Tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội

25/02/2015 10:34

(Baonghean) - Mỗi năm, ở Nghệ An có 25 lễ hội được cấp phép tổ chức tại 18/21 huyện, thành phố, thị xã. Quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề. Nhân dịp lễ hội đầu Xuân, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL xung quanh vấn đề trên.

(Baonghean) - Mỗi năm, ở Nghệ An có 25 lễ hội được cấp phép tổ chức tại 18/21 huyện, thành phố, thị xã. Quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề. Nhân dịp lễ hội đầu Xuân, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL xung quanh vấn đề trên.

Dâng lễ đầu năm tại đền Cờn (Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai). Ảnh: P.V
Dâng lễ đầu năm tại đền Cờn (Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai). Ảnh: P.V

P.V: Là tỉnh có rất nhiều lễ hội diễn ra vào dịp đầu Xuân, xin ông cho biết kế hoạch của Sở VH -TT và DL trong việc phân cấp tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015?

Ông Phạm Tiến Dũng: Đầu năm, công tác quản lý lễ hội được xếp vào danh sách những nhiệm vụ “nóng”, đòi hỏi các ngành chức năng phải dồn sức, tập trung nhiều nguồn lực cùng phối hợp tích cực với quyết tâm hạn chế tối đa những mặt trái trong lễ hội. Với vai trò là cơ quan quản lý, ngay từ đầu tháng 12/2014, Sở VH, TT và DL đã có công văn thông báo kế hoạch tổ chức lễ hội gửi đến tất cả các cấp liên quan.

Theo đó, năm 2015 trên địa bàn Nghệ An sẽ diễn ra 25 lễ hội (trong đó có cả lễ hội truyền thống cách mạng và lịch sử dân gian), gồm: Lễ hội cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ là Lễ hội Làng Sen gắn với kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu; Lễ hội cấp huyện gồm: Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Đền Vạn Lộc, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Quả Sơn, lễ hội Đền thờ Nguyễn Xí, Lễ hội Đền Đức Hoàng, Lễ hội Đền Thanh Liệt, Lễ hội Đền Bạch Mã, Lễ hội Làng Vạc, Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Đền Cuông, Lễ hội Môn Sơn Lục Dạ, Lễ hội du lịch Cửa Lò, Lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, Lễ hội Uống nước nhớ nguồn, Lễ hội Đền Hồng Sơn, Lễ hội Đền Hoàng Mười và Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào. Lễ hội cấp xã gồm: Lễ hội Pẩn pang - Nang ny, Lễ hội Pu Nhạ Thầu, Lễ hội Đền Cửa - Nghi Khánh. Ngoài những lễ hội trên, tỉnh ta còn có rất nhiều các lễ hội khác của các dân tộc, địa phương. Sở yêu cầu Trung tâm VHTT tỉnh, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng, Bảo tàng Tổng hợp, Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn; phòng và trung tâm VHTT các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa và các quy chế, quyết định, chỉ thị để lễ hội 2015 diễn ra nghiêm túc, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

PV: Vậy Sở VH-TT và DL đã có những chỉ đạo gì đối với công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Thời gian gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu đã có những chuyển biến tích cực: tình trạng chen lấn ở một số lễ hội giảm; hiện tượng hàng quán lộn xộn, chèo kéo du khách được hạn chế... Bắt đầu mùa lễ hội 2015, Sở VH,TT và DL đã tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các địa phương để đảm bảo mùa lễ hội an toàn, góp phần gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Sở phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện văn bản của Ngân hàng Nhà nước đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân. Yêu cầu ban tổ chức lễ hội nghiêm túc thực hiện, nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ trong khu vực di tích. Rút kinh nghiệm từ những mùa lễ hội trước, ngay từ cuối năm 2014, Sở VH-TT và DL đã chủ động lên kế hoạch chỉ đạo các địa phương có hoạt động lễ hội phải thực hiện tốt 3 yêu cầu.

Thứ nhất, tất cả các lễ hội phải xây dựng kịch bản nghiêm túc, đầy đủ, đúng trọng tâm. Tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội, riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao cổ truyền mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền.

Thứ hai, thống nhất phần lễ: Chủ tế nhất thiết phải là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBNDcấp tổ chức lễ hội; bài tế yêu cầu viết đúng nội dung, bám sát chủ đề, ngắn gọn, thời lượng khoảng từ 15 - 20 phút; các vật phẩm để tiến cúng phải đặt đúng yêu cầu nhưng vẫn đảm bảo đặc trưng của từng lễ hội.

Thứ ba, cấm triệt để các hình thức mê tín dị đoan, bói toán, các trò chơi có thưởng... làm ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa tâm linh của lễ hội. Đặc biệt chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, không đốt pháo nổ, vệ sinh môi trường sạch sẽ từ khi diễn ra cho đến ngày kết thúc lễ hội. Để làm tốt vấn đề này, ngoài sự vào cuộc của chính quyền sở tại, Sở phối hợp với phòng PA83 - Công an tỉnh và các ban, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra các tuyến QL 7, QL 48, QL 46, tập trung chủ yếu các huyện có nhiều lễ hội lớn như Lễ hội Đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên) Đền Cờn (TX. Hoàng Mai), Đền Quả Sơn (Đô Lương), Đền Cuông (Diễn Châu), Đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc), Lễ hội Vua Mai (Nam Đàn)… Mỗi nơi đều có một trưởng đoàn là cán bộ phụ trách di tích danh thắng hoặc di sản văn hóa cùng các thành viên chịu trách nhiệm kiểm tra từ khâu kịch bản, các hoạt động phần lễ, phần hội đến công tác tuyên truyền cổ động trực quan. Với mục đích huy động xã hội hóa công tác lễ hội, lễ hội là của nhân dân, đảm bảo nhu cầu văn hóa tâm linh cho nhân dân.

PV: Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng các vấn nạn bói toán, đốt vàng mã tràn lan, đặt tiền lẻ trên các bệ thờ… vẫn tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ tới bản sắc lễ hội truyền thống. Với vai trò cơ quan quản lý, ngành đã có những giải pháp cụ thể nào để khắc phục, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Có thể khẳng định rằng: Nhiều lễ hội vẫn còn tồn tại công khai những hoạt động không đẹp mắt như cờ bạc, bói toán, xóc thẻ; cảnh tượng khách đi lễ chen lấn, tranh giành tại nơi thờ tự, xả rác xuống khuôn viên di tích, đặt tiền không đúng nơi quy định; chèo kéo, đeo bám khách... Để giảm thiểu những tồn tại không đáng có này, trước hết chính quyền sở tại cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân thay đổi nhận thức, có ý thức hơn với việc bảo vệ di tích, bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, ban quản lý các di tích nơi diễn ra lễ hội cần quản lý chặt chẽ các hoạt động có hình thức biến tướng, cần xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm. Ngành VH,TT và DL đã giao cho Trung tâm VH-TT tỉnh, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tiến hành tập huấn về công tác quản lý lễ hội cho cán bộ phụ trách di sản văn hóa, ban quản lý đền, chùa... Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phân công giám sát các di tích theo từng tuyến đường. Yêu cầu các địa phương cấm triệt để các hiện tượng trên, nếu vi phạm sẽ bị đoàn kiểm tra liên ngành của Sở xử lý theo đúng quyết định của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội, từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và của mỗi người dân khi đến với mỗi lễ hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Thủy (Thực hiện)

Mới nhất
x
Tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO