Tản mạn quà Vinh
(Baonghean) - Như nhiều người vẫn bảo, ẩm thực là văn hóa của cả một vùng miền. Thành phố này, chưa phải đã dài rộng, nhưng hãy đếm cùng tôi những góc đường, những quán nhỏ, những món ăn… Đảm bảo, bạn đi cả tháng vẫn chưa hết!
Náo nhiệt và đầy cám dỗ, có lúc muốn bỏ đi thật xa, khỏi những bụi bặm xô bồ. Có lúc lại da diết nhớ. Tôi nhớ cảm giác lang thang trên những con đường chẳng bao giờ sợ mình lạc lối, xuôi ngược những khuôn mặt người dưng để chẳng sợ mình cô độc, rồi ào vào bất cứ quán nhỏ nào, để nghe ồn ã những câu chuyện vụn vặt, thường ngày của cuộc sống. Nếu là café, bạn ngồi một mình cũng là cái thú. Nhưng đã đi ăn, phải có hội, phải rủ rê, hẹn hò nhau, để vừa được ăn, được nói... Thế nên, đừng bao giờ đi ăn một mình, tôi nhất định sẽ rủ bạn đi ăn cùng, nếu bạn về Vinh!
Quán bánh mướt tại Cổng Thành |
Thì đấy, chiều, tít tít tin nhắn, “Ốc tập thể Quang Trung nhé”, trả lời ngay sau một giây “Ok”! Vậy là tan tầm, những cô nàng độc thân vui vẻ lại tụ tập nhau trong cái quán chẳng cần sang trọng, thậm chí có vẻ lụp xụp, mà rất thoải mái, vui vẻ. Một đĩa xào, một đĩa luộc, mấy cái bánh đa, thêm đĩa giò gói là chuối, là khơi nguồn cho bao nhiêu câu chuyện tầm phào, nhưng rất thật về tình cảm, gia đình, công việc… Chẳng vội về với căn phòng trọ trống trải, hoặc là cố tình về nhà muộn một chút để tránh bớt sự phàn nàn, giục giã của thầy u về chuyện muôn thủa “bao giờ mày mới lấy chồng hả con”. Trời mà lạnh lạnh, mưa mưa, thì chúng tôi lại càng ngồi lâu hơn.
Vừa ăn, vừa sụt sịt, nước mắt nước mũi tùm lum. Cái cảnh ăn uống rõ đến là khổ sở, nhưng không cay thì không ra cái vị của ẩm thực, không còn là món ốc Vinh. Nhất là món ốc xào được tẩm gia vị, lá chanh, sả, ớt, xào lên cùng với dừa, hiếm nơi nào có. Chỉ cần mút một hơi là cảm nhận được tất cả cái vị đậm đà, cay mặn, béo ngậy của từng con ốc. Ở Vinh, có những quán ốc đã thành “thương hiệu”: Ốc bà Liên (Cửa Nam), ốc bà Thưởng (Đội Cung), ốc bà Soa (Cổng Thành)… Bao giờ cũng đông nghịt người. Có những quán chỉ mở buổi chiều đến chập tối, có quán lại chỉ mở từ 7h tối, càng làm những vị khách thêm nhớ đến và ghé thăm mỗi lần có dịp.
Nhiều con đường, được nhớ đến tên, chỉ bởi ấn tượng về một món ăn. Nói đến phố Nguyễn Văn Cừ, người ta sẽ nghĩ ngay đến ốc, bánh bèo Hai Huế… Có nhiều nơi bán bánh bèo nhưng nhiều nhất và ngon nhất vẫn là ở đây. Vì thế nhiều người thậm chí còn đổi tên cho con đường Nguyễn Văn Cừ thành đường “bánh bèo”. Lại nói đến món ăn này, cũng chỉ mới xuất hiện ở Vinh trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhưng đã trở thành món ăn quen thuộc, yêu thích của nhiều người, nhất là với học sinh.
... và một số món ăn vỉa hè Thành Vinh. |
Bánh bèo được làm từ bột lọc với nhân tôm hoặc thịt, xào lên cùng hành mỡ và ăn với rau mùi. Vị bánh bèo ngọt, trộn lẫn với vị bùi của tôm, của thịt, xen vào chút cay cay nồng nồng của ớt chưng, vị thơm nức của hành phi và rau mùi, đánh thức mọi giác quan của người nếm thử. Bánh bèo rán được làm chín bằng cách chiên qua dầu. Khi ăn món bánh này, chấm với tương ớt, bạn có thể cảm nhận được độ giòn của vỏ, độ dẻo thơm của bột và nhân tôm cũng không mất đi, dĩ nhiên là sẽ cay. Bánh bèo lá được gói kỹ giữa lớp lá chuối và được hông chín trong nồi nên khi ăn vẫn còn thấy nóng hổi. Một đĩa bánh bèo lá có khoảng chục chiếc bánh con con cỡ tầm hai ngón tay. Khi ăn, phải lần bóc lớp lá chuối hệt như khi ăn bánh gai, giò lá… Bánh bèo lá vì thế cũng có mùi đặc biệt hơn, đó là mùi thơm của lá chuối.
Tôi vẫn còn nhớ thời học đại học, bạn bè tôi nhiều đứa vì nhớ quá, và vì muốn cho dân “ngoài Bắc” biết đến cái vị bánh bèo Vinh, nên quyết mở quán. Cũng nhào bột mỏi nhừ tay, cũng gói gói, nặn nặn, cũng tỉ mẩn công phu làm nhân bánh… Thú vị làm sao khi giữa cái đất thủ đô không thể nào kể hết những món ngon, món lạ, nhiều người vẫn phải dành một chút ngạc nhiên, và bị hấp dẫn trước món bánh của Vinh. Tiếc là, chẳng có nhiều thời gian, vì còn học hành thi cử.
Nhưng nói về độ “ăn dầm ở dề” và xuất hiện với tần suất dày đặc nhất thì vẫn là ở đoạn Cổng Thành, Cửa Nam. Đơn giản chỉ vì đây được coi là khu ẩm thực của thành phố, nơi có thể làm thỏa mãn cái dạ dày của tôi bất cứ lúc nào với: bánh canh, bún riêu cua, súp lươn, bánh mướt, đồ nướng, đồ nhắm... đủ cả. Cái khu phố này, so với sự phát triển của thành phố bây giờ thì nó dường như đang chững lại, với những ngôi nhà đã cũ và ngả màu rêu mốc. Nhưng riêng cái khoản ăn uống, có lẽ vẫn chẳng nơi nào đuổi kịp được. Nó thành địa điểm quen thuộc, thành một chốn đi về đầy kỷ niệm.
Tôi sẽ đưa bạn đi ăn cháo canh - cháo canh Cổng Thành, bạn ăn một lần sẽ nhớ. Cháo canh có nhiều vị như cháo canh tôm, cháo canh giò heo... nhưng với người Vinh, quen thuộc nhất vẫn là cháo canh thịt. Các cô bán hàng thường ninh nhừ xương heo để lấy nước cốt, nước dùng của cháo. Nước dùng có vị ngọt của xương thịt, vị cay cay của ớt chưng, vị ngầy ngậy của thịt nạc. Bột mỳ chính là nguyên liệu chủ yếu để hình thành được món cháo canh. Người đầu bếp sẽ phải nhào nặn bột mỳ (đã được trộn nước) cho đến khi bột thật nhuyễn, cán mỏng và cắt thành những sợi nhỏ, đều đặn. Sợi mỳ chỉ nhỉnh hơn đầu đũa, khi ăn thường dẻo và dai. Đợi khi đến nồi nước xương đã được hầm nhừ, thả những sợi mỳ trắng xóa vào, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là bạn đã có một bát cháo canh hết sức ngon lành.
Sẽ có những món ăn, không chỉ riêng ở Vinh mới có, nhưng mỗi vùng có một nét đặc trưng riêng, nên nó mới được gọi là nét văn hóa ẩm thực. Ví dụ như bánh mướt. Từng tấm bánh vừa tráng nóng hổi, bên trên là hành khô thơm phức, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng. Nếu như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội) nổi tiếng được làm từ loại gạo tám thơm số một, thì bánh mướt ở dải đất đầy nắng gió này chỉ khiêm tốn hình thành từ loại gạo bình thường mà người dân vẫn trồng được sau mỗi vụ mùa. Cái bánh cũng to hơn, dày dặn hơn, chứ không nhỏ, mềm mỏng như bánh cuốn miền Bắc.
