Tăng cường công tác thu, giảm nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động

P.V 31/10/2022 11:47

(Baonghean.vn) - Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 kéo dài, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã đẩy mạnh các biện pháp nhằm đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch và đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

Cùng với việc tập trung phát triển số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác thu, giảm tỷ lệ nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp (gọi tắt là Bảo hiểm xã hội).

Nỗ lực trong công tác thu Bảo hiểm xã hội

9 tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tâm lý, thu nhập và hoạt động của các đơn vị sử dụng lao động, nên công tác tuyên truyền trực tiếp pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của nhiều chủ sử dụng lao động còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm, thậm chí cố tình chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và gây khó khăn cho công tác thu Bảo hiểm xã hội. Mặc dù vậy, với sự phối hợp của các ngành, các cấp; sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, viên chức Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 9/2022, tổng số thu Bảo hiểm xã hội toàn tỉnh đã đạt gần 5.500 tỷ đồng, đạt 70,17% so với kế hoạch thu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao; tăng 298,6 tỷ đồng (tăng 5,44%) so với cùng kỳ năm 2021.

Đại diện BHXH tỉnh làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh về vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT. Ảnh: Đình Tuyên

Ông Hoàng Quang Phúc - Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Để có được kết quả trên, trong suốt thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An luôn sát sao chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã thực hiện các giải pháp đôn đốc thu theo chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng thời khuyến khích các đơn vị linh hoạt thực hiện những giải pháp đôn đốc thu phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Cụ thể: Ngay từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch thu, giao chỉ tiêu về công tác thu cho Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã; đồng thời, chủ động báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan để tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện giao chỉ tiêu thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và tỷ lệ nợ cho từng cán bộ chuyên quản, gắn việc xếp loại viên chức hàng quý với kết quả thực hiện tại đơn vị được phân công; Hàng tháng tổ chức làm việc với các đơn vị đang nợ đóng Bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, nhằm lắng nghe chia sẻ của các đơn vị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để có sự hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cùng đơn vị; đồng thời, đôn đốc các đơn vị trong việc nộp Bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động...

Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn tuyên truyền người dân tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện. Ảnh: Đình Tuyên

Đặc biệt, với những đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, đã có cam kết đóng Bảo hiểm xã hội nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết, những đơn vị không hợp tác trong quá trình đôn đốc nợ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành Quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất, tính đến ngày 30/9/2022, thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 143 đơn vị, số tiền thu được sau thanh tra là 10,5 tỷ đồng, chiếm 29,22% số nợ tại thời điểm ban hành quyết định thanh tra.

Mặc dù đã cố gắng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác thu, giảm nợ Bảo hiểm xã hội, nhưng tỷ lệ nợ Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao, chiếm tỷ lệ 5,63% so với số phải thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Trong đó, số nợ của khối doanh nghiệp có tỷ lệ lớn nhất, với số tiền nợ 376.145 triệu đồng, chiếm 85,33% tổng số nợ. Tại các buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân nợ đọng kéo dài là do sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị bước đầu khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn chậm nên chưa có khả năng thanh toán các khoản nợ.

Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa của BHXH Nghệ An. Ảnh: Đình Tuyên

Ngoài ra, theo ông Hoàng Quang Phúc, lý do dẫn đến việc nợ đọng Bảo hiểm xã hội tại nhiều doanh nghiệp là do đơn vị chưa thực sự quan tâm thực hiện các chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Việc xử lý tiền nợ đọng Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích hết sức khó khăn. Giải pháp tổ chức công đoàn kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa lại khó triển khai do những vướng mắc về thủ tục; còn biện pháp cứng rắn nhất là xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn chưa được áp dụng, chưa có chủ sử dụng lao động nào bị khởi tố, xử lý do quan điểm về hành vi “trốn đóng bảo hiểm xã hội” chưa có sự thống nhất cao giữa các cơ quan tố tụng.

Đẩy mạnh giải pháp tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ

Tình trạng nợ đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, ảnh hưởng xấu tới uy tín và sự phát triển của đơn vị.

Ông Lê Viết Thức - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hỗ trợ đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp và có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn: Rà soát rút giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị không hoạt động; Thực hiện phá sản, giải thể các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ kéo dài, ngừng hoạt động; Chỉ đạo các ngành Công an, Tòa án, Thi hành án… xử lý nghiêm các đơn vị cố tình trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động, chiếm dụng tiền đóng của người lao động. Đề nghị các ngành (đặc biệt là Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát) phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tập trung công tác tuyên truyền pháp luật về Bảo hiểm xã hội, các chế tài, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính, hành vi tội phạm trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội để nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động và người lao động.

Đoàn viên, thanh niên BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Đồng thời, tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin về số dư khả dụng các các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để việc cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính đạt hiệu quả.

Nợ đóng BHXH, BHYT và những hệ lụy của việc nợ đóng Bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Ảnh: BHXH Nghệ An

Việc tăng cường các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động là rất cần thiết. Cùng đó, cần tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động. Bản thân mỗi người lao động cũng cần phát huy vai trò giám sát nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội của đơn vị, doanh nghiệp./.

Mới nhất

x
Tăng cường công tác thu, giảm nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO