Tăng cường quản lý kinh tế và kiểm tra, giám sát cán bộ

16/02/2012 18:29

(Baonghean) Sau nhiều vụ vỡ nợ tín dụng, "phù phép" đất đai, và mới đây là vụ Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh lừa đảo nhiều tỷ đồng để "chạy việc" cho thấy sự lợi dụng tín nhiệm, chức vụ để kiếm lợi bất chính của không ít cán bộ trong các ngành đã ở mức đáng báo động...

Chỉ cần truy cập Internet là bắt gặp hàng trăm tin, bài về bắt, khởi tố bị can cán bộ ngân hàng, tín dụng, địa chính ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thời điểm chủ yếu tập trung vào quý 2, quý 3, quý 4 năm 2011. Trong đó có những vụ việc 7 cán bộ, 4 cán bộ ngân hàng bị sa thải một lúc của Eximbanhk, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn... Ở Nghệ An cũng vậy, sau hàng loạt vụ vỡ nợ, danh sách cán bộ bị bắt lại nhiều thêm.

Chỉ mấy tháng cuối năm 2011, cơ quan công an đã khởi tố 2 bị can là Đặng Nam Hải - Trưởng phòng tín dụng cá nhân Ngân hàng Eximbank, Nguyễn Trọng Hưng - Cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã rút ruột của ngân hàng hàng chục tỷ đồng, 1 bị can là Chủ tịch UBND phường, 2 bị can là cán bộ địa chính và nguyên là cán bộ địa chính, 1 bị can nguyên là cán bộ Phòng Đô thị Thành phố Vinh, và mới nhất là chuẩn bị khởi tố bị can Bùi Xuân Lâm- nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh về tội lừa đảo.


Điểm chung nhất của những cán bộ bị bắt trên là hầu hết còn trẻ, công tác ở những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, ngân hàng hoặc cơ quan nhà nước khác, lại bị bắt vào cùng một thời điểm là nửa cuối năm 2011 và đầu năm nay. Mặc dù còn trẻ, nhưng những cán bộ này đều có sự "tinh vi" trong các chiêu bài lừa đảo, chiếm dụng: Lập hồ sơ khai khống để rút tiền ngân hàng, lập hồ sơ giả để làm bìa đất giả, hay như Bùi Xuân Lâm- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh thì chiêu của y nhận tiền hối lộ để "chạy việc", "chạy dự án", nhưng luôn luôn viết giấy vay tiền với những người đưa tiền cho y. Tính đến trưa ngày 15/2, đã có trên 80 đơn của nạn nhân tố cáo Bùi Xuân Lâm chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỷ đồng.


Theo Phòng ĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Nghệ An (PC 46) cho biết, điểm chung của các vụ việc liên quan đến cán bộ có chức vụ vi phạm pháp luật nói trên là: Lợi dụng sự sơ hở của pháp luật, của quản lý nhà nước và sự nhẹ dạ cả tin của mọi người, đánh vào lòng tham của con người, đánh vào nhu cầu quá lớn của hàng ngàn sinh viên ra trường chưa có việc làm, vào nhu cầu có việc làm, có hợp đồng, dự án của các công ty xây dựng.


Đại tá Đào Hồng Lập- Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và chức vụ Công an Nghệ An cho biết: Cái khó trong bảo vệ trật tự kinh tế là liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, các luật, quy định về kinh tế, cả những quy hoạch, chiến lược phát triển về kinh tế của Chính phủ và địa phương.

Đã là doanh nghiệp thì đều không muốn cảnh sát điều tra vào làm việc. Nhất là ở một ngành nhạy cảm như ngân hàng, lực lượng an ninh càng phải thận trọng. Lực lượng an ninh khi vào điều tra phải có chứng cứ, có lý do bảo vệ pháp luật, chứ không thể muốn vào là vào, xem họ cho vay những ai, giải ngân bao nhiêu, không thể lật tung hồ sơ chứng từ của họ lên được.


Cũng theo Đại tá Đào Hồng Lập, khó khăn nhất trong quản lý kinh tế của Nhà nước ta hiện nay vẫn là quản lý các ngân hàng thương mại. Hiện nay sự quản lý các ngân hàng thương mại chủ yếu phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Khi đã giao dịch được một thương vụ vay, hay cho vay họ đã coi là thành công, trong khi rủi ro thì chưa được tính đến. Khi rủi ro xẩy ra thì "hạ hồi phân giải". Nếu ngân hàng nào làm chắc thì đều có tài sản thế chấp, mà thường chỉ cho vay 50% giá trị tài sản thế chấp. Còn nếu không có tài sản thế chấp hoặc nếu quản lý không chặt, đánh giá không đúng tài sản thì có thể tài sản 100 đồng đánh giá thành 300 đồng, đến khi rủi ro, bể nợ thì đã mất khả năng thanh toán.


Các ngân hàng ở trên địa bàn tỉnh ta, mỗi năm đi vay được khoảng 40.000 tỷ đồng nhưng lại cho vay đến 60.000 tỷ đồng, lượng cho vay gấp rưỡi lượng tiền huy động được, do vậy nợ xấu đang tăng cao, theo báo cáo là 3%. Trong lúc đó lại đầu tư cho vay vào những dự án không hiệu quả như: bất động sản, khu đô thị, hoặc tuồn ra ngoài cho vay nặng lãi...


Có thể nói trong nhiều năm qua, sự lỏng lẻo trong công tác xử lý các sai phạm của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đã khiến nhiều người, nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật nhưng chưa bị xử lý thích đáng, chưa thấy được sự nghiêm minh của pháp luật. Nhiều khi công an đã điều tra, đã thấy đủ chứng cứ nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật khác lại lúng túng trong xử lý.


Sự sơ hở trong quản lý đất đai, quản lý tiền tệ, tuyển dụng, sự quá tải sinh viên ra trường không tìm được việc làm, bất cập của đào tạo đại học, thi tuyển cán bộ không đàng hoàng... là những nguyên nhân dẫn đến một bộ phận cán bộ yếu năng lực, phẩm chất đạo đức thấp vẫn ngang nhiên vào được các cơ quan Nhà nước, các ngân hàng... để rồi có cơ hội leo lên những vị trí cao hơn và điều kiện vi phạm pháp luật càng dễ hơn.


Chị Đào Hiền Lương- giáo viên ở Nghi Đức - TP. Vinh khi đọc các tin về Bùi Xuân Lâm đã nhận xét: Nếu như Nhà nước có cơ chế tuyển dụng chặt chẽ, thi tuyển đàng hoàng, đấu thầu đàng hoàng, thì đâu cần phải chạy việc, chạy dự án. Còn anh Hồ Trọng Hùng- Điều tra viên Công an tỉnh Nghệ An thì cho rằng: Cơ quan công an và báo, đài cần tuyên truyền cho mọi người nhiều hơn để cảnh giác, tránh được những sai lầm, hạn chế bệnh cả tin, sàng lọc những con người thoái hóa, biến chất, thủ đoạn.


Thực trạng nhiều cán bộ trẻ có chức vụ vi phạm pháp luật trong cả nước thời gian vừa qua cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết, đấu tranh với những biểu hiện vi phạm, tố cáo chưa nghiêm túc. Hầu hết những vụ việc vừa qua là các cán bộ tự đầu thú vì nguy hiểm đến tính mạng, chứ sự phát hiện của cơ quan chủ quản, của tổ chức cơ sở đảng là hiếm thấy. Nhiều vụ việc dù chứng cứ đã mười mươi nhưng tòa lại xử trắng án hoặc không xử được.


Từ thực trạng trên nhận thấy rằng, để khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của người đứng đầu, tâm và tầm của người quản lý, của cán bộ, đòi hỏi quy trình công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng phải minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc và không được xem nhẹ khâu nào.

Đặc biệt, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cần hết sức quan tâm công tác rèn luyện, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhân viên, nhất là đội ngũ cốt cán, những cán bộ đảm nhận vị trí công tác dễ nảy sinh sai phạm; tăng cường quản lý CBCNV cả về chuyên môn lẫn tác phong, lối sống. Với những trường hợp vi phạm, cần nghiêm khắc xử lý ngay từ đầu nhằm giáo dục răn đe, tránh tình trạng CBCC vi phạm kỷ luật


Trong quản lý kinh tế, tín dụng, quản trị ngân hàng cần có những hệ thống quản trị rủi ro cao hơn, gần hơn với thông lệ quốc tế, tăng cường vai trò giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước. Nói gì thì nói, cán bộ ngân hàng bị bắt nhiều là do Ngân hàng Nhà nước buông lỏng quản lý. Cũng như cán bộ liên quan đến đất đai bị bắt là do cơ quan chủ quản thiếu giám sát hoặc kiểm tra.


Nhóm PV KT

Tăng cường quản lý kinh tế và kiểm tra, giám sát cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO