Tâm sự của vị hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam
Sinh năm 1979, ở tuổi 35, Tiến sỹ Đàm Quang Minh đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học FPT, trở thành hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam (tính đến năm 2014). Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với hiệu trưởng đại học trẻ tuổi này.
Tiến sỹ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học FPT. (Ảnh: Đại học FPT) |
“Thiết bị thông minh làm thay đổi cả tư duy”
- Đảm nhận cương vị mới đã được 4 tháng, anh cảm thấy thế nào?
Tiến sỹ Đàm Quang Minh: Cảm xúc lớn nhất là lúc nào cũng thấy mình cần phải làm tốt hơn, thấy thiếu thời gian, thiếu người giỏi, thiếu ý tưởng, và luôn phải tìm tòi những cái đó.
Thời gian vừa qua với tôi vô cùng bận rộn, khối lượng công việc khổng lồ. Thứ nhất là vì tôi chưa làm bao giờ, có nhiều cái phải học hỏi. Thứ hai là tôi lại mong muốn làm ngày càng tốt hơn, đó cũng là kỳ vọng của mọi người khi giao nhiệm vụ cho mình.
Mình đang làm việc mới mà lại được kỳ vọng làm tốt hơn thì phải cố gấp đôi, gấp ba, làm việc bằng 200 đến 300% công suất.
- Với nỗ lực lớn như vậy, một ngày của hiệu trưởng sẽ như thế nào, thưa anh?
Tiến sỹ Đàm Quang Minh: Cũng như mọi người, sáng ngủ dậy đi làm, tối đi ngủ (cười tươi). Một ngày của tôi thường bắt đầu từ 6 giờ sáng. Ngay khi ngủ dậy đến 8 giờ sáng, tôi luôn cố gắng suy nghĩ, viết, giải quyết các việc quan trọng nhất. Tỉnh giấc sau một đêm nghỉ ngơi là lúc mình minh mẫn, sáng suốt nhất, và vì thế, là thời điểm tốt nhất để làm những điều quan trọng.
Ban ngày thì liên miên các buổi họp, trao đổi, giải quyết công việc. Buổi tối, tôi tranh thủ đi gặp đồng nghiệp, bạn bè, những người có thể cho mình những ý tưởng.
- Có một thực tế ở nước ta là người dân đang mất lòng tin vào giáo dục đại học, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Là hiệu trưởng một trường đại học, anh suy nghĩ gì về điều này?
Tiến sỹ Đàm Quang Minh: Trước hết, phải khẳng định giáo dục đại học Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng chung của các biến động trên thế giới. Sự ra đời của những thiết bị công nghệ thông minh đang làm thay đổi cách giao tiếp, vận hành xã hội, công việc và cách tư duy về công việc, giáo dục đại học cũng phải thay đổi.
Trong bối cảnh đó, sẽ phải dẫn đến sự hỗn loạn nhất định, nhưng theo thời gian, giá trị về chất lượng sẽ được chọn lọc. Những dấu hiệu tích cực như đại học đã đại chúng hóa hơn và không còn là sự lựa chọn duy nhất, người học đã ý thức hơn trong bài toán đầu tư giáo dục và trong chọn trường, những trường không đảm bảo chất lượng đứng bên bờ phá sản. Bên cạnh đó, sự bung ra của số lượng trường cũng làm nên sự canh tranh dữ dội.
Với những tác động đó, các trường đại học hiện nay đã bắt đầu nâng cao chất lượng, cả ở trường công và tư. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng ngay năm sau sẽ tốt hơn, nhất là với giáo dục. Vòng đời của giáo dục đại học là 4 năm, và những thay đổi phải qua một vài vòng đời mới thấy được.
Tình trạng sinh viên thất nghiệp cũng tương tự. Thất nghiệp đang là vấn đề toàn cầu, khi sự phát triển của công nghệ làm cho nhu cầu nhân lực giảm, những việc trước đây cần 10 người thì giờ chỉ cần một người. Sự dư thừa tất yếu dẫn đến đào thải và có lựa chọn.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung này, nhất là khi chúng ta lại thừa nhân lực đơn giản, thiếu nhân lực cao cấp, có chuyên môn kỹ thuật. Chẳng hạn FPT Software thiếu lao động cao cấp, sẵn sàng treo thưởng 20 triệu cho người giới thiệu được người làm được việc nhưng vẫn không có. Điều này đương nhiên có lỗi của giáo dục đại học khi đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội.
“Đi học dưới sự thúc ép là thụ động”
- Là một hiệu trưởng, anh giải quyết bài toán đó thế nào?
Tiến sỹ Đàm Quang Minh: Tại Trường Đại học FPT, chúng tôi luôn gắn đào tạo với thực hành, đào tạo với thực tế, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Chương trình được cập nhật liên tục. Các giáo viên, trưởng bộ môn luôn đề ra nội dung mới để đào tạo, đề xuất các áp dụng mới để kịp với thực tiễn với cuộc sống.
Hiệu trưởng Đàm Quang Minh trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. (Ảnh: Đại học FPT) |
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải xây dựng môi trường để tạo ra được động lực học tập cho người học, học phải qua trải nghiệm thực tiễn, trải nghiệm xã hội.
Ở Việt Nam, mọi người ít để ý đến điều này và thường nghĩ chỉ cần có thầy giỏi, trả lương cao, sẽ đào tạo tốt. Nhưng không chỉ có như vậy.
Cái lớn nhất với quá trình đào tạo là có một môi trường tốt khiến người học tự có quá trình vận động. Đi học dưới sự thúc ép của bố mẹ, thầy cô là thụ động. Học sinh phải hiểu học là lý thú, có cơ hội tốt hơn cho tương lai, nếu thời gian của bạn đầu tư vào đâu thì kết quả thể hiện ở đó, đầu tư vào thể thao có cơ thể cường tráng, đầu tư vào học tập có tri thức, kỹ năng tốt hơn.
Đề tạo động lực cho người học thì phải có phương pháp đào tạo. Ở FPT phương pháp đó là đào tạo theo dự án, học thuyết kiến tạo, học tập định hướng đầu ra chứ không quan tâm đầu vào và nhiều yếu tố khác nữa. Khi có phương pháp tốt, nếu có người hướng dẫn tốt nữa thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Giống như bộ phim hay thì vai trò đầu tiên phải là người viết kịch bản, đạo diễn,và cả ê kíp, trong trường học là giám đốc đào tạo và các cán bộ phát triển nghiên cứu chương trình, đó là nơi quyết định bài học sẽ diễn ra như thế nào, theo kịch bản nào, kiểm tra đánh giá như thế nào, khuyến khích, động viên thế nào, luật chơi thế nào.
Tiếc là mọi người thường nghĩ có diễn viên tốt thì có phim hay, cũng như vậy với giáo dục là có giảng viên tốt thì chất lượng dạy sẽ tốt. Chỉ nói đơn giản các trường không có sách giáo khoa, sách lôm côm. Công cụ kém thì sao dạy tốt được? Mỗi thầy mang một phương pháp vào, khập khiễng, không tạo chỉnh thế thống nhất về chương trình thì làm sao mà tốt được?
- Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực xây dựng tiêu chí để phân tầng các trường đại học. Theo anh, điều này liệu có tạo nên cú hích cho sự chuyển biến của các trường?
Tiến sỹ Đàm Quang Minh: Có thể những người làm chính sách có mục tiêu riêng của mình. Nhưng cá nhân tôi cho rằng điều đó khó mang lại những chuyển biến có tính đột phá.
Có điều cần làm trước là phải minh bạch hóa thông tin về sức khỏe của một trường đại học như tỷ lệ sinh viên có việc làm, các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu… giúp người học có cơ sở để lựa chọn. Đừng chờ đợi các trường báo cáo, có thể làm khảo sát xã hội độc lập. Làm được điều đó theo tôi đã là rất tích cực rồi.
“Phần thưởng không dành cho kẻ lười”
- Là một người trẻ khá thành công, anh có chia sẻ gì với những bạn trẻ?
Tiến sỹ Đàm Quang Minh: Thứ nhất, phần thưởng không bao giờ dành cho kẻ lười biếng. Các bạn làm gì cũng phải hết sức với nó, nếu làm chỉ để cầm chừng, làm thế là đủ rồi thì khó có thể thành công.
Thứ hai là chúng ta phải tập trung vào thế mạnh, sở thích, lĩnh vực phù hợp nhất, nó sẽ là động cơ, cảm xúc thuận lợi hơn khi làm việc, khi làm sẽ thấy vui, vì thế không thấy mệt.
Tôi tin số lượng thất bại với ai cũng nhiều hơn thành công. Quan trọng là cách người ta đối mặt với nó. Mình phải cân bằng được và có tư duy tích cực.
Bản thân tôi cũng có những khi chẳng biết phải làm gì, làm thế nào. Khi đó phải để mình chùng lại như đi ngủ một giấc, đi câu, có khi từ sáng đến tối tôi ngồi như ngồi thiền, căng quá thì nghỉ một vài ngày. Không nên quyết định những điều khó khăn trong lúc đầu óc căng thẳng.
Khi đối mặt với công việc mà có tư duy tích cực thì đã hoàn thành công việc được một phần rồi. Hàng ngày phải nghĩ về những điều mới, nay có gì hay, đáng làm, coi những khó khăn như thách thức phải vượt qua, khi chiến thắng sẽ mang lại cho mình niềm vui.
Ngoài ra, bạn nên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với những người tích cực, tìm ra những điều mới trong cuộc sống, chia sẻ điều đó với mọi người.
- Cảm ơn anh!
Theo Vietnam+