Tân Hương mùa mật mía
Vào dịp cuối năm này, chúng tôi đến xóm 7, xã Tân Hương (huyện Tân Kỳ), hình ảnh dễ nhận thấy là trên các con đường trong làng, đâu cũng có bã mía, vì lâu ngày không có nắng nên tạo ra mùi chua khay kháy. Trong một số vườn nhà, mía được chất thành đống, chuẩn bị đưa vào máy ép.
(Baonghean) Vào dịp cuối năm này, chúng tôi đến xóm 7, xã Tân Hương (huyện Tân Kỳ), hình ảnh dễ nhận thấy là trên các con đường trong làng, đâu cũng có bã mía, vì lâu ngày không có nắng nên tạo ra mùi chua khay kháy. Trong một số vườn nhà, mía được chất thành đống, chuẩn bị đưa vào máy ép.
Vào gia đình bà Trần Thị Tình, xóm 7, được chủ nhà mời uống cốc chè mía thơm nóng vừa múc từ chảo đang sôi sùng sục trên lò lên. Quan sát, thấy che mía của gia đình có một máy ép, đang có 3 thanh niên phục vụ, chạy gần như hết công suất. Phía dưới là lò nấu mật gồm 6 cái chảo to, bốc khói nghi ngút. Để phục vụ lò nấu phải có 2 người luôn tay với công việc vớt bọt, lóng mật…
Người dân Tân Hương kéo che bằng máy.
Bà Tình phấn khởi: Gia đình có hơn 1 ha mía, toàn bộ mía trồng được là kéo che nấu mật. Ngoài ra, còn mua thêm mía của bà con trong vùng. Mùa nấu mật kéo dài 5 tháng liền, từ tháng 10 năm nay đến hết tháng 3 năm sau. Năm nào, gia đình bà cũng nấu được 30 thùng phuy mật, (mỗi phuy 200 lít). Ngoài ra, bà còn làm dịch vụ được hơn 100 phuy mật nữa. Mỗi mùa kéo che, gia đình bà Tình bán cho khách hàng khoảng 30 nghìn lít mật. Về mùa kéo che, thường sử dụng 4 lao động thường xuyên. Do thiếu nhân lực, nên năm nay bà phải thuê 1 lao động. Công việc hàng ngày là chặt mía, vận chuyển mía về nhà. Để có nước mía đầy 6 cái chảo, nấu trong một buổi thì máy ép chỉ cần hoạt động 2 tiếng đồng hồ là đủ. Thời gian nấu thành mật phải mất 4 tiếng. Bà Tình khoe, qua mỗi mùa kéo che, gia đình thu lãi hàng chục triệu đồng...
Ông Ngô Xuân Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương, hồ hởi: Xã có 16 xóm, trong đó có 4 xóm chuyên làm nghề kéo che, với tổng số hiện có 47 cái che. Trong đó, nhiều nhất là xóm 7, có 16 cái. Tân Hương cũng là địa phương trồng được khá nhiều mía, với 300 ha, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 16 nghìn tấn mía. Số lượng mía đó, có khoảng ½ đăng ký nhập cho Công ty Mía đường Sông Con, số còn lại bà con dùng để kéo che lấy mật. Ông Châu đặt phép tính so sánh thu nhập giữa bán mía cho Công ty Mía đường Sông Con và kéo che, thì kéo che cho thu nhập cao hơn khá nhiều. 1 tấn mía bán cho Công ty, nếu đạt chất lượng, có giá 900 nghìn đồng. Nhưng nếu kéo che, sẽ được 1,2 tạ mật, giá bán tại chỗ 12.000 đồng/kg sẽ được 1,4 triệu đồng, trừ chi phí nấu mật vẫn còn lãi gần 300 nghìn đồng/tấn.
Kéo che nấu mật, ngoài tăng thu nhập cho người trồng mía, còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động (mỗi cái che sử dụng ít nhất 4 lao động). Trước đây, kéo che bằng sức trâu, nay thay bằng máy nổ, đỡ vất vả và nhanh hơn nhiều. Để nấu thành mật, phải qua nhiều khâu, từ chặt mía, ép mía đến lúc thành mật phải qua rất nhiều công việc lặt vặt. Trong quá trình nấu, phải vớt bọt và khi nước mía nấu thành chè phải lắng lọc kỹ thì mật mới sạch, đẹp. Để mật sáng đẹp, có bí quyết cho một ít nước vôi vào chảo, mật sẽ đẹp hơn, mà không ảnh hưởng gì đến chất lượng mật. Bã mía sau khi ép xong, phơi khô dùng để làm chất đốt tại lò nấu mật và sau mỗi lò còn có nhiều tro bếp, dùng để bón ruộng.
Sản phẩm mật mía của Tân Hương đã có thương hiệu nhiều năm nay, khách hàngnhiều nơi đánh xe ô tô về thu mua...
Xuân Hoàng