Tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất
Do đặc thù địa hình nên Tân Kỳ dễ xẩy ra khô hạn. Vào mùa hè, đất đai ở các xã Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Giai Xuân… bạc trắng, nứt nẻ. Chính quyền và người dân địa phương đã khắc phục bằng cách tận dụng nguồn nước ngầm, nước mặt để phục vụ sản xuất và đời sống.
(Baonghean) - Do đặc thù địa hình nên Tân Kỳ dễ xẩy ra khô hạn. Vào mùa hè, đất đai ở các xã Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Giai Xuân… bạc trắng, nứt nẻ. Chính quyền và người dân địa phương đã khắc phục bằng cách tận dụng nguồn nước ngầm, nước mặt để phục vụ sản xuất và đời sống.
Tân Kỳ có lượng mưa hàng năm bình quân lên tới 2000 - 2200mm, nên lượng nước trên bề mặt ở Tân Kỳ khá dồi dào. Tuy nhiên, Tân Kỳ lại thường xuyên hạn hán do địa hình dốc, khe suối hẹp, nhiều vùng không chủ động tưới. Sông Con chảy qua địa bàn huyện có chiều dài 65km góp phần không nhỏ trong cung cấp điều hòa lượng nước. Nhiều khe suối trên địa bàn huyện cũng góp một phần quan trọng trong duy trì nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Trong số hàng chục khe suối lớn nhỏ, có 6 con suối nước chảy quanh năm là: khe Lòa, khe Lá, khe Sanh, khe Thiềm, khe Thần và khe Cừa.
Khó khăn ở Tân Kỳ về nguồn tài nguyên nước là về mùa mưa lũ, nước dâng cao, chảy xiết, gây trở ngại trong đi lại, thậm chí còn gây ngập úng, sạt lở nguy hiểm. Về mùa hanh khô và mùa nắng nóng, lượng nước nhỏ, nhiều cồn, đụn cát chạy dài ngay giữa lòng sông, cản trở việc thông thương đi lại. Sông Con là nguồn nước có giá trị rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay Tân Kỳ đã lắp đặt hàng chục trạm bơm để tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất.
Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí để tiết kiệm nước
ở Nghĩa Hành - Tân Kỳ.
Để có thể phát triển sản xuất, ổn định đời sống, phục vụ nông nghiệp, nhiều năm qua, chính quyền huyện và các xã đã phát huy tính chủ động, khai thác nguồn nội lực, tranh thủ mọi sự đầu tư giúp đỡ của tỉnh và Trung ương, xây dựng, cải tạo hệ thống hồ đập ở nhiều xã với tổng trữ lượng nước là 47,22 triệu m3. Nhiều đập được cải tạo, nâng cấp như đập khe Thần (Nghĩa Bình), đập Khe Dâu (Nghĩa Hành), đập Khe Là (Phú Sơn), đập Ba Đồng (Tân Hương)… để ổn định lượng nước tưới và sinh hoạt cho người dân. Những năm gần đây, với nhiều nguồn vốn và sức dân, Tân Kỳ đã đầu tư xây dựng được 281km kênh mương, trong đó bê tông hóa được 240 km. Nếu như năm 2000, năng lực tưới ở Tân Kỳ chỉ đạt 3.820 ha thì năm 2013 đã đạt được 4.557ha, hầu hết diện tích lúa ở Tân Kỳ đã được đáp ứng về thủy lợi. Mới đây về Nghĩa Hành, chúng tôi chứng kiến lúa xuân phát triển tốt, đó là nhờ hệ thống kênh mương được bê tông hóa.
Ở Nghĩa Hành, sau khi làm xong đường nguyên liệu, xã đã tranh thủ hỗ trợ của cấp trên, tiến hành xây dựng được hệ thống kênh mương bê tông dài 5,7 km chạy dọc tuyến đường. Nông dân Nghĩa Hành đã hiến 1 ha đất ruộng để thi công kênh mương. Nghĩa Phúc, Giai Xuân, Đồng Văn… là những xã thường xuyên hạn hán, mới đây cũng đã được nâng cấp đập và kênh mương, nhờ vậy đã giảm bớt thiệt hại trong nông nghiệp. Nông dân Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn còn chuyển đổi một phần đất lúa sang nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay công tác nghiên cứu, thăm dò nguồn nước khoáng có sẵn trong thiên nhiên trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang được tiến hành. Theo kết quả sơ bộ của các nhà địa chất, ở độ sâu khoảng 250 - 300m vùng giáp với Quỳ Hợp và khu vực dọc theo lèn Rỏi có nguồn nước tốt.
Tân Kỳ “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt”, thiên tai khắc nghiệt nhưng nhờ chịu khó tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, dành nguồn lực đầu tư cho thủy lợi, diện tích tưới ngày một mở rộng, đồng thời khai thác hiệu quả tài nguyên nước quí giá trên địa bàn.
Bài, ảnh: Lan Châu