Tản mạn bên dòng Khe Phèn

10/05/2015 14:49

(Baonghean) - Khe Phèn là tên gọi một con suối lớn của huyện Con Cuông. Nó xuất phát từ vùng rừng núi xã Mậu Đức và có hai nhánh chính, trong đó một nhánh chạy qua xã Đôn Phục rồi đổ ra sông Lam trên địa phận xã Châu Khê. Trong hành trình suốt hàng chục cây số, dòng suối đã bồi đắp nên những đồng lúa tốt tươi của những bản làng người Thái. Cuộc sống bên con suối này cũng thăng trầm như dòng nước khi đầy, khi cạn...

Bản Hồng Điện thuộc xã Đôn Phục (Con Cuông) có 114 nóc nhà cư ngụ dọc hai bờ suối Khe Phèn. Một nửa bản tựa lưng vào ngọn núi đất tên gọi Pu Lè, mặt ngoảnh hướng dòng suối. Chẳng ai còn nhớ cái tên có cái vẻ Kinh “hóa” này có từ bao giờ bởi toàn xã Đôn Phục cũng có 3 trong số 7 bản có tên gọi kiểu như Hồng Thắng, Hợp Thành. Còn nữa là những cái tên cổ như bản Phục, bản Xiềng, Tổng Tiến, Tổng Tờ. Người ta chỉ biết rằng bản Hồng Điện có sau Cách mạng tháng Tám. Trước năm 1945 trong vùng có dòng họ Lang Vi hùng mạnh ở bản Phục mấy đời làm quan tri phủ Tương Dương. Họ cũng là những người sinh ra cạnh dòng suối Khe Phèn.

Trong những ngày nghỉ lễ dài, cô bạn mê huyền sử người vùng cao công tác tại một hội văn học nghệ thuật cấp tỉnh đòi bằng được tôi dẫn về Đôn Phục thăm dòng họ Lang Vi và đến bản Hồng Điện nơi từng có những cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc cách đây 3 năm về trước. Sau khi truyền thông và chính quyền vào cuộc, kẻ buôn người đã phải ngồi tù. Cô bạn của tôi muốn tìm cảm hứng sáng tác từ những câu chuyện xưa và thân phận của các cô gái trẻ bị lường gạt. Cuộc viếng thăm dòng họ Lang Vi coi như thông đồng bén giọt. Khi chúng tôi vừa kịp tới cuối bản Hồng Điện, còn chưa kịp hỏi han gì thì cơn mưa ập đến.

Phụ nữ bản Hồng Điện cất vó trên suối.
Phụ nữ bản Hồng Điện cất vó trên suối.

Và chúng tôi khi ấy cuống cuồng tìm chỗ trú. Tôi rẽ vào dưới mái nhà sàn lợp tranh bên đường. Gia chủ là ông Lô Văn Diệu, bà Lương Thị Lan. Tôi từng đến thăm gia đình này trong một chuyến về bản Hồng Điện viết bài quãng hai năm về trước. Ông Diệu trước kia công tác trong quân đội mang lon đại úy, bà Lan vốn là cán bộ tòa án huyện. Ngoài 30 tuổi hai người mới xây dựng gia đình nên muộn đường con cái. Thời bao cấp, cán bộ nhà nước nhiều người bỏ việc, hai người cũng bàn nhau về nhà làm rẫy, nuôi con. Ông đã bàn thì bà cũng gật rồi “thuyền theo lái”. Sau gần ba chục năm làm lụng, ông bà đã trồng được một khoảnh rừng với đủ thứ cây hoang, cây nhà ngay trên ngọn đồi cạnh đó, quanh năm sum suê hoa trái. Từ nhà trông lên là một không gian xanh mướt ngút mắt. Có lần ông bảo trồng vậy để con cái về sau đỡ lo chuyện kiếm gỗ làm nhà.

