Tăng giá nhiều mặt hàng: Túi tiền người tiêu dùng thêm “cạn”

05/01/2012 17:27

Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2012, người tiêu dùng đã phải đối diện với sự tăng giá của một loạt các loại phí dịch vụ và mặt hàng thiết yếu. Với đà tăng giá này, các chuyên gia lo ngại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 1 con số trong năm 2012

Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2012, người tiêu dùng đã phải đối diện với sự tăng giá của một loạt các loại phí dịch vụ và mặt hàng thiết yếu. Với đà tăng giá này, các chuyên gia lo ngại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 1 con số trong năm 2012

Kể từ ngày 1-1-2012, giá gas đến tay người tiêu dùng lại tăng lên một mức giá mới. Ảnh: QUỐC ANH

Các mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá

Kể từ ngày 1-1-2012, giá gas đến tay người tiêu dùng lại được "cải thiện” lên một mức giá mới, thêm 24.000 đồng/bình 12 kg. Theo các công ty kinh doanh gas, do giá gas nhập khẩu tăng lên mức 880 USD/bình, cao hơn khoảng 85 USD/bình so với tháng trước nên giá gas trong nước cũng được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, gas Saigon Petro tăng 24.000 đồng/bình 12 kg; gas Petrolimex Sài Gòn tăng 26.000 đồng/bình 13 kg; còn Shell gas tăng 24.500 đồng/bình 12 kg.

Tại TP. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng đã được thông báo tăng giá nước sạch cũng từ ngày 1-1-2012. Theo đó, đối với các hộ dân cư, đơn giá nước theo định mức đến 4 m3/người/tháng là 4.800 đồng/m3 (tăng 400 đồng so với năm 2011); từ trên 4m3 đến 6 m3/người/tháng: 9.200 đồng/m3 (tăng 900 đồng); trên 6 m3/người/tháng: 11.000 đồng/m3 (tăng 500 đồng). Giá nước áp dụng tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể là 9.300 đồng/m3 (tăng 1.200 đồng); đơn vị sản xuất 8.200 đồngm3 (tăng 800 đồng); đơn vị kinh doanh - dịch vụ là 15.200 đồng/m3 (tăng 1.700 đồng).

Trong năm 2012, giá bán than cho điện cũng sẽ được Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh tăng giá bằng khoảng 80% giá thành tiêu thụ than năm 2010 so với mức 57-63% hiện tại.

Trước đó, vào ngày 20-12-2011, điện cũng đã được điều chỉnh lên thêm 62 đồng/kWh, tăng thêm 5% so với giá cũ. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành tài chính năm 2012 diễn ra mới đây, Bộ Tài chính cho biết, năm tới, giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng, song Bộ này khẳng định, sẽ tăng ở mức kiềm chế theo hướng chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá mà chỉ tính bù đắp chi phí tăng thêm của năm 2012 cộng thêm một phần các chi phí còn "treo lại” chưa tính đủ vào cơ cấu giá điện trước đây.

Phí các loại dịch vụ cũng leo thang

Từ ngày 1-1-2012, theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, phí cấp biển ôtô mới đăng ký lần đầu tại Hà Nội sẽ tăng gấp 10 lần mức phí cũ, từ 2 triệu lên tới 20 triệu đồng/xe, đối với các dòng xe con loại dưới 10 chỗ ngồi, kể cả lái xe. Duy chỉ các loại ôtô vận tải hành khách có mức phí đăng ký lần đầu thấp hơn, ở mức 500.000 đồng/xe. Một số loại xe máy cấp biển số lần đầu cũng sẽ được áp dụng mức phí mới. Trong đó, xe có giá trị từ 15 triệu đồng trở xuống có mức phí mới 500.000 đồng cho lần đăng ký đầu tiên. Dòng xe có trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng áp dụng phí mới 2 triệu đồng. Mức phí 4 triệu đồng áp dụng đối với các loại xe có giá từ trên 40 triệu đồng.

Chưa hết mối lo về việc tăng phí đăng ký ô tô, xe máy, người tiêu dùng nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đã phải "chạm trán” với việc tăng phí trông giữ xe ô tô. Cụ thể, tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa (Hà Nội) phí gửi xe ô tô đã chính thức được điều chỉnh từ ngày đầu của năm 2012 lên gấp 400 – 500% (từ 10 ngàn đồng lên 40.000- 50.000 đồng/lượt gửi).

"Đồng hành” cùng các loại phí dịch vụ nói trên, giá cước vận tải hành khách từ giá vé ô tô đến giá vé máy bay cũng lần lượt được điều chỉnh tăng ngay từ giữa tháng 12-2011. Theo đó, từ ngày 15-12- 2011, giá vé máy bay đã được Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) điều chỉnh tăng tối đa 20%. Về giá vé tàu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã chính thức điều chỉnh tăng 10% giá vé hiện hành đối với các mác tàu số chẵn trước Tết và các mác tàu số lẻ sau Tết. Cùng với đó, một loạt các bến xe khách ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, giá vé leo thang từ 20 – 70%. Tại Bến xe Miền Đông (TP.Hồ Chí Minh), dịp Tết năm nay vé xe tết sẽ phụ thu từ 20% đến 60% tùy tuyến đường và ngày khởi hành. Tại Đà Nẵng, giá vé đi các tỉnh đều tăng 20%-70%. Cá biệt, một số nhà xe tăng giá lên gấp ba lần, từ 530.000 đồng lên 1.490.000 đồng/vé tuyến Đà Nẵng-Hà Nội như nhà xe Hoàng Long.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2012, hầu bao của người tiêu dùng đã bị móc đi ít nhiều. Bởi vậy, sự lo ngại của các chuyên gia kinh tế về việc các mặt hàng thiết yếu tăng giá dồn dập vào dịp đầu năm sẽ khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức một con số là vô cùng khó khăn. Nói như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế năm 2012 là tăng trưởng 6-6,5%, giảm lạm phát xuống 9% sẽ khó thực hiện nếu các mặt hàng thiết yếu như than, điện tiếp tục được điều chỉnh tăng. Bởi lẽ, sự tăng giá của các mặt hàng này sẽ có tác động đến các mặt hàng khác.


Theo Đại đoàn kết

Mới nhất
x
Tăng giá nhiều mặt hàng: Túi tiền người tiêu dùng thêm “cạn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO