Tại sao châu Âu chưa sẵn sàng chi 5% GDP cho quốc phòng
Các nhà phân tích tin rằng hiện nay châu Âu khó có thể đạt được mục tiêu chi tiêu 5% do Tổng thống thứ 47 của Mỹ đặt ra.
Theo đài RT, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Tagesspiegel rằng Berlin không đủ khả năng chi 5% GDP cho quốc phòng .
“5% GDP của chúng tôi sẽ tương ứng với 42% ngân sách liên bang, hay 230 tỷ euro. Chúng tôi không đủ khả năng chi trả và chúng tôi không thể chi nhiều tiền như vậy” - TASS trích lời ông Pistorius nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh về nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% ở các nước NATO. Ông đã đưa ra đề xuất này vào ngày 7/1, trong một cuộc họp báo ở Mar-o-Lago. Ông cho rằng tỷ lệ chi tiêu của châu Âu trong tổng chi tiêu của NATO là không đáng kể, đồng thời nhắc lại rằng tiềm năng kinh tế kết hợp của các nước châu Âu tương đương với tiềm năng kinh tế của Mỹ.
“Tôi nghĩ NATO nên đưa ra con số 5%. Với 2% từ mỗi quốc gia thì sẽ không có tác dụng gì, nếu bạn có quân đội chính quy ở quốc gia mình, tôi nghĩ cần phải phân bổ 4%. Họ đều có khả năng chi trả, nhưng con số phải là 5%, không phải 2%” – ông Donald Trump nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, các nước liên minh không thể chấp nhận con số mà Tổng thống Trump nêu ra “một cách đơn phương mà không thảo luận”. Đồng thời, ông Pistorius cho rằng nhu cầu đầu tư nhiều tiền hơn vào quốc phòng là chính đáng. Bộ trưởng tin rằng trong tương lai Đức sẽ phải phân bổ hơn 2% cho các mục đích này, đây hiện là tiêu chuẩn đối với các nước NATO.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng đã kêu gọi tăng chi tiêu quân sự vào tháng 12 năm ngoái, mặc dù ông không cung cấp số liệu cụ thể.
"Đã đến lúc phải chuyển sang tư duy thời chiến", ông Rutte nói. “Chúng ta phải tăng mạnh khối lượng sản xuất quốc phòng và chi tiêu quốc phòng”.
Giới chuyên gia cho rằng, việc NATO chuyển sang mức chi tiêu 5% chỉ có thể thực hiện được trong tương lai xa.
Theo Alexey Podberezkin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự-Chính trị tại MGIMO của Nga cho rằng, “đây là mức chi tiêu quân sự rất cao trong thời bình. Họ đơn giản là không có khả năng để đạt tới mức 3-4%, chưa nói đến 5%. Nhưng về lâu dài, nếu NATO đặt ra nhiệm vụ như vậy, họ có thể thực hiện được”.
Theo Dmitry Levi, Phó Giáo sư Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học St Petersburg, tuyên bố của ông Trump về 5% có thể là một động thái chiến thuật mà Tổng thống Mỹ đang sử dụng để buộc EU tăng chi tiêu cho nhu cầu quân sự. .
“Ông Trump có nhiều kinh nghiệm trong việc xoay chuyển tình thế trong các cuộc đàm phán. Bây giờ ông ấy đang cố tình nâng cao tiêu chuẩn. Điều này sẽ cho phép nhà lãnh đạo Mỹ thương lượng bất kỳ điều khoản nào. Đây là lý do tại sao ông Trump đưa ra những tuyên bố về thuế quan với con số cao ngất ngưởng. Những con số này đáng sợ lắm. Trong các cuộc đàm phán trong tương lai, Mỹ có thể hạ thấp các yêu cầu của mình để đổi lại một điều khác”, nhà phân tích cho biết trong cuộc trò chuyện với RT.
Các chuyên gia không loại trừ khả năng yêu cầu tăng chi tiêu của Tổng thống Trump có thể liên quan đến ý định của Mỹ nhằm giảm sự hiện diện quân sự ở châu Âu và chuyển sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ hiện đang phân phối lại nguồn lực cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngay từ ngày nay, hơn 50% quân đội Mỹ tập trung vào khu vực này và họ chi ít hơn cho Bắc Đại Tây Dương. Họ muốn bù đắp sự chênh lệch phát sinh bằng cách gây thiệt hại cho các nước châu Âu.
Ngoài ra, việc tăng mạnh chi tiêu quân sự sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu vốn đang trải qua thời kỳ khó khăn.
“Châu Âu hiện đang trì trệ, tốc độ tăng trưởng bằng 0 hoặc thậm chí là âm. Việc tăng chi tiêu quân sự sẽ tạo ra thêm nhiều khó khăn. Nợ nước ngoài của các quốc gia này sẽ tăng mạnh; hiện tại, con số này đã khá lớn. Nợ nước ngoài của các nước như Anh, Pháp, Đức và Ý lớn hơn nợ nước ngoài của Nga khoảng ba đến bốn lần" – chuyên gia Alexey Podberezkin cho hay.