Tăng cảnh giác với dịch cúm gia cầm tràn về từ Trung Quốc

27/02/2017 08:41

(Baonghean) - Mấy ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật tình hình cúm gia cầm ở “hàng xóm” Trung Quốc. Từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 2/2017, đã có gần 90 người Trung Quốc chết vì cúm gia cầm. Riêng tháng 2, ghi nhận hơn 340 ca nhiễm virus cúm gia cầm A (H7N9).

Sự gây hại của nó ảnh hưởng sâu rộng đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, đến sức khỏe của con người với nhiều hệ lụy. Cho nên, công cuộc phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm cần sự vào cuộc thực sự từ mỗi gia đình, ngõ xóm, khu vực dân cư…

Xịt thuốc khử trùng tại một chợ gia cầm ở tỉnh An Huy. Ảnh: AFP
Phun thuốc khử trùng tại một chợ gia cầm ở tỉnh An Huy (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Giới chức y tế Trung Quốc đã phải ban bố lệnh báo động nghiêm trọng trước sự bùng phát của dịch cúm gia cầm ở 16 tỉnh thành. Đây là đợt dịch cúm thứ 5 diễn ra ở Trung Quốc và theo thống kê từ cuối tháng 2/2013 cho đến nay đã có 1.174 người ở nước này bị nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9, trong đó có 417 ca tử vong.

Điều đáng lo lắng là việc thông thương giữa nhiều tỉnh của Trung Quốc với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam vẫn diễn ra hàng ngày. Việc kiểm soát đang được các cơ quan chức năng tăng cường, nhưng với khả năng phát tán nhanh của dịch cúm và sự chủ quan, lơ là của một số người dân, cán bộ ở vùng biên sẽ là một vấn nạn.

Bộ NN & PTNT nhận định: “Như vậy, nguy cơ virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm độc cực cao có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu”.

Cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam, đồng thời làm giảm thiểu mật độ lưu hành virus cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… ở trong nước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đàn vật nuôi, Bộ NN & PTNT phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017” trên toàn quốc, nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh. Thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 22/2 đến hết 21/3.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Tiêm phòng cho gia cầm sau mưa lụt góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Tiêm phòng cho gia cầm góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh Tư liệu

Sự lo lắng hoàn toàn có cơ sở khi một số địa phương trong nước đã xuất hiện dịch cúm trên gia cầm (H5N1). Không đâu xa, ngay tại Nghệ An, đã xuất hiện cúm gia cầm ở TP. Vinh, các huyện Diễn Châu, Đô Lương. Đáng lưu ý là ở Diễn Châu, trong tháng 2/2017 đã xuất hiện 4 điểm dịch cúm gia cầm H5N1 ở 4 xã khác nhau với hơn 1.700 con gia cầm phải tiêu hủy; cho thấy việc phòng chống dịch H5N1 đang gặp nhiều khó khăn.

Nếu như chủng dịch cúm khác gia nhập vào nữa thì công tác phòng, chống càng nhiều thách thức. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm ở người A(H7N9) đang hoành hành tại Trung Quốc có thể xâm nhập vào Việt Nam, ngày 23/2, Sở Y tế Nghệ An có Công văn số 365/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, bệnh cúm A(H7N9).

Công văn yêu cầu toàn bộ hệ thống của ngành Y vào cuộc phối hợp kiểm soát chặt chẽ từ biên giới, cửa khẩu, việc buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất cúm H5N1, H7N9 trên gia cầm; hạn chế người đi từ vùng dịch sang các vùng khác và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện thuốc men cho công tác phòng, chống dịch.

Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền và các ngành đang tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ; không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng tử vong do dịch cúm…

Về nguyên lý, tất cả quy trình phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban bố, thực hiện. Vì vậy, người dân cũng không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Thế nhưng, trong sự giao thương mở như hiện nay, cộng với ý thức kém của một số người dân, chúng ta không thể lơ là trước dịch cúm gia cầm.

Nguyên Nguyên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tăng cảnh giác với dịch cúm gia cầm tràn về từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO