Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số
(Baonghean.vn) - Chiều 24 tháng 3, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 3 nghe và cho ý kiến vào Đề án thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số Nghệ An; Đề án xây dựng chính quyền điện tử Nghệ An và một số nội dung khác.
Nghệ An hiện có 11 huyện, thị xã miền núi; 6 huyện có xã miền núi. Tổng số xã, thị trấn miền núi là 252; trong đó có 101 xã, với 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn; 27 xã tiếp giáp 3 tỉnh nước bạn Lào, với đường biên kéo dài 419 km. Diện tích tự nhiên các huyện miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích của tỉnh. Dân số miền núi: hơn 1,2 triệu người, chiếm 41% dân số Nghệ An; trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là 44 vạn người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh. Vùng miền núi và dân tộc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, nhất là công tác bảo vệ quốc phòng - an ninh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường kết luận tại phiên họp |
Phát triển kinh tế - xã hội miền núi nói chung, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, được cụ thể hóa bằng Chiến lược công tác dân tộc và Chương trình hành động theo từng giai đoạn, chính sách đầu tư, hỗ trợ, theo các chương trình, dự án quốc gia. Nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho phát triển vùng dân tộc và miền núi ngày càng lớn.
Tuy nhiên, với địa hình phức tạp, hiểm trở, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc; công tác tư vấn, giám sát các công trình xây dựng thuộc chính sách dân tộc; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống hiện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Dân tộc phối hợp với các ngành hữu quan và các địa phương triển khai thực hiện.
Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kết luận: Nghệ An đất rộng, có đông đồng bào dân tộc, điều kiện còn gặp nhiều khó khăn do vậy việc thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số để thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công trong thực hiện chính sách dân tộc thuộc Ban Dân tộc tỉnh là rất cần thiết, góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An. Do vậy, UBND tỉnh thống nhất phê duyệt đề án này.
Về đề án xây dựng chính quyền điện tử, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là việc làm cần thiết nhằm cụ thể hóa định hướng và lộ trình triển khai ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng mô hình hoàn chỉnh về hệ thống chính quyền điện tử cấp tỉnh. Tuy nhiên UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông cần phải làm rõ hơn những vấn đề cụ thể như con người, thực trạng sử dụng công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, những cái gì cần làm mới, những cái gì cần bổ sung, hướng giải bài toán ngân sách phục vụ cho đề án; cách tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó đi đến hoàn thiện đề án, đưa ra lộ trình, bước đi phù hợp để đảm bảo tính khả thi.
Cũng trong chiều nay, UBND tỉnh thông qua Đề án xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quyết định thay thế quyết định số 29/2003/QĐ-UB ngày 18 tháng 02 năm 2003 của UBND tỉnh về việc qui định một số chính sách đối với công tác xóa mù chữ; đề án trường Trung cấp nghề công nghệ và truyền thông Nghệ An trên cơ sở nâng cấp Trường Truyền thông đa phương tiện VTC.
Tin,ảnh: Khánh Ly