Tấn trò của truyền thông không chính thống?
>>Ông Nguyễn Thái Hợp đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận ?
(Baonghean.vn) - Một số kênh thông tin trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đưa tin về vụ hỗn loạn ở giáo xứ Mỹ Yên - xã Nghi Phương- Nghi Lộc (Nghệ An). Đặc biệt, Trang thông tin của Giáo phận Vinh đã đưa nhiều thông tin về vụ việc, cáo buộc lực lượng an ninh đàn áp giáo dân bằng bạo lực. Thông tin này không chỉ gây nhiễu dư luận 2 bên lương - giáo mà trên hết, tính xác thực của nó còn phải bàn cãi.
Những cái tít mang tính giật gân và nghiêm trọng hoá tràn lan trên một số kênh thông tin không chính thống như “Vụ việc vừa xảy ra tại giáo xứ Mỹ Yên chiều ngày 04.9.2013: giáo dân bị hành hung và bị bắt, ảnh tượng thánh bị đập nát” (Giáo phận Vinh), “Nhà cầm quyền Nghệ An trở mặt, khủng bố giáo dân Mỹ Yên, GP Vinh” hay “Tổng hợp một số tình hình từ Giáo xứ Mỹ Yên đến sáng 5.9.2013” (một số trang thông tin công giáo).
Theo những bài viết trên các trang thông tin này, giáo dân tập trung “ ôn hoà ” trước Uỷ ban nhân dân xã yêu cầu thả người như đã hứa, đã bị đàn áp bằng dùi cui, lựu đạn hơi cay, bom khói, bắn súng chỉ thiên. Thậm chí, theo 1 trang mạng thì chính quyền còn thuê “côn đồ” với giá 500.000 đồng để đánh đập giáo dân?! Mức độ xác thực của những thông tin này đến đâu, diễn biến vụ việc có được phản ánh bằng cái nhìn đa chiều hay không, cần phải được xem xét và phân tích!
Thứ nhất, tính xác thực của các thông tin được đăng tải đặt ra nhiều nghi vấn. Dễ bắt gặp thông tin “nhiều giáo dân bị đánh đập dã man, nhiều người bị bắt đi” lặp đi lặp lại, nhưng không thấy nguồn tin nào đăng tải cụ thể về những giáo dân bị đánh, bị bắt. Ảnh minh hoạ trên chính các trang thông tin này cho thấy, lực lượng công an và quân đội tạo thành hàng rào bảo vệ với khiên và dùi cui, nhưng không hề có ảnh nào cho thấy công an đánh đập dân, truy đuổi vào tận nhà dân như đưa tin.
Giả như sự việc có diễn như vậy, xin hỏi tại sao không thấy đưa ảnh, hay vì một số giáo dân tụ tập trước cổng UBND xã Nghi Phương không hoàn toàn “ôn hoà” và “vô tội” như nêu trong bài nên không dám đưa ảnh? Về việc công an vào nhà dân đập tượng thánh hay công an vào bệnh viện cản trở việc chữa trị cho giáo dân bị thương, ảnh minh hoạ là 1 vài bức tượng bị sứt, mẻ hay vài người nằm trên giường bệnh chứ tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cảnh sát đâu? Vậy, những thông tin đã đưa như ở trên liệu có mang tính quy chụp, thậm chí không loại trừ khả năng là vu cáo, dối trá, giàn dựng nhằm bôi nhọ uy tín của các chiến sỹ công an và chính quyền?
Thứ hai, sự thiếu đồng bộ trong tin tức đăng tải, đặt ra câu hỏi về động cơ phía sau các bài viết. Có kênh thông tin thì nói vu vơ “nhiều”, “một số” (trang thông tin của Giáo phận Vinh), có kênh khá hơn thì “khoảng 9, 10 người”, “khoảng 300”, “khoảng 1000” (Đài Á châu tự do). Cũng có những kênh khẳng khái đưa ra con số “7 người bị thương nghiêm trọng”, “20 người được đưa đến bệnh viện” mà không nêu cụ thể nguồn tin. Như vậy, chính các kênh thông tin kể trên cũng nắm bắt thông tin một cách “tù mù”, thiếu xác thực, để rồi “mạnh ai nấy đưa”!
Nực cười hơn nữa, thông tin “dị bản” còn được đăng tải bởi cùng 1 kênh thông tin. Trên trang web của Đài Á châu tự do bản tiếng Việt, có bài “Công an nổ súng trấn áp giáo dân” (ngày 4-9) đưa tin “giáo dân thuộc 2 giáo họ Trại Gáo và Thanh Sơn (...) đến tại Uỷ ban nhân dân xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để đòi thực hiện lời hứa trả tự do cho 2 giáo dân bị bắt...”, không hề nhắc đến khái niệm “biểu tình”. Không mảy may đả động đến lý do tại sao công an và quân đội lại sử dụng bạo lực để đàn áp giáo dân, bài viết này mặc nhiên cho rằng người dân hoàn toàn bị động trong vụ việc.
Cũng trên chính trang web này, nhưng phiên bản quốc tế, 1 bài viết bằng tiếng Anh với tựa đề (dịch) “Công an Việt Nam nổ súng, đàn áp giáo dân biểu tình”, khái niệm “biểu tình” được nhắc đến liên tục trong bài, mâu thuẫn với bài viết đã nói ở trên về việc người dân kéo đến Uỷ ban nhân dân xã để “làm việc” một cách “ôn hoà”. Đồng thời, một số thông tin không xuất hiện trong bài viết trước (và bất kỳ kênh thông tin nào khác) như việc một bộ phận giáo dân khiêu khích công an, ném đá khiến 1 công an và một số người dân bị thương, cũng được đăng tải trong phiên bản bằng tiếng Anh này. Tại sao lại có sự phân biệt, sàng lọc thông tin tuỳ theo đối tượng người đọc như vậy, hay phải chăng người đưa tin tìm cách bưng bít thông tin ở 1 đằng và bất đắc dĩ phải đáp ứng yêu cầu thông tin đa chiều ở 1 phía?
Trang web chính thức của CNN: Không có bài báo nào về Việt Nam ngày 5/9
Thứ ba, một số kênh thông tin còn đưa tiếng nói quốc tế vào để tạo sức nặng, nhưng thực chất là bịa đặt, dối trá. Một bài viết với tiêu đề “Hãng tin CNN đưa tin việc công an, côn đồ đàn áp dã man giáo dân xứ Mỹ Yên - Việt Nam”, viết bằng tiếng Anh hẳn hoi, khiến người đọc giật mình: Vụ việc này nghiêm trọng đến đâu mà 1 hãng tin lớn như CNN cũng phải lên tiếng? Nhưng xem lại thì thấy bài viết được viết bằng 1 thứ tiếng Anh có phần... ngô nghê, và hơn hết, truy cập vào trang web chính thức của CNN thì chẳng có bài báo nào như vậy, và cũng chẳng có thông tin nào về vụ việc này! Để thấy, một số kênh thông tin không chính thống đang lợi dụng tên tuổi của các hãng tin có uy tín trên thế giới nhằm truyền bá hình ảnh, thông tin lệch lạc về diễn biến vụ hỗn loạn ở Mỹ Yên nói riêng và tình hình trong nước nói chung. Rõ ràng hành vi xuyên tạc sự thật, bôi nhọ uy tín của Nhà nước Việt Nam này nhằm phá hoại mối quan hệ quốc tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước và nhân dân Việt Nam - trái với mục đích hoạt động “vì nhân quyền, vì dân chủ” mà nhiều phe phái vẫn tuyên bố.
Kết lại, có thể thấy vụ hỗn loạn ở giáo xứ Mỹ Yên đang được một số nhóm người, tổ chức thổi phồng, xuyên tạc, có khả năng là nhằm phục vụ mục đích đen tối, phản động, phá hoại an ninh Quốc gia. Không dám khẳng định điều này nhưng có một sự thật hiển hiện là những kênh thông tin lên tiếng đòi Công Lý và Sự Thật đang tự biên, tự diễn tấn trò dối trá mà người đọc sáng suốt và khách quan sẽ nhìn ra chân tướng.
Điều đáng nói là, ngay cả đến 1 tổ chức tôn giáo chính thống được luật pháp công nhận như Toà Giám mục Xã Đoài, với trang thông tin mang tên Giáo phận Vinh, thông tin về sự việc diễn ra ngay chính tại nơi Tòa Giám mục đứng chân, cũng liên quan đến tấn trò của truyền thông không chính thống, thì liệu các con chiên trung thành với Chúa còn biết tin ai?
Hải Triều