Tăng cường đầu tư cho thiết bị giáo dục
(Baonghean) - Thiết bị giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, khắc sâu kiến thức lý thuyết...
(Baonghean) - Thiết bị giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, khắc sâu kiến thức lý thuyết bằng thực tiễn theo nguyên tắc “học đi đôi với hành”. Vì thế, mấy năm gần đây, Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An đều có công văn chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm, sử dụng, bảo quản thiết bị, đẩy mạnh dạy học thực hành, và có quy định bắt buộc những tiết học phải sử dụng đồ dùng trên cơ sở khối lượng đồ dùng được cung ứng nhằm khai thác tối đa hiệu quả thiết bị. Tỷ lệ tiết học sử dụng thiết bị đạt từ 75% - 98%, nhất là các môn Ngoại ngữ, Tin học đạt 100%. Cùng với đó, Sở cũng đã khuyến khích các trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học.
Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị giáo dục ở các trường phổ thông chủ yếu được cấp trong giai đoạn 2001 – 2008, đến nay nhiều thiết bị đã hư hỏng, xuống cấp. Nguồn kinh phí từ “Chương trình mục tiêu bổ sung mua sắm thiết bị giáo dục phục vụ đổi mới chương trình phổ thông” lại khá hạn hẹp, không đáp ứng được mua sắm, bổ sung các thiết bị hao hụt, hư hỏng và nguồn này cũng chỉ có trong 2 năm 2009, 2010. Điều này dẫn đến thực trạng thiết bị giáo dục ở các trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Đơn cử như Trường THCS Hà Huy Tập (Thành phố Vinh) - trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, đang chuẩn bị công nhận chuẩn mức độ II. Theo danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành, các trường cần có 789 loại thiết bị. Nhưng tại thời điểm rà soát vào tháng 10/2012, nhà trường chỉ có 483 loại, chiếm 61%, trong đó có 63 loại đã hư hỏng và có khoảng 13% trong số thiết bị hiện có chưa sử dụng hoặc không sử dụng được. Không riêng Trường THCS Hà Huy Tập mà ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh hiện nay đều đang “rơi” vào tình trạnh thiếu thiết bị dạy học, nhất là ở các trường, điểm trường ở khu vực miền núi.
Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh kiểm tra các thiết bị đồ dùng dạy học tại Trường THCS Hà Huy Tập (TP. Vinh).
Bên cạnh thiếu thiết bị, chất lượng, hiệu quả sử dụng thiết bị ở các trường học cũng còn những điều băn khoăn. Ghi nhận ý kiến phản ánh của giáo viên ở một số trường học, cho thấy có những thiết bị không đảm bảo được độ chính xác cao như nhiệt kế…, thậm chí có một số dụng cụ thí nghiệm sai cơ bản về kiến thức. Từ những bất cập đó, cô Võ Thị Phương Hoa – Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập kiến nghị: “Trước khi bàn giao cho các trường học, các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm định chất lượng các thiết bị giáo dục giống như các mặt hàng hóa khác; đồng thời chỉ nên cho phép các đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực thiết bị giáo dục được cung ứng các thiết bị giáo dục, đảm bảo các thiết bị đưa vào sử dụng thực sự phát huy hiệu quả”.
Ngành Giáo dục đang tăng cường đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục, thông qua việc đưa các thiết bị vào mỗi tiết học, cũng như nâng cao tỷ lệ thời gian sử dụng thiết bị thực hành trong các tiết học. Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí đang là trở ngại chính khiến công tác đầu tư mua sắm thiết bị giảng dạy, xây dựng phòng chức năng thực hiện cầm chừng hoặc không thể thực hiện tại những trường không có điều kiện. Ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng: Để giải bài toán về thiết bị giáo dục, Trung ương cần có chương trình mục tiêu quốc gia về thiết bị dạy học, cân nhắc ưu tiên kinh phí cho ngành Giáo dục, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Tỉnh cần ban hành nghị quyết về tăng ngân sách phục vụ cho lĩnh vực thiết bị giáo dục trong các trường học bậc phổ thông. Các trường học cũng cần phải thể hiện sự nỗ lực, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư mua sắm thiết bị dạy học.
Bài, ảnh: MAI HOA