Tân Kỳ: Cần đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tranh tre cho hộ nghèo
(Baonghean) Chúng tôi đến thăm nhà chị Vũ Thị Sáu ở xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ trong một ngày tháng 4 nắng gắt. Ngôi nhà nhỏ lụp xụp trống tênh chưa đầy 30m2, nằm sâu trong ngõ hẻm. Nhìn ngôi nhà một bên đã bị tốc mái, gần sụp xuống, gỗ đã bị mối mọt, chỉ một cơn gió mạnh là có thể làm sụp xuống”.
(Baonghean) Chúng tôi đến thăm nhà chị Vũ Thị Sáu ở xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ trong một ngày tháng 4 nắng gắt. Ngôi nhà nhỏ lụp xụp trống tênh chưa đầy 30m2, nằm sâu trong ngõ hẻm. Nhìn ngôi nhà một bên đã bị tốc mái, gần sụp xuống, gỗ đã bị mối mọt, chỉ một cơn gió mạnh là có thể làm sụp xuống”.
Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 3 đứa con, đứa đầu phải nghỉ học đi chăn trâu thuê cho người ta, còn hai đứa nhỏ đang học cấp 1. Hàng ngày, chị phải chạy ăn từng bữa, lấy đâu ra tiền làm nhà. Là hộ sống ở vùng khó khăn nên chị được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng xây nhà và 8 triệu đồng tiền vay của Ngân hàng Chính sách. Nhưng chỉ với từng đó tiền, thì không đủ để dựng một căn nhà nhỏ. Năm trước, Công ty Thái Gia ở trong xã hứa sẽ giúp đỡ gia đình chị 10 triệu đồng, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì!
4 mẹ con chị Võ Thí Sáu, xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn phải sống trong ngôi nhà sắp sụp đổ
Nghĩa Hoàn là xã có kinh tế phát triển khá của huyện Tân Kỳ nhờ làm nghề gạch ngói. Riêng trong xóm Thắm có gần 10 hộ sản xuất gạch ngói. Nếu sự quan tâm sát sao của chính quyền các cấp để vận động nhân dân trong xóm hỗ trợ về ngày công, vật liệu cùng với số tiền của Nhà nước cho vay và hỗ trợ, thì việc gia đình chị Sáu có ngôi nhà mới kiên cố hơn để ở là điều không khó.
Cùng hoàn cảnh chồng mất như chị Sáu, chị Trần Thị Thái ở xóm Bích Thái 1, xã Nghĩa Thái đã nhận tiền hỗ trợ, tiền vay của Nhà nước để làm nhà. Mới làm xong móng nhà thì hết tiền, chị đành dừng lại. Móng nhà được xây dựng kiên cố với 50 triệu đồng, nay để cỏ mọc, còn 4 mẹ con ở trong căn nhà nhỏ lụp xụp ngay bên cạnh. Chị bảo: “Tính toán không có khoa học, đến khi làm xong móng nhà đã hết tiền, không làm tiếp được nữa. Đợi đến lúc nào tích góp được tiền chị xây nhà tiếp”.
Trường hợp của chị Thái cho thấy, là hộ neo đơn, nếu khi làm nhà chị tham khảo ý kiến của người khác hay có sự vào cuộc ngay từ đầu của chính quyền, tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh từng gia đình, cơ sở và các tổ chức, các đoàn thể để có sự định hướng cho các hộ trước khi làm nhà, thì với số tiền 50 triệu đồng, sự hỗ trợ về ngày công của nhân dân trong xóm, mẹ con chị đã có ngôi nhà để ở.
Tân Kỳ có 1.500 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ. Trong đó đã hoàn thành 988 căn, số nhà đang triển khai 512 căn. Số hộ nghèo thuộc diện 167 chưa làm nhà trên địa bàn huyện chiếm trên 65%.
Từ thực tế ở Tân Kỳ, cho thấy, sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt, thiếu tính đồng bộ, chậm tiến độ; việc tổ chức vận động, huy động, lồng ghép các nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo cải thiện cho hộ nghèo về nhà ở còn hạn chế. Để đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tranh tre dột nát trên địa bàn huyện, cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở Tân Kỳ. Ngoài sự nỗ lực của các gia đình, sự hỗ trợ của Nhà nước, rất cần sự vận động giúp đỡ của cộng đồng các nhà hảo tâm để người nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Lê Thanh