Bánh mướt được ăn với súp lươn thì không gì bằng. Nói về lươn, có nơi đâu bằng đất Nghệ! Bát súp lươn nổi bật, hấp dẫn với màu vàng của nghệ, màu xanh của lá mùi tàu hay hành tươi. Bánh mướt tráng mỏng, không nhân, được cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn, thả vào bát súp, gắp kèm miếng lươn rồi từ từ đưa vào miệng và cảm nhận hương vị đang lan tỏa nơi đầu lưỡi.
Và không thể đếm hết những bánh rán, bánh ngô, bánh khoai, bánh trộn, bánh vừng… khắp vỉa hè ở Thành phố Vinh nơi đâu cũng có thể tìm thấy.
Khi tiết trời bắt đầu chuyển sang se se lạnh, thì cũng là lúc những bếp ngô nướng, khoai nướng được quạt lên đỏ rực. Nhiều lúc, không cố ý, nhưng vô tình lạc sang con đường quanh hồ Goong, thì tôi chẳng thể nào cưỡng lại cái mùi thơm đang tỏa ra ngào ngạt ấy. Sà xuống bên chiếc lò than, bên trên là những bắp ngô, củ khoai đang dậy mùi hấp dẫn, đợi chờ cô bán hàng gói lại vào tờ báo cũ rồi vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng bỏng. Có người từng bảo với tôi, có lẽ bởi cái thú ăn cay, ăn mặn của con người nơi đây nên món ăn nào cũng có vị đậm đà hơn các nơi khác. Ngô nướng cũng vậy, những bắp ngô được tẩm thêm gia vị: mặn, cay, ngọt. Cô bán hàng vừa lật những bắp ngô đã được tưới qua thứ nước sốt làm từ bơ và tương ớt, trên than hoa, vừa kể chuyện: cô đã ngồi ở đây gần chục năm rồi, cứ đến mùa đông lại chở theo bì khoai, bì ngô và cái bếp lò ra ngồi quạt. Nhiều người quen mặt, quen hàng, họ bảo đi nhiều nơi nhưng chỉ về Vinh mới được ăn bắp ngô đậm đà hương vị đến thế. Hôm nào có việc phải nghỉ, lại nhớ, bồn chồn không yên, như có người nhắc.
Bên cạnh ngô nướng, khoai nướng, là mía hấp gừng - một đặc sản của người Vinh. Mía được cắt khúc thành từng tấm, những lát gừng đập dập cho vào nồi hấp. Bạn đừng có mải gặm quá nhiều ngô, khoai đến lúc chẳng còn bụng dạ nào cho mía hấp gừng. Cái thức đơn giản ấy đã bao nhiêu lần làm tôi ấm lòng ấm dạ giữa mùa đông giá rét.
Tôi còn muốn kể cho bạn nghe nhiều lắm: nem đường Hồng Bàng, bún chả nướng Bà Hai (đường Trường Chinh) mà có lần trời mưa bão vẫn cùng đứa em đến ăn cho bằng được, các loại nộm, bún, bánh ở đường Ngư Hải… À, còn cả bánh gói, bánh nếp gia truyền ở đường Đinh Công Tráng nữa. Những nơi tôi đã đi qua, cùng với bạn bè mình, để tự bao giờ đã thấy gắn bó, yêu thương thành phố vì đã thực sự “ăn ở” nơi này rồi!
Và khi, đêm về khuya lắm, những âm thanh vội vã của cuộc sống bắt đầu lắng xuống, ánh đèn đường vàng vọt được tắt bớt đi, thì những tiếng rao văng vẳng “Ai bánh bao nóng đây! Ai xôi, ai ngô luộc nào!” làm cho người ta chống chếnh. Dù tiếng rao bây giờ chẳng còn như xưa, (rao qua loa) nhưng cái cảm giác cô đơn, lẻ loi, cái cảm nhận về những phận người mưu sinh rong ruổi trên từng góc phố khi người người đã ấm áp trong ngôi nhà, khiến ta nao lòng đến lạ...
Bài, ảnh: Hồ Lài