TÂN KỲ: Nối duyên với cây có múi

18/07/2015 08:44

(Baonghean) - Vào thời điểm này, nhiều gia đình ở các xã Tân Long, Tân An, Tân Phú (Tân Kỳ) đang chăm sóc gần 160 ha các loài cây có múi đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và 20 ha trong thời kỳ cho quả. Sau nhiều năm vắng bóng, cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam đang dần khẳng định chỗ đứng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế trên vùng đất Tân Kỳ.

Nhận thấy Tân An là vùng đất thích hợp với các loại cây có múi, trong khi thị trường đối với loại quả này đang rộng mở, anh Đậu Tiến Sỹ ở xóm Quỳnh Lưu, xã Tân An (Tân Kỳ) đã đầu tư trồng 250 gốc quýt PQ1 trong diện tích vườn đồi của mình. Nhờ cây hợp đất, lại được chăm sóc tốt nên giống quýt này khá ngọt và thơm, bình quân năng suất 1,2 tạ quả/cây. Vào mỗi vụ thu hoạch, thương lái thường tìm đến tận vườn đặt mua với số lượng lớn, hầu như năm nào cũng “cháy hàng”, lợi nhuận thu về đạt từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm.

Từ những thành công ban đầu, anh Sỹ tiếp tục đầu tư trồng thử nghiệm giống cam V2 và cam Vân Du - những giống cam đang cho thu nhập cao, được trồng khá phổ biến ở Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. Năm 2008, thời điểm cây cho quả bói với năng suất 15 tấn/ha thì gia đình đã thu về được gần 200 triệu đồng. Những năm tiếp theo, đặc biệt là từ năm thứ 4, năng suất tăng bình quân 30 tấn/ha. Anh Sỹ chia sẻ: “Trồng cây có múi không khó, chỉ cần người trồng chịu khó chăm sóc theo những kỹ thuật căn bản là có thể đảm bảo được năng suất. Đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi bởi thương hiệu cam Vinh hiện đã có chỗ đứng trên thị trường”.

Ông Thái Doãn Tài (Tân Xuân - Tân Kỳ) chăm sóc 1,6 ha cam trồng mới.
Ông Thái Doãn Tài (Tân Xuân - Tân Kỳ) chăm sóc 1,6 ha cam trồng mới.

Những năm qua, Công ty TNHH 1 thành viên nông nghiệp An Ngãi đóng tại xã Tân An, cũng đã có những bước tiến mới trong việc trồng cây có múi. Được biết, hiện tại công ty có hơn 65 ha trồng các loại cây cam, quýt, bưởi, chanh. Trong đó có 20 ha đang cho thu hoạch, còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trong vòng 2 năm qua, bà con đã trồng mới được 15 ha cam với các giống cơ bản là cam Xã Đoài, V2 và cam Vân Du. Theo ông Chữ Hoài Thanh, Phó Bí Thư Đảng ủy xã Tân An thì: “Hiện tại, từ những diện tích đang cho thu hoạch có thể cho thấy năng suất khá cao, về kỹ thuật chăm sóc thì bà con cơ bản nắm vững, bởi trước đây Nông trường An Ngãi là một trong những vùng trọng điểm trồng cam của Tân Kỳ, do vậy bà con đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH 1 thành viên nông nghiệp Sông Con, thuộc xã Tân Phú được biết, hiện nông trường có khoảng gần 100 ha cây có múi, trong đó chủ yếu là cây cam và 20 ha cam trồng mới. Ông Phan Thanh Hùng, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Qua khảo sát thấy chất đất và các điều kiện tự nhiên ở đây rất phù hợp với cây cam, đồng thời thị trường tiêu thụ cho loại quả này khá rộng mở. Do vậy, từ diện tích cao su bị thiệt hại do bão năm nay, nông trường đã chuyển đổi sang trồng cam. Trong thời gian tới, đối với những diện tích cao su già cỗi, hết thời gian khai thác thì nông trường cũng sẽ chuyển đổi sang cây có múi”.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn huyện Tân Kỳ đã trồng mới gần 25 ha cam, quýt, tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Tân Long, Tân An, Tân Phú và Đồng Văn. Là một trong những hộ có diện tích trồng cam khá lớn, ông Thái Doãn Tài ở xóm Tân Xuân chia sẻ: “Hiện gia đình có gần 1,6 ha cam, trồng được 7 tháng. Chúng tôi tiến hành phun thuốc phòng các bệnh cơ bản, đồng thời tiến hành bón phân theo đúng quy trình của cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Do hợp đất và chăm sóc chu đáo nên cây phát triển khá tốt, dù trong thời gian qua có nắng nóng kéo dài. Trước đây gia đình cũng đã có thời gian dài canh tác loại cây này nên giờ cũng có khá nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Cây cam rất hợp với phân hữu cơ nên cần dựa vào chu kỳ sinh trưởng của cây để tiến hành bón, đồng thời cần đào rãnh sâu 20 - 30cm, rộng 30 - 40cm quanh tán cây cho phân và vôi xuống và phủ rơm rạ sau khi lấp đất thì cây mới phát triển tốt tươi và cho sai quả”.

Trước những chuyển biến mới của người dân trong việc nhân rộng diện tích trồng cam, ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Từ những năm trước, tỉnh ta đã xác định cây cam cũng như một số loại cây có múi khác là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao cần đưa vào khuyến khích phát triển. Các địa phương được quy hoạch vùng trồng cam tập trung chủ yếu ở các huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ bởi điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp cho cây cam phát triển. Để khuyến khích nhân rộng diện tích cam, mới đây huyện đã tổ chức cho nhiều chủ trang trại, hộ dân tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số huyện có diện tích trồng cam lớn, năng suất cao, đặc biệt là đến học tập các mô hình trồng cam thương phẩm tại khu vực Phủ Quỳ. Trên cơ sở những kinh nghiệm, bài học quý rút ra từ thực tiễn, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp đối với các hộ dân trồng cam, từng bước hình thành vùng sản xuất cam theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân”.

Việc chuyển đổi sang cây cam hay các loài cây có múi khác đang là hướng đi được nhiều hộ dân nơi đây ủng hộ. Tuy nhiên, đây là cây “nhà giàu”, đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, từ cải tạo đất, làm hạ tầng, cây giống, thời gian chăm sóc, quy trình kỹ thuật… Quá trình từ làm đất tới khi cho thu hoạch gần 5 năm, trung bình 1 ha cam phải đầu tư khoảng 250 triệu đồng. Mặt khác, việc đảm bảo kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với người trồng. Thị trường tiêu thụ hiện tại đang rộng mở, nhưng nếu trồng ồ ạt liệu có bị rớt giá, khó đầu ra?

Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Những năm 60 của thế kỷ trước, Nông trường Sông Con và Nông trường An Ngãi của huyện Tân Kỳ đã hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cam với diện tích trên 400 ha. Tuy nhiên, sau một thời gian thì diện tích trên đã bị thoái hóa bởi người dân sử dụng các giống cũ. Mặt khác, bệnh Greening ở cam, quýt hoành hành khiến người trồng phải chặt bỏ mà không được cải tạo hay trồng lại. Tuy nhiên, những năm gần đây, giống cam V2 và quýt PQ1 đã được trồng hơn 50 ha trong tỉnh ta cho thấy có sức chịu bệnh và năng suất ổn định. Một số hộ dân của huyện cũng đã tiến hành trồng và cho hiệu quả khá cao. Hiện tại huyện có hơn 1.000 ha đất bãi, đất đồi có thể phát triển các cây có múi, trong đó có cây cam hàng hóa. Dựa trên những điều kiện thuận lợi về đất đai và hiệu quả của cây cam, quýt đã mang lại cho người dân trong những năm qua, UBND huyện đã có chủ trương xây dựng đề án phát triển vùng cam hàng hóa, khôi phục “thương hiệu” cam Tân Kỳ. Định hướng của huyện là trong 5 năm tới sẽ mở rộng diện tích cam, quýt lên 200 ha”.

Thanh Quỳnh

Mới nhất

x
TÂN KỲ: Nối duyên với cây có múi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO