Tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân

05/10/2015 07:50

(Nhân hội nghị biểu dương điển hình dân vận khéo toàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí HỒ ĐỨC PHỚC, Bí thư Tỉnh ủy)

(Baonghean) - Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã từng dạy: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt chặng đường đổi mới Đảng ta đã ra sức chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất giữa dân với Đảng, giữa Đảng với dân. Mối quan hệ máu thịt đó tạo nên sự đồng thuận lớn trong nhân dân, là tiền đề để xây dựng đảng trong thời kỳ mới: là đạo đức, là văn minh.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ (Quế Phong) giúp dân bản tuốt lúa. Ảnh: Nguyên Sơn
Cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ (Quế Phong) giúp dân bản tuốt lúa. Ảnh: Nguyên Sơn

Tại Đại hội VI Đảng ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết 8b-NQ/HNTW về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết được quán triệt đã tạo nên sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về vị trí, vai trò, sự cần thiết phải đổi mới công tác dân vận. Khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong công tác dân vận trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị khóa X cũng đã ra Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/2/2010 ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó, quy định rõ: "Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân". Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII cũng đã quán triệt vai trò trong công tác dân vận, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động kịp thời nắm bắt tình hình trong nhân dân những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc có dư luận để phản ánh cho Đảng, chính quyền xử lý, góp phần làm yên dân, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Cán bộ địa phương phối hợp đơn vị thi công vận động các hộ xóm 6, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) bàn giao mặt bằng thi công QL1. Ảnh: T.N
Cán bộ địa phương phối hợp đơn vị thi công vận động các hộ xóm 6, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) bàn giao mặt bằng thi công QL1. Ảnh: T.N

Để thực hiện thắng lợi chủ trương đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định số 2138 – QĐ/TU về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An, Quyết định số 2954 – QĐ/TU ngày 4/10/2012 về ban hành Đề án xây dựng cốt cán tôn giáo; Quyết định số 2924 – QĐ/TU ngày 30/8/2012 về ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại với nhân dân; các Đề án 06, 08, 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25 - NQ/TW về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới; Đề án số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị về Nghệ An và Quyết định 217, 218 - QĐ/TW về Quy chế giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Thấm nhuần tư tưởng đó, công tác dân vận luôn đi trước một bước. Có nhiều vụ việc, sự việc nhờ công tác dân vận được coi trọng và chủ động mà đã đạt được những kết quả quan trọng như trong các vấn đề về ổn định chính trị vùng đặc thù, trong việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, trong việc giữ vững ổn đinh chính trị kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Để có được những thành quả đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết về công tác vận động quần chúng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở trên cả 3 loại hình xã, phường, thị trấn; cơ quan, doanh nghiệp. Kết quả là 21/21 huyện, thành, thị đã triển khai xây dựng được 31 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã làm chuyển biến phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể. Số đông cán bộ, đảng viên sâu sát cơ sở, gần dân, biết dựa vào dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của dân. Từ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, không để dân kéo đông người lên khiếu kiện ở Trung ương. Lòng dân yên vui, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Việc ban hành các đề án thực hiện Nghị quyết số 25 về dân vận khéo đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong việc xây dựng mô hình dân vận khéo ở các cấp chính quyền, các đoàn thể. Các mô hình dân vận khéo được triển khai trên tất cả các mặt của đời sống, từng bước nâng cao hoạt động dân vận, đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu, từng bước nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, kịp thời xử lý những tồn đọng, vướng mắc. Hằng năm các địa phương đã bình chọn, suy tôn, biểu dương mô hình, điển hình dân vận khéo từ cơ sở đến huyện; làm tốt việc kiểm tra, thẩm định mô hình dân vận khéo để suy tôn. Nếu năm 2011 có 367 mô hình, thì tới năm 2015 đăng ký xây dựng 2.500 mô hình.

Để công tác dân vận đoàn thể đạt hiệu quả, là đầu mối quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân, bám dân, sát dân, giúp dân là vấn đề mấu chốt. Ban Dân vận các cấp đã tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Vận động quần chúng hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, “Xung kích tình nguyện vì miền Tây”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Việc triển khai thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính cũng được đẩy mạnh. Ban Dân vận các cấp đã tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nhằm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong tất cả các cấp, các ngành. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý, giải quyết các vụ nổi cộm, bức xúc trên địa bàn. Công tác dân vận chính quyền đã có bước chuyển biến về nhận thức và hành động, từ đó góp phần xây dựng đạo đức công vụ, nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của cán bộ chính quyền các cấp.

