Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản
Trong các ngày từ 13 đến 17/9, chương trình “Gặp gỡ Việt – Nhật 2012” sẽ là một trong những sự kiện quan trọng, mở đầu cho một loạt các hoạt động, sự kiện diễn ra sắp tới nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
Quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp trong những năm qua, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí lấy năm 2013 làm “Năm Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác chính trị giữa hai nước không ngừng được đẩy mạnh. Vào tháng 4/2009, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã ra Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, chính thức nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên thành Quan hệ Đối tác chiến lược.
Vào tháng 10/2010, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đến Việt Nam, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay Thủ tướng Yoshikiko Noda trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 10/2011 (Ảnh: VOV)
Tiếp đó, vào tháng 10/2011, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ra “Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản".
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên các lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác hàng đầu về thương mại và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.
Nhật Bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tính theo cả tổng vốn đăng ký cũng như vốn thực hiện. Năm 2011, dù phải khắc phục hậu quả động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân, Nhật Bản vẫn cam kết 2,7 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam, là mức cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước đạt 21,181 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 10,78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 10,40 tỷ USD. Việt Nam trở lại xuất siêu sau 2 năm liên tiếp nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nhật Bản. Kim ngạch thương mại hai nước 5 tháng đầu năm 2012 đạt 9,675 tỷ USD (tăng 29,5%). Hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020, dự kiến 40 tỷ USD.
Hợp tác giáo dục cũng đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Số lượng lao động và thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đạt 30.000 người trong giai đoạn 2006-2011. Hiện có khoảng 4000 lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Ước tính trong 4 tháng đầu năm 2012, có 2.137 thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản. Hiện Việt Nam đang đề nghị Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh trong lĩnh vực nông ngư nghiệp, chế biến nông – hải sản với số lượng nhiều trong thời gian tới. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA) 10/2011. Việt Nam là nước Đông Nam Á thứ 3 sau Philippines và Indonesia được Nhật Bản nhận điều dưỡng viên, hộ lý.
Về văn hóa, Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2004. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt – Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập. Nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức lễ hội tại mỗi nước.
Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường niên
giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản (Ảnh: SGGP)
Về du lịch, những năm gần đây, Nhật Bản luôn là một trong năm nước có số khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác triển khai nhiều dự án quan trọng như: Xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, khai thác, chế biến sâu đất hiếm, các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng quy mô lớn.... Thời gian qua, Nhật Bản rất tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai chiến lược công nghiệp hóa và là nước đầu tiên trong nhóm G7 chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Bên cạnh rất nhiều kết quả đáng mừng, quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản rất có cảm tình và quan tâm đến cơ hội đầu tư, du lịch tại Việt Nam. Đây là cơ hội thuận lợi Việt Nam cần tranh thủ để tăng cường thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động xúc tiến tổng hợp mang tầm quốc gia của Việt Nam tại Nhật Bản sẽ là thông điệp mạnh mẽ về mong muốn tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản.
Với mong muốn tăng cường các mối liên kết và thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Nhật Bản, “Gặp gỡ Việt – Nhật 2012” sẽ là sự kiện tiền đề trong một loạt các hoạt động, sự kiện nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản năm 2013. Sự kiện này nhằm mục tiêu: Truyền tải thông điệp “Coi trọng và phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản là chủ trương nhất quán và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; quyết tâm cùng Nhật Bản xây dựng quan hệ đối tác chiến lược tương xứng với tiềm năng của hai nước trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới”.
“Gặp gỡ Việt – Nhật 2012” sẽ là dịp để nhân dân Nhật Bản hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược.
Sự kiện này cũng nhằm tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản trong các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác như: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu; đồng thời, góp phần thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nghề, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Với những ý nghĩa như thế, “Gặp gỡ Việt – Nhật 2012” xứng đáng được coi là điểm hội tụ của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản./.
Theo (ĐCSVN) - L.T