Khi đã yên vị trên chiếc ghế gỗ bên cửa sổ, nhìn ra màn mưa đang trút nước trời, tôi nhận ra khoảnh đất chừng nghìn rưỡi mét vuông của gia đình ông Diệu trước đây vốn để trồng màu như ngô, đậu, giờ đã biến thành những thửa ruộng bậc thang. Ông khoe rằng đã cấy được 4 vụ. Vụ đầu tiên đất mới lại chưa có kinh nghiệm nên lúa tốt lại ít hạt. Sau thì khá hơn, mỗi năm cấy được 2 vụ. Thóc gạo vì thế có thể gọi là đủ ăn quanh năm cho 5 miệng ăn gồm 2 người già, đôi vợ chồng trẻ và cậu cháu trai mới vào tuổi mẫu giáo.

Trong lúc vui chuyện, ông Diệu khoe về “kỳ công” đào ruộng của mình. Ông bắt đầu từ chuyện nuôi trâu, trồng rừng. Trong nhiều năm bòn rừng, kiếm lâm sản phụ cũng chỉ đủ kiếm gạo ăn, chẳng có tích lũy, ông nghĩ đến việc phải tạo ra một nguồn lương thực ổn định cho gia đình. Người Kinh họ bảo “có thực mới vực được đạo” quả không sai. Ngày còn phải chạy gạo ăn từng bữa chẳng nghĩ ngợi được gì nữa. Đám đất của ông ở ngay cạnh suối Khe Phèn nhưng khổ nỗi nó cao hơn mép nước những vài ba mét, đắp đập sao cho lại. Ông bỏ công đốn gỗ, chặt tre về làm guồng nước. Được dăm ba tháng thì guồng bị lũ cuốn mất. Ai ở cạnh con suối này mới biết rằng nó hiền hòa thật, nhưng lắm khi cũng trái tính nết. Khi lũ tháng bảy, tháng tám về, suối Khe Phèn biến thành sông, bản Hồng Điện lại xuất hiện bến đò tạm. Từ năm 2014 có cầu cứng, nỗi lo trẻ nhỏ đi học mùa lũ về mới hết.

Sau những lần guồng nước bị lũ cuốn đi, ông Diệu lại nhìn xuống dòng suối mà ngao ngán: Thật chịu ông trời và ông thủy thần đấy. Phải tìm cách khác thôi. Thế rồi khi đã tích cóp được ngót chục triệu đồng trong tay, việc chẳng hề dễ dàng đối với những người bòn rừng kiếm gạo trong cái bản có tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng sáu chục phần trăm này. Có chút tiền rồi, ông tìm lên đỉnh núi cạnh nhà. Lại lên với núi. Ở đó có một nguồn nước nhỏ. Ông xây được cái đập nhỏ rồi lắp đường ống dẫn nước về làm ruộng. Thế là từ này khó có chuyện thủy thần lấy đi nguồn nước tưới ruộng nữa. Còn ông Diệu đã có thì giờ để tính đến chuyện chăm rừng mà không phải lo chạy gạo nữa. Thấy ông làm vậy, một số nhà lân cận cũng đã tìm đến nguồn suối đặt ống dẫn nước về làm ruộng lúa.

Mưa ngớt rồi ngưng hẳn. Mặt trời hiện ra ửng đỏ trên mỏm núi phía xa. Từ bờ suối, chân ruộng, tiếng ếch nhái thi nhau à uôm vang động cả không gian. Dưới đường chợt xuất hiện dăm bảy người dân trong bản trên tay cầm vó, xách chài. Họ ý ới bảo nhau: “Nước về đấy!” Đang vui chuyện, bà Lan chợt đứng phắt dậy chạy xuống gầm sàn chuẩn bị vó. Bà bảo rằng nước về là có cá đấy. Phải tranh thủ kiếm chút gì đó đổi món cho gia đình. Lúc này mọi người dường như đã dứt khỏi cuộc chuyện vui. Ai nấy nhìn ra dòng suối đang ngầu đỏ trong ánh nắng cuối ngày. Ông Diệu vẫn yên vị trên ghế nhìn xuống con suối vẻ mặt trầm ngâm. Ông bảo rằng chỉ độ hai chục năm về trước thôi, khúc suối này lúc nào cũng đầy nước. Loài cá mát bây giờ nằm trong thực đơn thượng hạng ở các nhà hàng dưới phố huyện nhưng ngày ấy thì nhiều vô kể. Sau buổi làm nương, chiều về xuống thả lưới, quăng chài độ nửa tiếng là có cá ăn cho cả nhà. Mùa lũ về thì nước vẫn cứ trong xanh. Bây giờ mọi chuyện đã khác rồi. Mùa cạn, lội xuống, nước chỉ ngập ngang đầu gối. Khi lũ về suối lại hóa thành sông, đục ngầu và dễ sợ. Dẫu vậy khi nước về người ta vẫn đổ ra suối đánh cá. Hình như cái thói quen này đã ăn sâu vào từng người sống cạnh dòng suối.

Tôi theo những người đánh cá xuống suối. Đầu hạ, mưa đến bất chợt rồi cũng chóng qua. Nước đầu nguồn đổ về không làm thành lũ lớn. Nước về là lúc cá theo đàn kiếm ăn, cũng là dịp người dân trong bản mang vó và chài đi đánh cá. Dưới lòng suối đã thấp thoáng bóng người với mấy thứ ngư cụ trên tay. Chị Mạc Thị Liền là hàng xóm của ông Diệu nhận ra tôi. Vừa nhặt những con cá bé xíu trong chiếc vó, chị vừa phân bua: “Bây giờ chỉ còn cá nhỏ thôi, chú ạ. Suối nhỏ đi, cá cũng nhỏ theo.” Phía bên kia bờ suối, một người đàn ông lặng lẽ tung chài. Chốc chốc, chiếc chài lại hất tung lên rồi chìm xuống đáy suối. Kéo chài lên rồi, anh ta lại lôi vào bờ gỡ lấy từng con cá nhỏ. Trong tiếng suối réo rắt trông anh ta hệt như cảnh quay trong những bộ phim câm. Động tác nhịp nhàng đều đều và có vẻ nhàm chán.

Nhá nhem tối, chiếc máy ảnh không hoạt động tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, nên tôi đành quay về. Lúc này chị Liền cũng đã được nửa giỏ cá và thu vó đi về. Ông Diệu vẫn ngồi chờ chúng tôi bên cửa sổ, hướng tầm mắt ra phía dòng suối và đám ruộng nước đang ngân lên thứ nhạc âm hỗn độn được tạo ra bởi lũ ếch nhái.

Phải đến tám giờ tối bà Lan và cậu bạn ham thích khám phá sông nước đi cùng nhóm chúng tôi mới trở về nhà. Trên tay cậu ta xách một cái giỏ nặng trịch cá suối của bà Lan đánh được. Ai cũng có ý muốn thử gia chủ chế biến “món lạ” là cá suối nên cố chờ, vì thế mà bữa tối của chúng tôi diễn ra cũng đã gần mười giờ đêm. Bữa ăn có cá suối, còn món canh thịt ngan nấu với thứ lá cây chua dây leo hái từ rừng, nhìn na ná lá chanh. Món này người vùng cao thường dành để thết đãi khách quý.

Đang dở bữa thì đèn điện phụt tắt và căn nhà chìm vào bóng tối. Chiếc ti vi ngừng bặt âm thanh. Lúc này bản nhạc đồng quê của lũ ếch nhái đã ngưng và tôi có thể nghe thấy tiếng suối chảy rì rào ngoài xa. Trong lúc gia chủ quờ tay tìm chiếc đèn dầu vốn đã ngủ yên bên góc nhà từ ngày bản kéo điện, tôi chợt miên man nghĩ về dòng suối. Tôi cũng chưa thử truy vấn về nguồn cơn cái tên Khe Phèn của nó. Nhưng có một điều chắc chắn rằng con suối này cũng như những dòng sông trong một ca khúc nào đó tôi từng nghe qua radio, nó cũng có khi buồn vui hờn giận. Nhưng điều cuối cùng ý nghĩa hơn cả, dòng suối đã bồi đắp nên những thửa ruộng bậc thang và cả những bản làng yên bình cạnh dòng chảy của nó.

À quên, suối còn góp nước cho những dòng sông nữa chứ!

Hữu Vi

Tản mạn bên dòng Khe Phèn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO