Tan ca ăn cơm nhà
(Baonghean.vn) - Nhà máy, công ty ở gần nhà. Sau mỗi ca trực rất nhiều công nhân về nhà quây quần cùng gia đình. “Tan ca ăn cơm nhà” - đó là chia sẻ của hàng trăm công nhân người Nghệ An đang lao động tại các đơn vị thuộc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam.
CHUYỂN VỀ LÀM VIỆC GẦN NHÀ
Anh Nguyễn Hữu Lục, sinh năm 1980, hiện ở xóm 1, xã Bài Sơn (Đô Lương), cách Nhà máy Xi măng Đô Lương 1 km. Anh từng có 10 năm làm công nhân lái máy xúc ở một công ty tại các tỉnh phía Nam. Những ngày đó, anh cùng đơn vị di chuyển khắp các tỉnh Tây Nguyên để làm công trình, lương tháng trên dưới 9 triệu đồng nhưng tích lũy không được bao nhiêu, lại vừa xa nhà…
Đến năm 2016, khi Nhà máy Xi măng Đô Lương (thuộc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam) thông báo tuyển dụng nhiều vị trí lao động. Nắm bắt thông tin này, anh nộp hồ sơ dự tuyển. Với kinh nghiệm công tác cùng với chính sách ưu tiên người địa phương vào làm việc tại nhà máy, anh Lục đã trúng tuyển và chuyển về làm tại Nhà máy Xi măng Đô Lương từ đó đến nay.
Anh Nguyễn Hữu Lục - xã Bài Sơn (Đô Lương) thực sự vui mừng khi được chuyển về làm tại Nhà máy Xi măng Đô Lương, cách nhà 1km. Tan ca, anh về nhà sum vầy cùng vợ con. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Gặp anh sau buổi tan ca trong ngôi nhà kiên cố ở xóm 1, xã Bài Sơn, anh Lục chia sẻ: “Từ khi về làm tại Nhà máy Xi măng Đô Lương, tôi được gần vợ con, người thân. Tan ca, mình về ăn cơm nhà, giúp vợ lo chuyện gia đình. Với lương tháng trên 10 triệu đồng, tôi cùng vợ đã tích lũy sửa sang nhà cửa, lo cho 3 đứa con ăn học. Trước đây cũng thu nhập gần như vậy nhưng xa nhà, tiêu pha không kế hoạch và thi thoảng về quê nữa nên không tích lũy được bao nhiêu…”.
Hiện có hơn 700 lao động người Nghệ An (trong tổng số hơn 1.400 lao động) đang làm việc tại các đơn vị thuộc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Trong đó, có hàng trăm người từng lăm ăn ở xa được đơn vị tuyển dụng. Mỗi người một hoàn cảnh và vị trí công việc khác nhau, nhưng khi được về làm việc gần nhà, ai cũng thực sự phấn khởi, chăm lo làm việc, gần gũi gia đình, người thân.
Kíp trực tại Nhà máy Xi măng Đô Lương trao đổi công việc trước khi vào ca làm việc. Ảnh: Nguyên Nguyên |
CƠ HỘI CHO NHIỀU LAO ĐỘNG KHÔNG “LY HƯƠNG”
Những năm qua, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam hoạt động ổn định, năng suất cao, chất lượng sản phẩm được khách hàng trong nước đánh giá cao và xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có cả thị trường khó tính như Mỹ. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục tuyển lao động ở nhiều vị trí để phục vụ cho tăng tốc giai đoạn 2. Quá trình đó, chính sách của công ty là ưu tiên những lao động là người Nghệ An, nhất là địa phương gần các nhà máy, xí nghiệp.
Trong hàng trăm lao động người Nghệ An đang lao động tại Công ty cổ phần Xi măng Đô Lương, có anh Đào Danh Luyện, sinh năm 1993, ở xã Bài Sơn. Từ năm 2016, ngay sau khi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Điện, anh được tuyển vào làm tại Nhà máy Xi măng Đô Lương. Nhà chỉ cách nhà máy chưa đầy 1 km, sau mỗi ca trực, anh về nhà cùng bố mẹ. Cuộc sống theo đánh giá của anh là ổn định, thuận lợi.
Các thành viên gia đình anh Đào Danh Luyện ở xã Bài Sơn (Đô Lương) phấn khởi khi anh được làm gần nhà. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Vui nhất là bố mẹ của anh Luyện, vì ông bà có 2 người con, chị đầu lấy chồng xa, cậu con trai được làm gần nhà “sướng gì bằng”. Bố của anh Luyện, ông Đào Danh Hà - Bí thư Đảng ủy xã Bài Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn khởi chia sẻ: “Nhiều hộ trong xã, huyện cũng như gia đình tôi có con được làm tại Nhà máy Xi măng Đô Lương là điều thực sự phấn khởi. Thực tế cho thấy, nhiều lao động con em chúng ta đi làm ăn xa, nhưng thu nhập chưa cao, cuộc sống thiếu ổn định…”.
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã và đang diễn ra, làm cho hàng chục nghìn lao động là con em Nghệ An làm ăn ở các tỉnh phía Nam phải tìm nhiều cách trở về quê. Trong hoàn cảnh đó, càng cho thấy sự quý giá, hạnh phúc của những lao động được làm việc gần nhà.
Hoạt động tại một dây chuyền sản xuất của Công ty CP Xi măng Sông Lam. Ảnh: Nguyên Nguyên |
“Tan ca, ăn cơm nhà” là niềm vui của tất cả lao động Nghệ An đang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thông tin, có 27.000 vị trí việc làm ở các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Nghệ An được kết nối, chờ người lao động. Điều đó, đem đến nhiều cơ hội cho con em Nghệ An không phải “ly hương”…
ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT, HÀI HÒA LỢI ÍCH
Hiện Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam có trên 1.400 lao động; trong đó, người Nghệ An hơn 700 lao động, nhiều nhất là xã Bài Sơn và các địa phương huyện Đô Lương với 223 người. Sự gắn kết của người lao động địa phương với công ty thể hiện sự ổn định phát triển của đơn vị cũng như thực hiện tốt những cam kết ban đầu là ưu tiên người lao động địa phương, đáp ứng được yêu cầu khi tuyển dụng.
Toàn cảnh Nhà máy Xi măng Sông Lam ở Đô Lương. Ảnh tư liệu |
Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam phải duy trì sản xuất 24/24 giờ ở nhiều bộ phận, lãnh đạo công ty đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Bên cạnh quán triệt ý thức đến người lao động, công ty triển khai đội ngũ cán bộ y tế, phối hợp với bảo vệ tiến hành khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn cho bất kỳ ai ra vào đơn vị.
Công ty còn phối hợp với ngành Y tế, chính quyền huyện Nghi Lộc thực hiện tốt công tác phòng dịch cho đội ngũ chuyên gia người nước ngoài đến làm việc tại công ty. Chính vì vậy, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, chưa có trường hợp nào là lao động của đơn vị bị nhiễm bệnh.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty CP Xi măng Sông Lam có những giải pháp kiểm soát, phòng dịch tốt. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Đặc biệt, để đảm bảo ổn định sản xuất, đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng sản phẩm Clinker, xi măng cho các đối tác, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam luôn quán triệt các bộ phận duy trì tốt kỷ luật lao động, đồng thời quan tâm kịp thời đến quyền lợi người lao động.
Qua trao đổi, ông Hoàng Minh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam cho biết: Sản xuất ổn định, các mặt hàng được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, Công ty luôn đảm bảo đầy đủ chế độ cho người lao động. Đơn vị còn chi hàng chục tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, tặng quà đến gia đình chính sách, hộ nghèo.
Lãnh đạo Công ty CP Xi măng Sông Lam kiểm tra sản xuất tại Trung tâm điều hành ở Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết. Ảnh: Quốc Đàn |
Công ty cũng hỗ trợ các lực lượng phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong đầu tháng 8/2021, lãnh đạo công ty thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trao số tiền 3 tỷ đồng ủng hộ tỉnh phòng, chống dịch Covid-19… (Baonghean.vn) - Dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam Nghệ An tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vừa chính thức khởi công. Chủ đầu tư kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả vùng biển nước sâu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ.Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đầu tư xây dựng cảng tổng hợp quốc tế