Tạo nhận thức chung, quyết tâm chống quan liêu, tham nhũng

15/07/2011 10:22

"Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng"- Đây là điểm mới được bổ sung vào bài học thứ hai trong cương lĩnh xây dựng đất nước ta thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) về 5 bài học kinh nghiệm rút ra cơ bản vẫn giữ nguyên như Cương lĩnh 1991: "Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Hai là, sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và vì dân;

Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết - đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam". Điểm mới, bổ sung vào bài học thứ hai cần được nghiên cứu, quán triệt sâu sắc là: "Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng".

Công trình nước sạch ở xã vùng sâu Châu Hoàn - Quỳ Châu.Ảnh: Lê Bá Liễu


Theo Từ điển tiếng Việt, "Quan liêu" là xa rời thực tế, còn tham nhũng chính là biểu hiện tham lam và nhũng nhiễu. Vấn đề này, ngay từ rất sớm Bác Hồ đã cho là một thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bệnh quan liêu là nguy cơ của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác nhau. Người nhấn mạnh: "Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến kết quả là hỏng việc..., thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô lãng phí".


Còn tham nhũng với nghĩa là tham lam và nhũng nhiễu thì Người cũng chỉ ra với những hình thái, góc độ nguy hiểm khác nhau. Bởi vì đã tham lam ắt dẫn đến tham ô, lãng phí. Tham ô theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "là trộm cướp, là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội". Đối với cán bộ, tham ô là "ăn cắp của công làm của tư". Do vậy, tham nhũng, quan liêu là hại đến sự nghiệp xây dựng đất nước; hại đến công việc cải thiện đời sống nhân dân, hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Theo Người, quan liêu ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí, nuôi dưỡng cho tham ô, lãng phí nảy nở. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch nạn quan liêu. (1).


Như vậy, chúng ta đã thấy được những biểu hiện của quan liêu, tham nhũng, bản chất xấu xa nguy hiểm và mối quan hệ giữa tham nhũng và quan liêu, cũng như vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm" (Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh) này. Vấn đề đặt ra là vì sao Cương lĩnh của Đảng lần này nhấn mạnh: Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng ?


Còn nhớ, vào giữa nhiệm kỳ khoá VII, Đảng ta đã báo động 4 nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta là: Nguy cơ tham nhũng; Nguy cơ tụt hậu: Nguy cơ chệch hướng, và Nguy cơ diễn biến hòa bình. Từ đó đến nay, trải qua hơn ba nhiệm kỳ đại hội VIII, IX, X, những cảnh báo ấy của Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Tham nhũng, suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; những biểu hiện quan liêu, xa dân, hạch sách dân của bộ máy Nhà nước đang làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đảng ta lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhân dân bằng niềm tin, bằng sự thuyết phục nói đi đôi với làm, bằng sự hy sinh, gương mẫu của từng đảng viên cộng sản. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sở dĩ Đảng ta lãnh đạo thành công đưa đến thắng lợi hoàn toàn là vì nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tự giác nghe theo Đảng, đi theo Đảng với những khẩu hiệu quen thuộc như "đảng viên đi trước làng nước theo sau", hay "xe chưa qua nhà không tiếc"... Được như vậy là vì tổ chức đảng và đảng viên là đội tiên phong, là niềm tin của nhân dân.

Thế nhưng, bây giờ, khi đất nước ta đạt được mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển với thu nhập GDP bình quân đầu người 1168 USD vào năm 2010, nhân dân thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, quan liêu, tham nhũng, suy thoái phẩm chất đạo đức lối sống, xa dân, thậm chí hạnh sách, vòi vĩnh dân thì tất yếu niềm tin của nhân dân vào đảng bị giảm sút.

Không thể có niềm tin khi dân có việc đến gõ cửa các cơ quan công quyền, đến trụ sở tiếp dân thì được đối xử lạnh nhạt, thiếu niềm nở, giải quyết công việc cho dân theo kiểu cho qua chuyện, không muốn nghe dân nói, dân trình bày. Không thể có niềm tin khi các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui các vụ việc tham nhũng của cán bộ, đảng viên, thất thoát lên đến hàng nghìn tỷ đồng, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, thậm chí cả trong các cơ quan cấp cao, cơ quan cầm cương nảy mực bảo vệ pháp luật.

Quan liêu, tham nhũng thì chỉ có cán bộ, công chức có chức, có quyền mới làm được, tức là của bộ máy Nhà nước. Chính vì vậy, trong phần kiểm điểm, đánh giá nhiệm kỳ 5 năm (2006- 2010) nói về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước, văn kiện Đại hội XI chỉ rõ: "Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội". Hoặc là khi đánh giá về công tác Xây dựng Đảng thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí , quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước".


Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) chỉ ra rằng quan liêu, tham nhũng gây ra "hậu quả khôn lường", nghĩa là ngoài vòng kiểm soát, đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm đối với vận mệnh, sự tồn vong của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Đây là nhận định rất chính xác, đúng mức độ, một sự cảnh báo sâu sắc của Đảng mà mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải suy nghĩ và không thể xem thường được.


Tham nhũng ngày càng diễn ra dưới mọi hình thức, tinh vi: Trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, phê duyêt dự án, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cấp phát ngân sách, tổ chức cán bộ v.v...Có ý kiến còn cho rằng, tham nhũng, tham ô, lấy tiền, lấy tài sản của Nhà nước, biến tài sản của công thành của tư, là tư lợi thì đã nguy hiểm, nhưng nguy hiểm hơn hiện nay là hình thức tham nhũng chính trị, tức là tham nhũng trong công tác cán bộ. Văn kiện Đại hội chỉ rõ tình trạng "chạy chức, chạy quyền" chưa được khắc phục (Trang 174, văn kiện Đại hội). Hậu quả dẫn đến là bố trí cán bộ vào các cương vị lãnh đạo của đất nước, của từng địa phương, ngành không phải vì yêu cầu nhiệm vụ mà do những lý do cá nhân khác sẽ dẫn đến hậu quả thất thoát trực tiếp và gián tiếp là to lớn, không thể lường hết được cho Đảng, đất nước và cho chế độ. Vì tham nhũng mà dẫn đến sai lầm trong công tác cán bộ thì phải mất thời gian dài chưa biết mấy nhiệm kỳ Đại hội sau mới có thể sửa chữa, lấy lại được.


Rút ra được bài học kinh nghiệm là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng, ý nghĩa hơn là biết tránh, biết khắc phục, sửa chữa cho được những tồn tại, khuyết điểm trong chặng đường nhiệm vụ sắp tới. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020 của Đảng nhấn mạnh: "Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của công tác Xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước". "Khuyến khích phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí" (Trang143, 144 Văn kiện đại hội).

Cụ thể hơn trong giai đoạn 2011- 2015 Đảng yêu cầu "Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí", " Công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ", " Hoàn thiện các quy trình trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí. Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, xung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng", "Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ" (Trang 253, 254 Văn kiện Đại hội)


Để chống quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân có hiệu quả, về phương pháp tiến hành, chúng ta cần ghi nhớ lời dạy của Bác và dựa vào những kinh nghiệm, bài học đã tiến hành thắng lợi những năm qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu trước hết phải tạo nhận thức chung và quyết tâm chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần thiết như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần - kiệm - liêm - chính - chí - công - vô tư và kẻ địch là tham nhũng quan liêu. Phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong, huy động sự tham gia của nhân dân.


Nhận thức đúng về nguy hại của quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng, phát huy những thắng lợi và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng Đảng ta nhất định sẽ lãnh đạo thành công, đạt được những mục tiêu đã đề ra của Chiến lược: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị, xã hội ổn định, dân chủ , kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. (Văn kiện Đại hội XI, trang31)


(1): "Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, quan liêu". Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, HN 2008; trang 21.


Tô Hồng Hải-

Tạo nhận thức chung, quyết tâm chống quan liêu, tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO