Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết

12/01/2015 16:34

(Baonghean) - Dịp tết Nguyên đán nhu cầu thực phẩm tăng cao, theo đó, việc đảm bảo vệ sinh an toàn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng cũng như các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động vật tại các khu giết mổ, chế biến và vận chuyển các mặt hàng này còn nhiều bất cập.

Để có được thực phẩm an toàn, ngoài thực hiện tốt quy trình chăn nuôi sạch tại các trang trại và gia trại thì công tác đảm bảo vệ sinh trong các khâu giết mổ, chế biến và lưu thông thực phẩm tươi sống cần phải quan tâm.

Những năm gần đây, tỉnh ta đã chú trọng đến công tác kiểm soát tại các cơ sở giết mổ nhưng thực tế cơ sở vật chất tại các lò giết mổ còn lạc hậu. Hiện tại, Nghệ An có 32 cơ sở giết mổ tập trung được kiểm soát thì toàn bộ các cơ sở này đều chỉ được xếp loại B, nghĩa là chỉ mới “chạm chuẩn” về các yêu cầu theo quy định.

Ngoài ra, hàng chục lò mổ tự phát càng khó đạt chuẩn, bởi việc giết mổ diễn ra nhỏ lẻ và thiếu đầu tư thiết bị, cở sở hạ tầng. Điều đó cho thấy việc bảo đảm vệ sinh tại các khu giết mổ hiện nay đang là vấn đề nan giải, khó giải quyết triệt để. Các cơ sở chưa tách bạch giữa khu vực giết mổ, sơ chế bước đầu và nơi để thịt sạch. Công đoạn lấy nội tạng cũng không có các kệ đỡ hợp vệ sinh, dụng cụ giết mổ cũng như vận chuyển thịt chưa được chú trọng khử trùng.

Lò giết mổ tập trung tại xã Hưng Chính (TP. Vinh).
Lò giết mổ tập trung tại xã Hưng Chính (TP. Vinh).

Cơ sở giết mổ tập trung của xã Hưng Chính - một trong những đơn vị làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh giết mổ của thành phố với diện tích xây dựng là 300m2. Có thể nói, để “đạt chuẩn” thì chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng. Tại khu vực này, các khu vực nhốt gia súc sống và khu chứa các chất thải bằng hầm tự hoại có dung lượng 50m3 được tách biệt. Diện tích còn lại là hồ nuôi cá nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng phụ cận.

Để đảm bảo công tác kiểm dịch, Trạm Thú y Thành phố Vinh đã cử 1 cán bộ thú y về trực tiếp công tác ở lò để trực tiếp kiểm tra, kiểm dịch trước khi đưa vào lò. Sản phẩm thịt khi đưa ra thị trường được cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch.

Theo anh Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Chính, cơ sở này giết mổ từ 30 đến 40 con lợn/ngày để cung cấp chủ yếu cho thị trường thành phố. Hiện nay, khó khăn nhất vẫn là vận động các hộ làm nghề giết mổ gia súc trên địa bàn đưa gia súc tập trung vào lò mổ. Đồng thời, trong quá trình xây dựng và vận hành, chi phí sửa chữa thiết bị khá tốn kém. Việc đầu tư lò mổ đạt chuẩn cần nhiều chi phí và tuân thủ các yếu tố về y tế hết sức nghiêm ngặt nên nhìn chung nhiều cơ sở còn “xa chuẩn”.

Về công tác kiểm dịch động vật trên địa bàn cũng còn nhiều phức tạp. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vụ thu 2014 và tiêm phòng bổ sung đạt thấp. Việc đảm bảo tiêm phòng cho hơn 690 nghìn con trâu, bò, hơn 970 nghìn con lợn và hơn 15 triệu con gia cầm toàn tỉnh là điều không phải dễ dàng. Riêng tháng 11 và 12/2014 đã xảy ra các ổ dịch lở mồm long móng gia súc tại một số địa bàn.

Mặc dù, dịch bệnh được kiểm soát kịp thời nhưng thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường dẫn đến dịch bệnh gia súc, gia cầm khó lường hơn. Trong khi đó, việc vận chuyển, mua bán thực phẩm trong dịp Tết lại tăng cao, tình hình buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc hay không có giấy chứng nhận kiểm dịch còn diễn ra phức tạp. Mặc dù vẫn chưa tới thời kỳ cao điểm nhưng trong những tháng qua, theo cơ quan chức năng, đã có 58 vụ vận chuyển trái phép với hơn 230 nghìn con gia cầm, 681 con lợn, 43 con trâu, bò và gần 5 nghìn quả trứng.

Đối với thực phẩm tươi đã qua giết thịt và sơ chế vẫn còn tình trạng vận chuyển thịt có dấu hiệu bệnh dịch, hôi thối và không đạt vệ sinh với hơn 6.000 kg, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là gần 4.300 kg nội tạng, 340 kg thịt lợn, 460 kg lạp xưởng… Ngoài ra, còn có hơn 16 trường hợp kiểm dịch lại và quay về nơi xuất phát với hơn 18 nghìn con gia cầm và 948 con lợn.

Hiện trên địa bàn Thành phố Vinh có hơn 10 tụ điểm buôn bán, 16 chợ và nhiều siêu thị tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm. Tại chợ Vinh, ông Trịnh Xuân Tiến – Trưởng Ban Quản lý các mặt hàng thực phẩm cho biết: “Hiện trong chợ có hơn 50 quầy bán thịt lợn và 25 quầy bán thịt gà, vịt. Các chủ quầy hàng có nguồn gốc cung cấp chủ yếu từ địa bàn các huyện: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương và Yên Thành. Trong thời gian cận Tết, các quầy bán thịt sẽ còn tăng lên theo nhu cầu của thị trường.

Như vậy, việc tiến hành kiểm soát số thực phẩm được bày bán tại khu vực chợ cũng đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải khi mà số lượng thịt tiêu thụ không hề nhỏ...”. Trao đổi về vấn đề đảm bảo vệ sinh nguồn thực phẩm tươi sống trong thời gian trước, trong và sau Tết, ông Bùi Văn Đoan, Trưởng phòng kiểm dịch động vật Chi cục Thú y Nghệ An cho biết: “Hiện tại đơn vị đã cử 14 cán bộ chuyên môn hằng ngày kiểm tra và giám sát tình trạng an toàn của thực phẩm ở các chợ, siêu thị và lò giết mổ. Trong thời gian gần Tết có thể huy động thêm cán bộ để có thể sâu sát hơn thực tế thị trường.

Đặc biệt đối với Trạm Kiểm dịch Bắc Nghệ An - nơi kiểm dịch phần lớn các thực phẩm vận chuyển vào địa bàn tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo Trạm bố trí lực lượng trực gác 24/24, chủ động phối hợp với Công an Thị xã Hoàng Mai, Đội cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua trạm. Tất cả nhằm tập trung nâng cao hiệu quả công tác kiểm dịch để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho Tết Nguyên đán”.

Thanh Quỳnh

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO