Tạo chuyển biến trong công tác dân số vùng biển
Đối với người dân vùng biển, sinh đẻ nhiều đã trở thành “tập quán”, “đông con, đông của” đẻ nhiều để có nhân công đi biển, nhất là con trai, lớn lên để đỡ đần, chung vai gánh vác gia đình. Hơn nữa, dù không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu, đẻ thêm, đẻ nhiều để dự phòng lỡ khi biển động sóng to, rủi ro kéo đến...
(Baonghean.vn) - Đối với người dân vùng biển, sinh đẻ nhiều đã trở thành “tập quán”, “đông con, đông của” đẻ nhiều để có nhân công đi biển, nhất là con trai, lớn lên để đỡ đần, chung vai gánh vác gia đình. Hơn nữa, dù không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu, đẻ thêm, đẻ nhiều để dự phòng lỡ khi biển động sóng to, rủi ro kéo đến...
Với quan niệm đó nên các địa phương vùng biển tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn tiếp tục gia tăng, và số cặp vợ chồng có con thứ 4, thứ 5 thậm chí 6,7 cm trở nên phổ biến. Sinh nhiều, khổ nhiều, con cái không được chăm sóc, không được học hành đến nơi đến chốn, không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Lỗi đâu phải tại mẹ” của cán bộ chuyên trách dân số Nghi Lộc.
“Làm cán bộ dân số “khô, khó, khổ” nhưng với cán bộ dân số vùng biển, cái khổ nhân đôi, nhân ba. Đặc thù nghề biển, lênh đênh sông nước, có khi họ theo thuyền bám biển vươn khơi cả nửa tháng trời. Phụ nữ thì đầu tắt mặt tối ngược các chợ bán cá, bán muối... nên muốn gặp gỡ, tuyên truyền cũng phải “chờ thời, gặp dịp”. Không kể ngày hay đêm, giữa trưa nắng đổ gắt hay chập tối, biết gia đình có người ở nhà là đến, là mang theo bao cao su, thuốc tránh thai, tờ rơi tuyên truyền...”- chị Lê Thị Huyền, cán bộ chuyên trách dân số xã biển Diễn Hùng (Diễn Châu) chia sẻ. Địa bàn xã Diễn Hùng có 12 xóm, trong đó hơn nửa làm nghề đi biển. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khá cao, nguy cơ “bùng nổ” dân số luôn rình rập. Để giữ vững mức sinh ổn định trong nhiều năm liền, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã thấp hơn mặt bằng chung của huyện là cả sự nỗ lực, cố gắng của chị và 12 cộng tác viên dân số nơi đây.
Xã Quỳnh Thọ là địa phương nghèo nhất trong các xã biển ở Quỳnh Lưu. Cái đói, cái nghèo cũng là do sinh đẻ không có kế hoạch. Hơn nửa số gia đình trong xã vi phạm chính sách dân số. Chị Nguyễn Thị Thắng - cán bộ chuyên trách dân số xã, người có thâm niên “vác tù và” cũng đã cố hết sức hoàn thành trách nhiệm của mình. Hiếm có khi nào chị ngồi không ở ủy ban xã. Thường thì chị dành thời gian “lân la” ở bãi cá, chờ những chuyến đi biển về, để có thể gặp được cánh đàn ông để thuyết phục họ sử dụng biện pháp tránh thai, để vận động họ sinh đẻ có kế hoạch. Ở đó, chị vừa thoăn thoắt xúc cá, phân loại cá, giúp những người khác vận chuyển cá lên bờ và chỉ ở đó, chị mới có cơ hội để tiếp xúc với những người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tỉ tê tâm sự với họ, khuyên họ bàn với chồng dừng lại, không sinh thêm con nữa... Có khi, phải tranh thủ vào những ngày Rằm, mồng một, ngày Tết, hay những khi biển động đến từng nhà tuyên truyền, bởi chỉ những lúc đó, mới có mặt đông đủ cả vợ và chồng, họ mới rảnh rỗi để nghe mình nói. Vất vả chồng chất, kiên trì, nhẫn nại, nhưng những người làm công tác dân số ở xã vùng biển như chị Liên, chị Thắng vẫn không phải ngày một, ngày hai có thể làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây.
Nhiều địa phương vùng biển, để giúp các công dân biển nhận thức về DS/KHHGĐ đã công phu dàn dựng các tiểu phẩm, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa. Diễn viên là cán bộ chuyên trách, là cộng tác viên dân số; sân khấu là bãi cát rộng trên biển, và khán giả là những người dân trong làng, trong xã. Với nội dung về chính sách dân số, về chính các trường hợp sinh đẻ nhiều, là những ví dụ sinh động trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây... Và hình thức sinh hoạt của các CLB như “Câu lạc bộ nam giới biển” ở Cửa Lò, CLB “Không có người sinh con thứ 3”, CLB chăm sóc SKSS... ở các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu được duy trì, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Đặc biệt, từ năm 2009, Đề án 52 kiểm soát dân số vùng biển giai đoạn 2009-2020 và là địa phương được chọn làm chỉ đạo điểm, những năm qua, công tác dân số ở 5 huyện miền biển trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển tích cực. Các hoạt động giao lưu văn nghệ với chủ đề như: “Công dân biển, sức khỏe biển”, “Những người con của biển”, Công dân biển hưởng ứng Đề án 52”... đã trở thành chiến dịch truyền thông rộng rãi, có sự tác động sâu sắc đến nhận thức và hành vi của công dân biển. Đã thành lập được các đội lưu động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại các địa phương miền biển; triển khai các mô hình hỗ trợ, phòng chống bệnh lây qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn... đến 39/39 xã vùng biển. Nhờ đó, đến nay, tại các địa phương miền biển, tình trạng gia tăng dân số được kiểm soát, chất lượng dân số được nâng cao.
Thanh Phúc