Tạo sức lan tỏa, hiệu quả trong đào tạo nghề lao động nông thôn

03/01/2013 17:50

(Baonghean) - Đồng chí Đoàn Hồng Vũ – Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH trả lời phỏng vấn của Báo Nghệ An.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng tay nghề lao động nông thôn và khả năng của các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta?

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Hiện nay, dân số Nghệ An gần 3 triệu người, khu vực nông thôn 2,55 triệu người, chiếm khoảng 85% tổng dân số toàn tỉnh. Tổng lực lượng lao động xã hội 1,7 triệu người, trong đó lao động nông thôn chiếm khoảng 70% tổng lực lượng lao động. Số lao động qua đào tạo nghề là 678 nghìn người, đạt tỷ lệ 40%; trong đó lao động nông thôn (sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên) 528 nghìn người, số chưa qua đào tạo nghề khoảng 662 nghìn người. Để đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, xây dựng thành công chương trình nông thôn mới và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, thì phát triển nguồn nhân lực, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng có tính đột phá, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã huy động 45 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 8 trường trung cấp nghề, 19 trung tâm dạy nghề và 15 cơ sở khác có dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được hình thành nhanh chóng, đa dạng và phát triển trên 20 huyện, thành, thị. Các cơ sở dạy nghề không ngừng được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở rộng quy mô đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của lao động địa phương.

Trong 3 năm (2010-2012), ngân sách nhà nước đã phân bổ cho 24 đơn vị dạy nghề với tổng kinh phí 101.3 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng cơ sở vật chất 52,8 tỷ đồng, mua sắm thiết bị 52,8 tỷ đồng. Đội ngũ giáo viên dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng ngày càng được tăng thêm về số lượng và đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác đào tạo nghề. Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng hoàn thiện và đổi mới để đảm bảo yêu cầu cập nhật, đổi mới kiến thức khoa học, công nghệ. Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã tham gia và đạt nhiều kết quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh nhà.



Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thanh Chương. Ảnh: Thanh Lê.

PV: Sau 3 năm thực hiện QĐ 1956/TTg, kết quả tỉnh ta đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Tỉnh ủy đã sớm ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về việc tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn và đưa nội dung này vào Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 – 2015. UBND tỉnh đã có Quyết định số 3846/QĐ- UBND duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020; ban hành Kế hoạch tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp về dạy nghề và việc làm cho lao động nông thôn của tỉnh. Theo đó, hàng năm đã xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn để tổ chức thực hiện. UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện Đề án có kết quả cao nhất.

Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, Sở Lao động – TB&XH Nghệ An đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã xây dựng Đề án (kế hoạch) dạy nghề cho lao động nông thôn; tổ chức triển khai thực hiện đề án đến cấp xã và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.

Đến nay, 20/20 huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng đề án, kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn; đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện. Có xã 429/480 xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo (tổ công tác), có quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm triển khai thực hiện đề án cho các thành viên.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 20.692 người, 703 lớp với tổng kinh phí 34.240 triệu đồng bằng chính sách của Đề án. Trong đó đã chỉ đạo thực hiện 26 mô hình dạy nghề đạt hiệu quả: mô hình chăn nuôi (lợn thịt, gà thịt), mô hình mây tre đan, nuôi cá nước ngọt, thêu ren, may công nghiệp, sữa chữa xe máy, trồng nấm.

Thông qua các cơ sở dạy nghề, nhất là cơ sở ngoài công lập, đã huy động được các nguồn lực của xã hội tham gia vào dạy nghề và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề. Đã huy động được sự tham gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia tích cực, hỗ trợ và tạo điều kiện cho lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh... Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt bình quân trên 75 %. Kết quả đó đã và đang góp phần vào việc tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH-HĐH và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đã đạt được trong 3 năm thực hiện Đề án 1956 thì công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang còn một số khó khăn. Công tác tuyên truyền Đề án tại một số địa phương chưa thường xuyên, chưa sâu rộng đến tận người dân, nên nhận thức của một số bộ phận dân cư về đào tạo nghề chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng coi trọng bằng cấp, chưa coi trọng kỹ năng nghề nghiệp, chưa xác định được tính thiết thực của việc học nghề là con đường cơ bản và nhanh nhất để lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

P.V: Thưa đồng chí, sau đào tạo, vốn để sản xuất theo nghề đã học là vấn đề người dân quan tâm, vậy, nguồn vốn giúp nông dân tạo việc làm được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao?

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, trong 3 năm (2010 – 2012) tổng số vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã được giải ngân cho vay là: 300.800 triệu đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương 253.080 triệu đồng (chiếm 84,2%), vốn từ ngân sách địa phương 47.720 triệu đồng (chiếm 15,8%). Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu về sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với 164.350 triệu đồng, chiếm gần 54% tổng số vốn giải ngân từ năm 2010 đến nay. Tạo điều kiện về việc làm và thu nhập ổn định cho 15.965 lao động trên địa bàn.

Trong những năm qua, nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của tỉnh đã góp phần vào việc giải quyết việc làm cho người lao động qua học nghề chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định; tham gia hỗ trợ người dân khi thực hiện các chủ trương chính sách lớn của chính phủ và của địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh như: cho vay đối với lao động ở vùng tái định cư, vùng bị thu hồi đất, hỗ trợ việc làm cho người tàn tật, xuất khẩu lao động...

P.V: Theo đồng chí, chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tinh thần Quyết định 1956 đạt kết quả tốt hơn?

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và đánh giá nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động phù hợp giữa cung và cầu lao động. Rà soát hệ thống danh mục nghề đào tạo phù hợp tình hình KT-XH của tỉnh, ưu tiên mở lớp dạy nghề tạo việc làm tại chỗ phù hợp với từng ngành nghề, trình độ văn hóa, phong tục tập quán của người học và điều kiện thực tế tại địa phương.

Tiếp tục đầu tư đồng bộ mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, trong đó quan tâm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, chương trình giáo trình. Tập trung rà soát lại hệ thống danh mục nghề đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn.

Đổi mới phương pháp dạy nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, giúp người học dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó nâng cao chất lượng tay nghề sau đào tạo.

Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động, nhằm đào tạo có địa chỉ và tạo điều kiện thuận lợi về vốn, về đất đai, nhà xưởng và các điều kiện khác để lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề. Không bố trí đào tạo khi chưa xác định được việc làm cho lao động sau khi học nghề theo yêu cầu của Đề án.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án cấp tỉnh và cấp huyện; sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng đối với những người có nhiều đóng góp trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn kịp thời, nghiêm túc, từ đó tạo sức lan tỏa, hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả tốt.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!


Đặng Cường (thực hiện )

Mới nhất

x
Tạo sức lan tỏa, hiệu quả trong đào tạo nghề lao động nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO