Tận tâm với bệnh nhân "đặc biệt"
(Baonghean) - Chăm sóc bệnh nhân tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần hiểm nguy. Nhưng với cái tâm của người thầy thuốc, chị Nguyễn Thị Sen đã dành tất cả sự tâm huyết, tận tụy cho công việc mình gắn bó...
Chị Nguyễn Thị Sen kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. |
Cách đây hơn 30 năm, sau khi học xong cấp III, chị xin vào làm hộ lý tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Sau một thời gian công tác, chị được bệnh viện cử đi học lớp y tá trung học tại Trường Trung cấp y Nghệ Tĩnh. Đã từng làm việc ở nhiều khoa trong bệnh viện, nhưng 32 năm công tác thì đã có 15 năm chị làm việc ở Khoa Cấp tính nam - đây là những năm gian khổ, vất vả nhất trong quá trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Chị kể: Lúc vào nhận công việc chị không gặp trở ngại gì về phía gia đình nhưng khi tiếp cận với thực tế chị thấy rất sợ, bởi họ là những người “không bình thường”. Nhưng hàng ngày, chị vẫn chăm sóc, phục vụ người bệnh từ bữa cơm, giấc ngủ một cách tận tình…
Khi đến tuổi lập gia đình chị đã phải cố gắng thuyết phục chồng hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Chồng bộ đội công tác xa, con nhỏ, lại không có người thân hỗ trợ, những đêm đi trực chị phải gửi con cho hàng xóm trông hộ, thậm chí những lúc về muộn không kịp giờ đón con nhưng vì công việc chung chị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Hỏi chị về những tình huống nguy hiểm xảy ra trong nghề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình. Không giấu được vẻ bùi ngùi, chị tâm sự: Khoa bán cấp tính nam thu dung những bệnh nhân thuộc dạng bệnh nặng, có những bệnh nhân bên ngoài có vẻ bình thường, tỉnh táo nhưng tâm lý họ biến đổi thất thường nên không thể nắm bắt được. Nói về tai nạn nghề nghiệp mà chị đã trải qua thì có rất nhiều, nhưng trường hợp chị bị tấn công bất ngờ và ảnh hưởng sức khỏe nặng nhất xảy ra cách đây 4 năm và ám ảnh chị đến tận bây giờ. Chị kể: “Đó là trường hợp bệnh nhân nam, quê ở Nghĩa Đàn, bị bệnh động kinh nặng và đã nhập viện điều trị nhiều lần. Hôm đó, tôi trực đúng ngày chủ nhật nên cán bộ ở khoa không nhiều, sau khi đi lấy cơm và chia cho họ ăn xong, đi kiểm tra tình hình bệnh nhân. Bất ngờ họ xông vào tấn công tôi từ phía sau. Sau đó, tôi bị hôn mê 1 tuần liền, bệnh viện kết luận là tôi bị chấn thương sọ não, cơ thể bầm tím vì vết đánh, ảnh hưởng 25% sức khỏe. Sau 1 thời gian tôi lại bị liệt nửa bên trái, tay chân yếu dần do ảnh hưởng não. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi đến tận bây giờ: chồng phải chở đi, đón về, giọng nói phát âm không chuẩn. Sau này, vì sức khỏe, lãnh đạo bệnh viện đã chuyển tôi sang khoa Y học cổ truyền”.
Nhận xét về chị, BS Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cho biết: “Chị Sen là một cán bộ cần mẫn, chịu khó, tính tình kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Chị Sen là một người làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao. Dù công tác ở Khoa Cấp tính nam hay khoa Y học cổ truyền thì ở vị trí nào, chị Sen luôn là một cán bộ hết lòng vì công việc, vì người bệnh”.
Suốt 32 năm công tác, năm nào chị Sen cũng được bình bầu là cá nhân, đoàn viên xuất sắc và được nhận bằng khen, giấy khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, của bệnh viện nhiều năm liền.
Thúy Hiền