Tỉnh ta đã, đang thực hiện về Quyết định 2355/ QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây, nên công tác dân vận cũng được coi trọng để đi trước vận động nhân dân nâng cao nhận thức, thông suốt tư tưởng trong thực hiện các chủ trương giải phóng mặt bằng triển khai các đề án về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây; các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chống di, dịch cư tự do, chống truyền đạo trái pháp luật, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đáng chú ý, để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Ban Dân vận đã tham mưu ban hành Đề án số 10 về “Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh”, nhất là trong giải quyết vụ việc đột xuất, bức xúc, nổi cộm. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc triển khai đề án tại địa phương, các cấp ủy đã đưa nội dung của đề án vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để triển khai thực hiện. Đến nay cơ bản các nội dung trong Đề án số 10 - ĐA/TU đã được triển khai thực hiện có hiệu quả; các vụ việc bức xúc, nổi cộm nêu trong đề án như: Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Trại lợn giống ngoại Thái Dương (Đô Lương), vấn đề HTX Bốc xếp Bến Thủy, HTX Trung Đô, vấn đề tranh chấp đất đai tại Giáo xứ Cẩm Trường (Quỳnh Lưu), Giáo xứ Xuân Mỹ (Nghi Lộc); vấn đề tranh chấp đất đai giữa nông, lâm trường với người dân tại Quỳ Hợp, Quỳ Châu… đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành liên quan cùng Ban Dân vận của tỉnh tập trung vận động, thuyết phục nhân dân, kết hợp với giải quyết đồng bộ các chính sách của Nhà nước theo hướng có lợi cho dân, nên cơ bản đã giải quyết xong, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và triển khai công tác dân vận đây đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm. Công tác tham mưu, triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng ở một số ngành, địa phương chưa tích cực, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng mô hình của MTTQ và các đoàn thể còn lúng túng, thiếu chủ động, hiệu quả còn hạn chế, chưa có mô hình lớn, có nơi xây dựng mô hình còn hình thức. Công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể còn thiếu chủ động, hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số sở, ngành, địa phương còn hạn chế, có nơi nặng về hình thức. Việc nắm bắt và tổng hợp tình hình nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, địa phương có lúc chưa kịp thời. Tình trạng quan liêu, gây phiền hà cho nhân dân vẫn diễn ra; ở một số nơi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng hiệu quả còn thấp. Việc phối hợp với các cấp, ngành để thẩm định một số đề án của Mặt trận Tổ quốc, chương trình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, song chủ yếu vẫn là nhận thức về trách nhiệm công tác dân vận của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa đúng mức. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận ở một số cơ sở chưa thường xuyên, lúng túng, bị động. Không đổi mới trong cách thức triển khai. Công tác tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của một số ban dân vận cấp ủy còn hạn chế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người làm công tác dân vận thiếu gương mẫu, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Sự phối hợp, kết hợp giữa các ban, ngành, tổ chức, lực lượng trong quá trình thực hiện công tác dân vận chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Vậy, để công tác dân vận thực sự là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, thứ nhất cần làm chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng, của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện công tác dân vận.

Thứ hai, kết hợp thật tốt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp với chương trình hành động về công tác dân vận và Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Trong đó, công tác dân vận phải hướng mạnh vào tham gia xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thật sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Thực hiện tốt Đề án xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 25 -NQ/TW về công tác dân vận, Quyết định 290 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tăng cường củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân vận, khối dân vận, của MTTQ và các đoàn thể ở vùng giáo, vùng dân tộc.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận phù hợp với tình hình mới… Từ đó, hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt và tổng hợp "trúng và đúng" tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, nhất là các vấn đề có ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân...

Thứ tư, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên quan tâm sâu sắc đến đời sống của nhân dân.

Công tác dân vận là hoạt động tương tác giữa Đảng với dân, giữa những con người cụ thể với cộng đồng và giai tầng xã hội vì sự phát triển phong trào chung trong một địa bàn và rộng hơn. Công tác dân vận vừa phải khoa học, đồng thời là nghệ thuật của công tác vận động, tập hợp quần chúng để tạo nên sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho các chỉ thị, nghị quyết cuả Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đang ra sức chăm lo./.

Tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO