Tái cơ cấu lao động, thích ứng trong tình hình mới - Kỳ 1: Đảm bảo an sinh cho lao động hồi hương
(Baonghean.vn) - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có tình trạng thiếu hụt nhân lực lao động do di biến động dân cư khiến hàng triệu lao động xa quê hồi hương.
Kiểm tra y tế cho người lao động Nghệ An làm việc tại Bắc Giang khi đón về quê cách ly tháng 6 năm 2021. Ảnh: Tư liệu Báo Nghệ An |
CHỦ ĐỘNG BÁM SÁT TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG HỒI HƯƠNG
Nghệ An có lượng lao động sinh sống, làm ăn xa quê khá lớn. Đây là lợi thế nhưng cũng tạo ra áp lực với địa phương khi dịch bệnh xảy ra, buộc các lao động phải hồi hương và thị trường lao động ngoài nước bị đóng băng...
Đợt đón lao động đầu tiên, tỉnh tài trợ toàn bộ chi phí bao gồm từ thuê xe, xét nghiệm đến ăn ở tại khu cách ly. Tổng cộng cả đợt, có trên 2.200 lao động được đón về quê an toàn. Chính vì thế, tháng 6/2021, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương tham mưu cho tỉnh, chuẩn bị hàng chục chuyến xe đón lao động từ các tỉnh phía Bắc trở về.
Tỉnh tổ chức xe đón 60 lao động người Mông huyện Kỳ Sơn từ Bình Thuận trở về vào cuối tháng 8 năm 2021. Ảnh: Nguyễn Hải |
Sau khi đón lao động phía Bắc trở về tạm ổn, thì dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Theo thống kê sơ bộ, có khoảng trên 150.000 người lao động Nghệ An đang làm việc ở các vùng tâm dịch. Nếu các lao động phải về quê cùng một lúc là điều không ai muốn.
Tuy nhiên, số lượng thực tế, có khoảng hơn 256.000 người Nghệ An đang sinh sống, học tập, làm việc, lưu trú tại các tỉnh, thành phố. Từ tháng 4 đến tháng 10/2021 đã có gần 100.000 người trở về quê tránh dịch.
Kết nối với doanh nghiệp sử dụng để tìm việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Học sinh tốt nghiệp Cao đẳng KT-CN Việt Nam - Hàn Quốc tại hội chợ kết nối lao động năm 2021. Ảnh: CTV |
Thực tế trên đặt ra cho Nghệ An trước mắt một thách thức vô cùng lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động hồi hương. Trước tình huống chưa có tiền lệ như trên, một mặt ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tham mưu cho tỉnh bám sát quy định về phòng dịch của Chính phủ, Ban chỉ đạo chống dịch Trung ương để ban hành hướng dẫn về tiếp nhận lao động về quê cách ly theo yêu cầu phòng, chống dịch; đồng thời chỉ đạo các địa phương khảo sát, nắm tình hình con em lao động đi làm ăn xa.
Mặt khác, Sở LĐ,TB &XH tỉnh thay mặt UBND tỉnh phối hợp với các tỉnh bạn khớp nối về tình hình lao động Nghệ An tại các địa phương. Từ tháng 7, trên cơ sở giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, Sở LĐ,TB&XH liên hệ kết nối với các địa phương và thông qua Hội đồng hương và Hội Doanh nhân Nghệ An tại các tỉnh nắm tình hình, nguyện vọng các lao động có nhu cầu về quê để báo cáo với tỉnh các chính sách hỗ trợ và đón công dân.
Bình thường, số liệu về quản lý lao động xa quê chỉ tương đối và không chi tiết đến hoàn cảnh là hộ nghèo hay khó khăn. Tuy nhiên lần này, do liên quan đến chế độ chính sách hỗ trợ cho lao động xa khi hồi hương nên ngành buộc phải xây dựng lại cơ sở dữ liệu để tỉnh có các phương án, kịch bản và giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Theo khảo sát của Sở LĐ -TB&XH, Nghệ An có 256.000 người đang sinh sống, học tập và làm việc lưu trú ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó có trên 130.000 lao động trong các KCN hoặc hành nghề tự do tại các tỉnh phía Nam và gần 30.000 lao động tại các tỉnh phía Bắc...
KỊP THỜI THAM MƯU CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ
Trên cơ sở nắm bắt số lượng cụ thể về lao động tại các địa phương, Nghệ An đã xây dựng các kịch bản, phương án đón công dân hồi hương đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Cụ thể, cùng với mởcổng thông tin điện tử để công dân đăng ký trở về quê, ngành LĐ,TB&XH và một số sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh phương án đón lao động trở về. Thời điểm này, trên cơ sở đăng ký của hơn 90.000 người, ngành LĐ,TB&XH đã phải làm việc hết công suất để phân loại đối tượng ưu tiên.
Ngành Dệt may Nghệ An đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động nhưng điểm yếu là thu nhập chưa thực sự hấp dẫn nên nhiều lao động tự do hồi hương chưa thực sự sẵn sàng. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tuy nhiên, sau đó, do quy định của Chính phủ thay đổi nên phương án đón đồng loạt công dân trở về không được triển khai, thay vào đó chỉ hỗ trợ đón các lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị mắc kẹt. Thời điểm này, do tình hình quá căng thẳng nên UBND tỉnh đã trích ngân sách 2 tỷ đồng để cứu trợ 1.000 hộ lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang ở vùng dịch; đồng thời vận động các nguồn tài trợ kinh phí để đón miễn phí 1.700 lao động hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê bằng 8 chuyến bay.
Tính từ tháng 7 đến tháng 9, tỉnh đã tổ chức 21 chuyến bay, đón trên 2.980 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hàng chục chuyến xe chở lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đang làm việc tại các tỉnh phía Nam về quê an toàn.
Lao động Kỳ Sơn đến tham gia sự kiện kết nối việc làm tại Hội chợ việc làm do Sở Lao động - TB&XH tổ chức cuối tháng 10. Ảnh: Tiến Đông |
Cùng với tổ chức đón công dân tập trung, Sở Giao thông Vận tải và Sở LĐ,TB&XH còn phối hợp với các tỉnh nắm số lao động có nhu cầu trở về quê để UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đón công dân tại điểm cầu Bến Thủy. Tại đây, các lao động được đón, kiểm tra y tế và bố trí phương tiện để cách ly tập trung hoặc đón về quê cách ly theo quy định. Tính đến đầu quý IV năm 2021 đã có gần 100.000 người về quê, trong đó 75.858 người trong độ tuổi lao động (chiếm 75,95% số công dân trở về quê).
Ngành LĐ,TB&XH cũng đã kịp thời tham mưu các giải pháp triển khai Nghị quyết 68/CP ngày 01/7/2021 và các Nghị định khác của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; tổ chức thống kê phân loại lao động tự do bị ảnh hưởng trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ.
Từ giữa tháng 8/2021, trên cơ sở Quyết định số 22 của UBND tỉnh về hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng, lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do Covid-19, Sở đã làm thủ tục để trình tỉnh phê duyệt số tiền trên 115 tỷ đồng, hỗ trợ cho 76.719 lao động (tính đến 30/11/2021). Ngoài ra, Sở LĐ,TB&XH đã tham mưu cho tỉnh 2 văn bản đôn đốc thực hiện; đồng thời phối hợp với các sở, ngành đối thoại trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp nhận hồ sơ để giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 15.000 người.
(Nguồn Sở Lao động - TB&XH tỉnh Nghệ An)
Đại diện Sở Tài chính Nghệ An chia sẻ: So với năm 2020, làn sóng dịch thứ 4 năm 2021 tác động, ảnh hưởng rất lớn và đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nhiều hơn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn và tỉnh chưa cân đối được ngân sách nên tỉnh cũng chịu nhiều áp lực và phải cân nhắc và “liệu cơm gắp mắm” khi thẩm định danh sách chi trả hỗ trợ.