Tạo cơ hội cho người nghèo và cận nghèo được chăm sóc sức khỏe

25/11/2011 15:00

(Baonghean.vn) Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An cùng một số sở, ngành liên quan đã tiến hành đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT cho người nghèo, cận nghèo tại một số địa phương: Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương và các Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

(Baonghean.vn) Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An cùng một số sở, ngành liên quan đã tiến hành đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT cho người nghèo, cận nghèo tại một số địa phương: Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương và các Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Thời gian tham gia cùng đoàn, chúng tôi thấy rõ những nỗ lực của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị trong việc đảm bảo thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo. Tính đến ngày 30/9/2011, toàn tỉnh có 682.377 người nghèo được cấp thẻ BHYT (tăng 131.782 người so với 2010); 112.636 người cận nghèo được cấp thẻ (tăng 102.833 người so với 2010). Nhìn chung, người nghèo, cận nghèo đã cơ bản được đảm bảo quyền lợi khám, điều trị theo đúng quy định trong quá trình khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Cụ thể được thanh toán khám, điều trị với chi phí 95% đối với người nghèo và 80% đối với hộ cận nghèo. Tại các bệnh viện được giám sát, gồm Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc, Bệnh viện huyện Thanh Chương, Bệnh viện huyện Anh Sơn, cho thấy: các bệnh viện đã phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp cải cách quy trình đón tiếp, quy trình khám bệnh, vào viện, chuyển tuyến, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của người bệnh tham gia BHYT; có chính sách, quy tắc ứng xử thân thiện đối với bệnh nhân thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc duy trì được chương trình "Bát cháo tình thương" cho bệnh nhân nghèo, Bệnh viện Thanh Chương hỗ trợ chi trả 5% kinh phí điều trị mà BHYT không chỉ trả cho những người nghèo quá khó khăn. Các bệnh viện cũng đã ký hợp đồng, cung ứng thuốc và vật tư y tế đảm bảo khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT ngay tuyến xã.


Tuy nhiên, công tác thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo đang đặt ra nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân. Trước hết là về thủ tục hành chính. Người có thẻ muốn khám bệnh ở các cơ sở tuyến trên được thanh toán BHYT thì cần phải có 1 giấy giới thiệu của nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (tuyến xã) nếu khám ở bệnh viện tuyến huyện; giấy giới thiệu tuyến huyện nếu khám ở bệnh viện tuyến tỉnh; giấy giới thiệu tuyến tỉnh nếu khám bệnh viện tuyến Trung ương. Có giấy giới thiệu rồi, người bệnh còn phải có giấy tờ tùy thân dán ảnh để các cơ sở y tế giám định và chứng minh người đi khám chính là người sở hữu thẻ BHYT.

Trường hợp, nếu có đầy đủ các giấy tờ, nhưng không có giấy tờ tùy thân để chứng minh thì người bệnh buộc phải quay về hoặc được khám, điều trị mà không được hưởng chế độ BHYT. Có trường hợp do cấp cơ sở lập danh sách sai họ tên, tên đệm, ngày tháng năm sinh; hoặc cơ quan BHXH in nhòe cũng gây khó khăn cho người tham gia BHYT đi lại nhiều lần để đổi thẻ, giám định, gây tâm lý chán nản và dẫn đến có suy nghĩ là do khám BHYT mới gây khó - dễ như thế.

Trong quá trình thanh toán, do người bệnh thuộc nhiều đối tượng nên các cơ sở phải rà soát, tính toán, bắt buộc người bệnh phải chờ lâu; các cơ sở y tế cũng rất khó khăn, vất vả. Thường người nghèo, cận nghèo không có điều kiện, chăm lo nhiều đến sức khỏe cho mình mà chỉ khi ốm đau thật nặng không thể không đi bệnh viện mới đến cơ sở y tế, hoặc trở thành mãn tính, cho nên phải điều trị dài ngày, chi phí tốn kém, khó có khả năng cùng chi trả 5%, 20% cho các cơ sở khám, chữa bệnh, dẫn đến người nghèo lại càng nghèo hơn.

Vẫn còn có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT từ nhiều phía, từ phía người có thẻ cho người khác mượn hoặc không có bệnh nhưng vẫn đến trạm y tế tuyến xã để lấy thuốc vì các cơ sở y tế khám chữa bệnh lạm dụng các yêu cầu về cận lâm sàng; từ chính quyền cơ sở bình xét, xác nhận sai đối tượng nghèo, cận nghèo... Đó còn là việc sử dụng nguồn quỹ BHYT người nghèo, cận nghèo kết dư đáng được tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho người nghèo, cận nghèo nhưng thực tế vẫn chưa áp dụng mà dư luận vẫn băn khoăn nguồn của người nghèo, cận nghèo đang phục vụ sức khỏe cho người khá, người giàu!?


Chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo là một chính sách rất quan trọng, nhằm đảm bảo tốt an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị cần nghiên cứu có các giải pháp tích cực nhằm đưa chính sách này thực sự phục vụ, tạo cơ hội cho người nghèo, cận nghèo - đối tượng yếu thế trong xã hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Các Ông Lê Đình Văn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc; Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Bệnh viện Thanh Chương, khẳng định: Không có chuyện phân biệt đối xử trong việc khám, chữa bệnh cho đối tượng người nghèo, cận nghèo. Ngược lại, các cơ sở y tế rất thích được khám và chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Bởi đối với người có thẻ BHYT khi vào viện khám, điều trị đều đã được cơ quan Bảo hiểm Xã hội đứng ra chi trả, bệnh viện không phải lo việc hỏi bệnh nhân có tiền hay không để làm các yêu cầu về cận lâm sàng này, nọ; hoặc lo lắng bệnh nhân trốn viện. Tuy nhiên, thủ tục khám bệnh cho người tham gia BHYT còn rườm rà. Nếu 2 người bệnh như nhau, gần nhà nhau, đi bệnh viện cùng một lúc, nhưng người không tham gia BHYT thì yêu cầu cơ sở làm cái gì thì trả tiền làm cái đó rất nhanh, có thể làm xong ngay buổi sáng; còn người có BHYT phải rà soát, giám định thẻ, thanh toán còn phải coi thuộc đối tượng mức chi trả nào để tính toán nên kéo dài thời gian hơn, có khi sang cả buổi chiều.


Mai Hoa

Tạo cơ hội cho người nghèo và cận nghèo được chăm sóc sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO