăn quả hồng sẽ càng làm cho nhu động ruột chậm hơn. Thực phẩm dễ tạo thành những cục đông vón thành bã thức ăn, khi không thải được ra ngoài dễ làm tắc ruột”.

Theo SK&ĐS

Mới nhất
x
Tắc ruột vì ăn quá nhiều quả hồng, măng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO