Tân Kỳ: Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng sản lượng mía

29/12/2011 18:31

(Baonghean) - Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có hàng nghìn ha đất bãi màu ven Sông Con rất màu mỡ, tuy nhiên năng suất mía...

(Baonghean) - Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có hàng nghìn ha đất bãi màu ven Sông Con rất màu mỡ, tuy nhiên năng suất mía ở đây vẫn còn thấp. Để từng bước nâng cao sản lượng mía, huyện đang chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý trên từng chân đất.

Ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng Phòng Nông nghiêp &PTNT huyện Tân Kỳ, cho biết: Từ nhiều năm nay Tân Kỳ luôn duy trì từ 4.800 đến 5.000 ha mía, bảo đảm phục vụ nguyên liệu mía cho Công ty mía đường Sông Con. Tuy nhiên năng suất mía của huyện không đồng đều, có nơi đạt 100 tấn/ha, nhưng cũng có nơi chỉ đạt 40 – 50 tấn/ha. Nguyên nhân là do diện tích quy hoạch trồng mía chưa hợp lý. Nhiều nơi bà con nông dân vẫn trồng mía trên đồi dốc, đất bị rửa trôi, bạc màu, hạn hán... năng suất rất thấp. Diện tích này chiếm khoảng gần 1/3 tổng diện tích của huyện. Trong khi đó, những vùng đất thấp, bãi màu ven Sông Con rất thuận lợi cho việc trồng mía, thì bà con lại trồng lạc, ngô, đậu, thu nhập thấp.




Nông dân xã Giai Xuân (Tân Kỳ) thu hoạch mía.

Xã Nghĩa Đồng là địa phương có nhiều thuận lợi để trồng mía, do vậy năng suất mía bình quân ở đây đạt 90 tấn/ha. Với giá bán 900 đồng/kg như năm nay thì bà con thu về 90 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Nếu so sánh với một số cây trồng truyền thống như: ngô, lạc, lúa... thì trồng mía thu nhập cao gấp nhiều lần.

Phấn đấu đẩy năng suất mía bình quân của huyện lên 70 tấn/ha, Tân Kỳ đang từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý. Đó là chuyển dần diện tích đất đồi dốc trồng mía sang trồng ngô, lạc, vừng... cũng có thể là trồng cây cao su. Ngược lại những diện tích đất thấp, bãi màu trước đây trồng ngô, lạc, lúa...sang trồng mía. Nhưng vẫn đảm bảo diện tích để cung cấp nguyên liệu cho Công ty Cổ phần mía đường Sông Con.




Vùng mía Tân Kỳ luôn đáp ứng nguyên liệu cho Công ty Cổ phần mía đường Sông Con.


Về xã Giai Xuân khi bà con nông dân đang tập trung ra đồng thu hoạch mía, bà Hoàng Thị Tâm, xóm Vạn Xuân, khoe: Năm nay gia đình tôi có 8 sào mía, trong đó 5 sào trồng mới, do chuyển đổi từ đất trồng 1 vụ lúa sang trồng mía, theo sự chỉ đạo của xã. Ước tính năm nay gia đình thu hoạch được khoảng 40 tấn mía, bán cho nhà máy với giá 900 đồng/kg, đã có 36 triệu đồng. Nếu 5 sào đất đó dùng để cấy lúa như trước, thì mỗi năm chỉ hoạch được 1 tấn lúa và thêm một vụ ngô, tổng thu nhập chỉ bằng 1/2 so với trồng mía. ở Giai Xuân thời gian vừa rồi có nhiều gia đình quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất 1 vụ lúa sang trồng mía. Tiêu biểu có gia đình anh Nguyễn Văn Diệu, xóm Kẻ Mui trồng mới 4 ha mía trên đất 1 vụ lúa bằng giống mía Roc. Nhờ trồng mía mà kinh tế gia đình anh Diệu ngày càng khấm khá.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã thì: Tổng diện tích mía đứng của Giai Xuân hiện tại là 580 ha, con số đó là quy hoạch ổn định diện tích mía của địa phương. Vấn đề quan tâm hiện nay của địa phương là làm thế nào để đẩy năng suất mía lên cao. Mặc dù diện tích mía của Giai Xuân nhiều, nhưng năng suất chỉ đạt bình quân 45 tấn/ha. Mục tiêu của địa phương là phấn đấu năng suất mía đạt 62 tấn/ha trong những năm tới. Để đạt được muc tiêu đó, địa phương vận động nhân dân chuyển dần diện tích mía vùng đồi xuống vùng thấp, cùng với đó là thay thế các giống mía cũ bằng các giống mía mới năng suất cao (Roc 22, Roc 16, Tân đại đường), đầu tư hợp lý và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc. Đến thời điểm này Giai Xuân đã chuyển đổi được 50 ha mía trên đất 1 vụ lúa và diện tích mía trên đất thấp là 340 ha. Nhờ cây mía mà đời sống của người dân các xóm: Kẻ Mui, vạn Long, Vạn Xuân, Xuân Tiến, Đồi Chè với khoảng 900 hộ dân ổn định cuộc sống.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Tân Kỳ: Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng sản lượng mía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO