Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược

12/03/2013 21:52

Quản lý nhà nước về giá thuốc, dự trữ thuốc, lưu thông thuốc quốc gia, phát triển công nghiệp dược, đấu thầu thuốc quốc gia và sửa đổi Luật Dược 2005 là những vấn đề được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu ra tại buổi làm việc chuyên đề về công tác dược với cán bộ chủ chốt Bộ Y tế, ngày 11/3.

Quản lý nhà nước về giá thuốc, dự trữ thuốc, lưu thông thuốc quốc gia, phát triển công nghiệp dược, đấu thầu thuốc quốc gia và sửa đổi Luật Dược 2005 là những vấn đề được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu ra tại buổi làm việc chuyên đề về công tác dược với cán bộ chủ chốt Bộ Y tế, ngày 11/3.



Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng công tác quản lý về phát triển dược liệu trong nước vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù tiềm năng lớn nhưng phát triển còn chậm - Ảnh: VGP/Từ Lương

Đánh giá về công tác quản lý giá thuốc, Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường khẳng định giá thuốc ở Việt Nam đang được duy trì ở mức thấp (Thái Lan có giá thuốc cao hơn Việt Nam 3,17 lần, Trung Quốc có giá cao hơn với tỷ lệ trung bình 2,25 lần nhưng thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia trong khu vực đều cao hơn Việt Nam nhiều lần).

Đề xuất xây dựng nghị định về quản lý giá thuốc

Về biệt dược, giá mặt hàng này ở Việt Nam ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Thị trường thuốc cơ bản được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị, không để xảy ra tăng giá đồng loạt, đột biến. Tổng số tiền mua thuốc của các bệnh viện trên toàn quốc là 15.000 tỷ đồng, trong đó tiền thuốc sản xuất tại Việt Nam chiếm 38,7%.

Hiện tỷ trọng của thuốc sản xuất thuốc trong nước và thuốc nhập khẩu là 50/50. Cả nước có 80 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu, 300 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất nguyên liệu kháng sinh gần như không phát triển, hiện chỉ có 1 nhà máy sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh nhóm Penicillin với quy mô rất nhỏ; thị phần thuốc chiết xuất từ dược liệu chiếm 10% thị trường (con số này nhiều năm không tăng).

Lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định về quản lý giá thuốc tương tự Nghị định 84 về quản lý mặt hàng xăng dầu theo hướng quy định rõ cơ chế phối hợp từ đó đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý giá thuốc. Xem xét chuyển công tác quản lý giá thuốc về các Bộ chuyên ngành về kinh tế, tài chính.

Ông Trương Quốc Cường cho biết về công tác dự trữ và lưu thông thuốc quốc gia cũng như cơ chế xuất bán thuốc để bình ổn thị trường hiện nay chưa linh hoạt và không phù hợp, điều kiện xuất bán thuốc trong trường hợp cần bình ổn thị trường chưa phù hợp và khó xác định trong thực tế. Quy định doanh nghiệp phải đảm bảo cơ số thuốc tồn kho bằng 100% mức dự trữ lưu thông được duyệt ngoài mức dự trữ lưu thông phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp là không khả thi trong thực tế.
Xung quanh vấn đề quản lý tiền chất gây nghiện mà xã hội đang lo ngại, Cục trưởng Trương Quốc Cường cho biết qua kiểm tra của tất cả các cơ quan chức năng đều kết luận Bộ Y tế đã làm đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số văn bản quản lý tiền chất gây nghiện còn bất cập, Bộ Y tế sẽ cho điều chỉnh Thông tư về quản lý thuốc gây nghiện cho phù hợp với thực tế.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý dược, sự quan tâm hỗ trợ, các chính sách lớn của Chính phủ đối với ngành Dược còn chưa thỏa đáng, mất cân đối giữa đầu tư của Y và Dược.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Tổng Cục quản lý dược và các Chi cục quản lý dược trực thuộc các Sở Y tế trên toàn quốc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định cho rằng ngành y tế trong nhiều năm qua vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức kể cả về nhân lực và nguồn lực để đầu tư cho ngành Dược phát triển. Nhưng để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dược, không chỉ mình ngành y tế mà rất cần có sự phối hợp và vào cuộc tích cực của một số Bộ ngành có liên quan.



Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ Y tế và VPCP trong chuyến khảo sát công tác quản lý giá thuốc và điều hành phân phối thuốc tại TP Basel, Thụy Sỹ, tháng 8/2012 - Ảnh; VGP/Từ Lương

Lập tổ công tác về giá thuốc

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì phối hợp với một số Bộ để thành lập tổ công tác nghiên cứu về giá thuốc và quản lý thuốc đặc trị, biệt dược. Phó Thủ tướng cho rằng dự báo nhu cầu thuốc trong nước là một yêu cầu rất quan trọng để các cơ sở sản xuất thuốc trong nước có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Đánh giá về phát triển dược liệu, Phó Thủ tướng chỉ rõ công tác quản lý về phát triển dược liệu trong nước vẫn chưa được Bộ Y tế quan tâm đúng mức, mặc dù tiềm năng lớn nhưng phát triển còn chậm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Y tế phân công 1 Thứ trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc công tác quan trọng này.

Về công tác dự trữ thuốc, Phó Thủ tướng đề nghị tính toán căn cơ hơn nữa theo hướng các doanh nghiệp tham gia không bị thiệt hại về kinh tế. Từ nay đến tháng 6/2013 Bộ Y tế lấy ý kiến các doanh nghiệp dược để trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phương án điều chỉnh kịp thời.

Về kiến nghị nâng cấp Cục Quản lý dược thành Tổng Cục quản lý dược, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chỉ cần bổ sung thêm nhân lực, củng cố bộ máy cho Cục Quản lý dược, việc kiến nghị thành lập Chi Cục quản lý dược tại các địa phương cũng phải được cân nhắc tuỳ theo quy mô và yêu cầu cụ thể của từng địa phương.


(Chinhphu.vn) - L.T

Mới nhất
x
Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO