Tăng cường đối ngoại nhân dân, vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào

14/04/2015 09:08

(Baonghean) - Để vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào và duy trì tốt an ninh vùng biên, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với các tỉnh biên giới của nước bạn Lào chỉ đạo tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới theo mô hình “bản với bản”. Dù mới được triển khai trong vòng 1 năm, song hoạt động kết nghĩa đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Kết mối thâm giao

Chúng tôi đến Nậm Táy (Cụm bản Viêng Phăn, tỉnh Hủa Phăn, Lào) - bản kết nghĩa với bản Mường Phú, xã Thông Thụ, Quế Phong vào một ngày đầu tháng 4, Trưởng bản Xây Và phấn khởi cho biết: “Bản có 160 hộ/800 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông, người dân chủ yếu sống nhờ nương rẫy, trồng trọt. Trước kia, dân trong bản chỉ trồng lúa, thu nhập rất thấp. Nhưng từ năm 2013, được bà con người bản kết nghĩa Mường Phú giúp đỡ về cá giống, đồng bào vui lắm, vừa có thêm việc để làm, lại vừa có thu nhập”. Chỉ cho chúng tôi khu vực sắp tới sẽ được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và thêm 3 ngôi nhà đại đoàn kết nữa sắp được khởi công nhờ hoạt động kết nghĩa mang lại, ông Xây Và luôn miệng: “Bản ta vui lắm, rồi đây sẽ có nơi để sinh hoạt tập thể cho bà con. Cảm ơn bản Mường Phú, cảm ơn Bộ đội biên phòng Việt Nam nhiều, nhiều lắm…”.

Ký kết nghĩa giữa bản Xốp Tường, cụm bản Nậm On, huyện Xaychămpon,  tỉnh Bôlykhămxay (Lào) với thôn 3, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương.
Ký kết nghĩa giữa bản Xốp Tường, cụm bản Nậm On, huyện Xaychămpon, tỉnh Bôlykhămxay (Lào) với thôn 3, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương.

Không riêng Trưởng bản và người dân ở bản Nậm Táy phấn khởi, mà người dân bản Mường Phú cũng vui mừng không kém. Ngôi nhà của ông Lô Văn Lan, lâu nay trở thành nơi tụ họp chung của người dân hai bản Nậm Táy và Mường Phú. Ông Lan bày tỏ: “BĐBP đã giúp bà con hai nước xích lại gần nhau, trở thành một nhà. Khăng khít, gắn bó hơn, không ưng cái bụng sao được”. Giờ thì người dân hai bản Nậm Táy và Mường Phú đã coi nhau như người nhà, cùng đón hai cái Tết với những nét văn hoá đặc trưng. Tết cổ truyền của Việt Nam thì bà con bản Nậm Táy sang bản Mường Phú nhảy sạp, uống rượu cần, ăn bánh chưng; Tết Bunpimay của Lào thì bà con Mường Phú kéo nhau sang bản Nậm Táy cùng té nước và say trong điệu múa lăm vông ngọt ngào…

Sau 1 năm kết nghĩa, cụm bản Phù Khả 1 (xã Na Ngoi, Kỳ Sơn) với bản Nậm Ngạt (huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) cũng đã để lại nhiều dấu ấn. Ông Mùa Bá Lỉa, người dân bản Phù Khả 1, hồ hởi khoe: “Trước đây trâu, bò bên bản hay “vượt rào” sang đất Nậm Táy, bà con phải đi chuộc từ vài trăm nghìn trở lên. Giờ thì không còn chuyện đó nữa. Đã có cam kết rồi, mọi việc từ nhỏ đến lớn, chỉ cần các già làng ngồi lại với nhau là ổn thỏa hết...”. Trung tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi, cho biết: Trước đây, việc qua lại hai bên biên giới nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, một mặt bà con chưa hiểu rõ về pháp luật biên giới nên xảy ra xâm canh, xâm cư. Từ khi các bản kết nghĩa, bà con luôn tuân thủ đúng quy chế kết nghĩa, những vi phạm cũng không còn, tình hình an ninh trật tự biên giới cũng được đảm bảo.

Đến nay huyện Kỳ Sơn đã có 11 xã kết nghĩa với các cụm bản thuộc huyện Nọong Hét (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào). Ông Lang Thanh Lương - Phó ban Tuyên giáo huyện Kỳ Sơn cho biết: Từ ngày kết nghĩa “bản - bản”, nhận thức người dân hai bên biên giới đã có sự thay đổi đáng kể. Từ việc nhỏ đến chuyện lớn, bà con đều biết đối chiếu theo quy định pháp luật, Hiệp định về quy chế biên giới để làm rõ lẽ đúng sai. Nhà nào có dâu hoặc rể người Lào thì cha mẹ đã biết nhắc nhở vợ, chồng, con mình đến UBND xã để đăng ký kết hôn. Bà con giúp đỡ nhau làm kinh tế, làm đường giao thông nông thôn, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao hay có thể tự đứng ra giải quyết mâu thuẫn, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc…

Vun đắp tình hữu nghị

Nghệ An có 419 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Để duy trì tốt an ninh trên biên giới của 2 nước lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay nhận thức rõ cần tăng cường công tác đối ngoại nhân dân. Ngày 18/8/2013, tại Thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc hội đàm với các tỉnh của Lào về việc tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Tại buổi làm việc, trên tinh thần tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi, bàn bạc đi đến thống nhất việc tổ chức phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn tuyến biên giới tỉnh Nghệ An, nước CHXHCN Việt Nam với địa bàn biên giới 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay nước CHDCND Lào. Nội dung kết nghĩa tập trung vào các vấn đề: Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân hai bên biên giới về chủ trương, chính sách, pháp luật của mỗi nước, nhất là về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, Hiệp định, Quy chế biên giới mà hai nước đã ký kết; Giúp nhau trong việc trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự ngay các thôn bản; Cán bộ, nhân dân hai bên biên giới phối hợp cùng nhau bảo vệ nguyên trạng đường biên, giữ gìn hệ thống mốc quốc giới; Thường xuyên nắm chắc tình hình có liên quan đến an ninh trật tự và chủ động kịp thời trao đổi thông tin, đồng thời phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vượt biên, xâm pham chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm tài nguyên, phá hoại môi trường hai bên biên giới; Tăng cường phối hợp phòng, chống di dịch cư tự do, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, buôn bán vận chuyển và sử dụng ma túy, buôn bán người qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật…

Phối hợp với lực lượng nước bạn Lào tổ chức tuần tra song phương bảo vệ đường biên, cột mốc
Phối hợp với lực lượng nước bạn Lào tổ chức tuần tra song phương bảo vệ đường biên, cột mốc

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của BĐBP tỉnh, đến nay đã có 18/18 cặp bản trên tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Nghệ An kết nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực. Nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, xâm canh, xâm cư, lấy chồng, lấy vợ không được sự nhất trí của chính quyền mỗi bên đã giảm hẳn. Việc đi lại, thăm thân, trao đổi, mua bán hàng hóa giữa nhân dân hai nước cũng thuận lợi hơn. Kể từ khi triển khai phong trào kết nghĩa, bà con nhân dân trên tuyến biên giới đoàn kết hơn, cùng tôn trọng pháp luật, quy chế hiệp định biên giới. Những giao ước kết nghĩa trở thành thước đo đánh giá, giải quyết các vấn đề phát sinh trên cơ sở luật pháp hai nước.

Tính đến nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương các bản của Nghệ An đã giúp các bản của Lào về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, cải tạo ao, chuồng; hỗ trợ các bản kết nghĩa 50kg cá giống. Các bản của Lào đã giúp nhân dân các bản kết nghĩa của Việt Nam hơn 1,3 tấn sắn giống và các loại rau, củ, quả để trồng trọt. Thông qua hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 68 hộ/358 khẩu người Mông di cư trái phép sang Lào, 6 vụ/15 đối tượng buôn bán phụ nữ, giải cứu 15 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Phát hiện, bắt giữ, xử lý 92 vụ/114 đối tượng, thu 74 bánh heroin; 1 gam ma túy đá; 10 gam thuốc phiện; 8.425 viên ma túy tổng hợp và nhiều tang vật liên quan khác… Đặc biệt, vào các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền dân tộc của 2 nước, chính quyền và bà con thôn bản kết nghĩa 2 bên đều tổ chức đến thăm hỏi, chúc mừng, chung vui, tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị anh em. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục, thể thao giữa các bản thường xuyên được tổ chức, góp phần giới thiệu, giữ gìn bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, góp phần làm lành mạnh, phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới.

Đại tá Trần Minh Công, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng Nghệ An, khẳng định: Kết nghĩa “bản- bản” là mô hình sáng tạo trong công tác dân vận, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Vì vậy đây sẽ là nội dung được tiếp tục triển khai, nhân rộng trong những năm tới.

Quảng An

Mới nhất
x
Tăng cường đối ngoại nhân dân, vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO