Tân Kỳ - những con đường...trở thành ruộng
Đã từng lặn lội đến nhiều vùng miền núi xa xôi, nhưng chưa bao giờ tôi gặp những con đường như ở những xã vùng sâu vùng xa của huyện Tân Kỳ,gồm: Phú Sơn, Tiên Kỳ, Hương Sơn và Nghĩa Hành - “mặt đường thành ruộng”, phương tiện đi lại thông dụng nhất có lẽ là xe trâu.
(Baonghean.vn) - Đã từng lặn lội đến nhiều vùng miền núi xa xôi, nhưng chưa bao giờ tôi gặp những con đường như ở những xã vùng sâu vùng xa của huyện Tân Kỳ,gồm: Phú Sơn, Tiên Kỳ, Hương Sơn và Nghĩa Hành - “mặt đường thành ruộng”, phương tiện đi lại thông dụng nhất có lẽ là xe trâu.
Một ngày đầu năm, khi những tia nắng hiếm hoi rọi xuống mặt đất, sau nhiều ngày mưa dầm, tôi quyết định vào xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ. Trước khi đi, cô bạn đồng nghiệp công tác tại Đài TTTH huyện khuyên tôi không nên đi Phú Sơn vào dịp này, vì đường vào đó khó không tả nổi. Nhưng tôi vẫn quyết định cưỡi con ngựa sắt để xem con đường khó đến mức độ nào.
Đường từ Đồng Văn vào Phú Sơn dài 15 km đều thế này cả
9 giờ kém 15 phút, từ Thị trấn Lạt tôi bám theo con đường rải nhựa đã xuống cấp, ghồ ghề, qua Phúc Sơn, Tân An, lên ngã tư Đồng Văn, rẽ trái qua xã Tiên Kỳ rồi sang Phú Sơn. Cũng bắt đầu từ ngã tư này là hết đường nhựa, trước mắt tôi là con đường đất lầy lội. Dừng xe hỏi thăm về Phú Sơn, chị bán hàng cạnh đường cho biết, về Phú Sơn còn khoảng 15 km nữa, nhưng chú mà đi bằng xe máy là không nên, vì đường lầy lội, đến nỗi xe ô tô tải cũng không đi được nữa là...
Chiếc xe máy của tôi chậm chạp trườn qua những đoạn đường khổ ải, xe ô tô qua lại, tạo thành 2 rãnh sâu trên mặt đường, đất bùn ngập gần đến đầu gối. Xe lúc nào cũng cài số 2, có những lúc do rãnh quá hẹp, bùn sâu, bánh xe chẹt cứng, chỉ có cách xuống xe, cởi giày, lựa thế để nhấc bánh trước lên khỏi hố bùn, cong lưng đẩy xe qua đoạn lầy thụt. Toát cả mồ hôi, tôi ngó trước nhìn sau mong có người để cầu sự giúp đỡ, nhưng vô vọng vì đường vắng người quá ! Tôi chợt hiểu, vì đường quá xấu nên không ai dám đi. Người dân ở đó cho biết, từ 3 tháng nay nhà nào cũng cất xe máy ở nhà, mỗi khi ra đồng là đi bằng xe bò !
Đến trung tâm xã Phú Sơn, nhìn đồng hồ đã 12 giờ kém 15 phút. Nghĩa là từ Thị trấn Lạt đến xã Phú Sơn chỉ khoảng 35 km mà đi xe máy mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Hỏi đường vào trụ sở UBND xã, chị chủ quán nói, trụ sở phía sau nhà tôi, nhưng chú phải đi bộ, không thể đi xe máy vào được, vì đường lầy thụt.
2 giờ chiều, tôi men theo lối mòn sau nhà chủ quán để lách vào trụ sở xã. Gặp Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Hồ Thú, rất ngạc nhiên khi biết tôi đi xe máy từ Lạt vào. Ông Thú nói: “ Đường sá như thế này mà phóng viên đi xe máy được vào đây là tôi khâm phục. Mùa này người dân Phú Sơn chúng tôi không ai dám đi xe máy, xe đạp ra khỏi xã. Ngay cả học sinh tiểu học và cấp 2, nhà cách trường 1 km trở lên là phải ở nhờ nhà người quen gần trường để đi học. Cực nhất là những người ốm đau, sinh đẻ phải đi bệnh viện tuyến trên. Xe ô tô khách không có, xe máy không đi nổi, chỉ có cách đi bộ khoảng 3 km ra sông Con để thuê thuyền xuôi về thị trấn Lạt. Mới đây có trường hợp sản phụ khó sinh, phải chuyển lên tuyến trên, nhưng do đường khó đi nên không kịp cứu được thai nhi. Phú Sơn ngày nắng vẫn có xe khách vào tận nơi, nhưng mùa này đường không thể đi nổi nên xe khách bỏ nốt. Bởi vậy, người dân Phú Sơn mỗi lần muốn đi Vinh, đi Hà Nội, Sài Gòn… là phải tìm mọi cách đi sang đường Hồ Chí Minh (cách xã hơn 10 km), hoặc sang Đồng Văn (cách 15 km) mới đón được xe”.
Thế dự án đường Nghĩa Hành vào trung tâm xã Phú Sơn làm đến đâu rồi? Tôi hỏi. Ông Thú băn khoăn, cho biết: Lẽ ra đến cuối năm 2011 hoàn thành, nhưng huyện làm công tác giải phóng mặt bằng chậm và bên đơn vị thi công không thực hiện đúng cam kết, đến thời điểm này công trình mới đạt chưa được 1/3 khối lượng. Dự án này có chiều dài 19 km, nối từ đường Hồ Chí Minh qua Nghĩa Hành sang trung tâm xã Phú Sơn, do UBND huyện làm chủ đầu tư, được đơn vị thi công làm lễ động thổ từ ngày 6/6/2009, cam kết hoàn thành sau 30 tháng. Thế nhưng đến đầu năm 2012 khối lượng đã hoàn thành của công trình rất hạn chế. Không biết đến bao giờ người dân Phú Sơn mới hết khổ vì đường. Dự án này có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Để trở về Thị trấn Lạt, ông Thú tư vấn cho tôi: có 3 cách đi: thứ nhất là qua Nghĩa Hành để sang đường Hồ Chí Minh; thứ hai là qua Hương Sơn để sang Tân An và thứ ba là ngược trở lại Tiên Kỳ và Đồng Văn (ngược con đương tôi vừa đi qua). Nhưng vấn đề là lựa chọn con đường nào cho đỡ khổ nhất. Theo kinh nghiệm của ông Thú cũng như một số cán bộ xã là nên đi đường Hương Sơn để sang Tân An. Nhưng ông Thú cảnh báo là sáng nay tôi đi họp ở huyện về đã phải hy sinh một đôi ủng mới và rách một chiếc quần. Bởi đánh vật với đường. Còn đi qua Nghĩa Hành để sang đường Hồ Chí Minh là dân bản địa chúng tôi cũng không đi nổi. Tóm lại, đi đường nào cũng ... khủng khiếp !
4 giờ chiều, tôi bắt đầu rời Phú Sơn theo con đường Hương Sơn để ra Lạt. So với cung đường sáng nay tôi đi từ Đồng Văn sang Tiên Kỳ thì cung đường này còn khổ hơn nhiều, nhưng đổi lại, đoạn khó ngắn hơn. Càng về chiều tiết trời lạnh dần, nhưng cứ khoảng 1 km là phải dừng xe để lau mồ hôi vã trên trán, vì phải đánh vật với từng mét đường ngập bùn. Đến xóm Tân Sơn, gặp một nông dân dắt con trâu bên đường, dừng xe hỏi đường, lão nông bức xúc: cả đời chú mới đi qua đây một lần, chứ dân chúng tôi phải chịu cảnh này lâu lắm rồi. Chú coi đường mà chẳng khác gì đầm lầy, đi bộ cũng không nổi huống chi đi xe máy. Bởi đường như thế cho nên con em ở đây bỏ học hết.
Ra đến Thị trấn Lạt, trao đổi với ông Phạm Văn Hóa – Phó Chủ tịch UBND huyện, ông thừa nhận là cung đường nối từ ngã 4 xã Đồng Văn sang các xã Tiên Kỳ, Phú Sơn, Nghĩa Hành và Hương Sơn là gian khổ nhất huyện. Nguyên nhân là do mặt đường bằng đất, về mùa mưa kéo dài, xe ô tô vận chuyển nguyên liệu đi lại, bánh xe tạo thành 2 rãnh sâu, giữa là đất bùn. Do đường quá khó đi nên lâu nay xe vận tải không vào được các địa phương đó để thu mua nguyên liệu, như sắn, mía, cuộc sống người dân càng thêm túng quẫn vì không bán được nông sản.
Về dự án đường vào trung tâm xã Phú Sơn, đây là dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư, nên mặc dù lâu nay huyện rất nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng do vướng mắc một số thủ tục nên dẫn đến chậm so với mục tiêu đặt ra. Thời gian tới UBND huyện tập trung giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đáng lo nhất là đoạn đường từ xã Tân An đi qua Hương Sơn sang Phú Sơn và từ Phú Sơn đi Tiên Kỳ đến Đồng Văn do dự án đang bỏ dở nên không biết đến bao giờ người dân mới hết khổ vì đường. Trước đây có dự án làm đường Trại Lạt – Cây Chanh, điểm khởi đầu từ xã Tân An đến Cây Chanh (Anh Sơn). Nhưng không hiểu như thế nào khi làm đến ngã 3 Đồng Lau là dừng lại. Hiện nay đoạn đường từ ngã 3 Đồng Lau đi Tiên Kỳ dài gần 15 km, UBND huyện đang lập đề án xin cấp trên, nhưng do vướng Nghị quyết 11 nên không có chủ trương.
Đường xấu, ô tô không ra vào được, khiến cuộc sống người dân 4 xã nói trên khó khăn gấp bội. Huyện Tân Kỳ cần có giải pháp, trước mắt là đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án đường vào trung tâm xã Phú Sơn.
Xuân Hoàng