"Tản lực" và "Nói xong tất cả lại về"
(Baonghean) - Bài viết “nhìn thẳng, nói thật” của tác giả Duy Hương, đăng trên trang 1 Nghệ An Nhật báo ngày 18/12 là bài viết thứ hai được bình chọn tác phẩm hay của tuần 3 tháng 12/2013.
1.Tản lực
Bài “Nhìn thẳng, nói thật” của tác giả Duy Hương trên trang 1 Nhật báo ngày 18/12/2013 được viết ngay sau khi kết thúc Kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI. Dưới góc độ của một cử tri, tác giả đã bày tỏ mong muốn và sự kỳ vọng rằng những vấn đề không hề mới, tiếp tục đưa ra bàn bạc, thảo luận, chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ được nhìn nhận, đánh giá đúng, trúng sự thật, bản chất của vấn đề, để các cơ quan chức năng có phương hướng giải quyết một cách thấu đáo.
Tuy nhiên, ở một số nội dung vẫn chưa được giải quyết tận gốc của vấn đề. Các giải pháp đề ra vẫn không có gì mới, thiếu sự đột phá. Và âm hưởng chính của việc trả lời chất vấn vẫn là “tản lực”, chia phần trách nhiệm cho mỗi cơ quan, đơn vị một ít, tránh tụ vào một nơi để làm nhẹ trách nhiệm chính. Qua cách trả lời chất vấn của một vài vị lãnh đạo đầu ngành, người dân cảm giác họ trả lời cho qua kỳ chất vấn chứ không nhằm giải quyết tốt vấn đề đang đặt ra. Chưa rõ cá nhân, tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm chính trước những vấn đề tồn tại thì đương nhiên là trách nhiệm giải quyết các vấn đề “hậu chất vấn” cũng vẫn sẽ… chưa rõ. Và như thế thì hiệu quả giải quyết các vấn đề sau chất vấn sẽ không cao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chất lượng của chất vấn chưa thật sự cao nên chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi. Trước hết, có thể thấy một số người trả lời chất vấn chưa mạnh dạn, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nhận trách nhiệm về mình nên khi trả lời còn viện dẫn dài dòng, né tránh trách nhiệm. Còn đại biểu thì xem chất vấn như một nghĩa vụ, chỉ “vấn” chung chung nên không có “chất” và không truy vấn đến cùng để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó. Do vậy, nhiều khi có chất vấn nhưng vẫn chưa làm rõ vấn đề cần hỏi, nhiều vấn đề bức xúc vẫn chưa được các đại biểu thẳng thắn chất vấn cơ quan có trách nhiệm. Cũng có trường hợp đại biểu rất tích cực chất vấn, nhưng câu hỏi thiếu trọng tâm hoặc không đúng đối tượng. Việc theo dõi, giám sát thực hiện “lời hứa” của người được chất vất chưa thật chặt chẽ nên phần nào làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chất vấn tại các kỳ họp. Một số đại biểu còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm, tư tưởng “cấp dưới, cấp trên”, nên chưa phát huy hết vai trò của mình trong hoạt động chất vấn.
Cuối cùng, tác giả đã đi thẳng vào giải pháp làm thế nào để phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh có chất lượng, hiệu quả cao. Có rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là người chất vấn và người được chất vấn phải luôn luôn dám nhìn thẳng, nói thật.
2. Nói xong tất cả lại về
Cũng với bài viết “Nhìn thẳng, nói thật” của Duy Hương, từ góc nhìn khác, cảm nhận khác, một bạn đọc đã có những nhận xét khá thú vị.
Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI đã kết thúc, dư âm để lại trong lòng cử tri Nghệ An đã được tác giả Duy Hương “nhìn thẳng, nói thật”: Điều băn khoăn ở đây là nhiều vấn đề nổi cộm trong cuộc sống diễn ra khá lâu vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đến nơi, đến chốn mặc dù đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận, chất vấn ở nhiều kỳ họp. Nguyên nhân mà tác giả đã chỉ ra là do chất lượng của chất vấn chưa thật sự cao nên chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi; do người trả lời chất vấn chưa mạnh dạn, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nhận trách nhiệm về mình nên khi trả lời còn dài dòng, né tránh. Chính vì những điều này, làm cho các vị đại biểu xem chất vấn như một nghĩa vụ, chỉ “vấn” chung chung nên không có “chất” và không truy vấn đến cùng để làm sáng tỏ những vấn đề cử tri và người dân quan tâm, thắc mắc.
Ngoài ra, việc theo dõi, giám sát thực hiện “lời hứa” của người được chất vấn chưa thật chặt chẽ nên phần nào đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả và chất lượng của hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Mặc dù, nội dung, cách thức tổ chức các kỳ họp đã có nhiều đổi mới, tiến bộ; nhất là trong việc nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Tác giả cũng khẳng định, nếu tình trạng “nói xong tất cả lại về” này vẫn cứ tái diễn và kỳ họp sau lại bàn, chất vấn, trả lời chuyện “vẫn như cũ” của kỳ họp trước thì sẽ làm giảm lòng tin của người dân, làm cho người dân thiếu sự quan tâm và “chán” không muốn quan tâm hay ý kiến, kiến nghị nữa và điều gì sẽ xẩy ra thì chúng ta đã rõ...
Cuối cùng, mong muốn của tác giả Duy Hương, cũng là mong muốn của người viết bài bình này và chắc là của mọi cử tri rằng, kỳ họp này nhiều vấn đề đã được kết luận, có 20 nghị quyết đã được ban hành, thì những vấn đề người dân quan tâm sẽ được giải quyết rốt ráo.
Người Xây Dựng