Tập trung giảm nghèo nhanh, thoát nghèo bền vững
(Baonghean) - Với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, nhiều bản, làng miền Tây Nghệ An đã có những thay đổi. Hạ tầng cơ bản được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng lên. Nhưng quan trọng hơn là tư duy, nhận thức của đồng bào, cán bộ cấp xã ở nhiều địa phương đã nâng cao, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại...
Triển khai phần việc sát thực tế
Khi được phân công giúp đỡ xã Thạch Giám của huyện 30a Tương Dương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã khảo sát và thấy, tại bản Phòng có 2 ha đất người dân bản khai hoang trồng lúa nhưng quanh năm thiếu nước, nên hầu hết phải bỏ hoang.
Sau đó, cơ quan này đã kết hợp với Khoa Nông lâm, Trường Đại học Vinh xây dựng mô hình trồng rau sạch cho bà con. Ban đầu có 25/165 hộ ở bản Phòng tham gia thực hiện, bình quân mỗi hộ được khoán trên dưới 500m2 để sản xuất rau sạch. Bước vào triển khai dự án, Khoa Nông lâm, Trường Đại học Vinh phối hợp phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ bà con giống, phân bón. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt trên đồng ruộng để hướng dẫn bà con từ khâu làm đất, gieo trỉa đến chăm bón.
Đất đã không phụ công người, từ vùng đất hoang hóa nay trở thành vùng chuyên canh rau sạch cho thu nhập cao. Gia đình chị Lô Thị Tâm ở bản Phòng, xã Thạch Giám là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án với 400 m2 đất, nay đã mang lại hiệu quả mỗi vụ rau cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiệu quả không dừng lại ở giá trị kinh tế mà như chị Tâm chia sẻ: “Điều bà con phấn khởi nhất khi tham gia dự án là thay đổi cung cách sản xuất. Với dự án trồng rau sạch, bà con biết cải tạo vườn tạp trồng cây hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cả bản từ 25 hộ tham gia đến nay có 54 hộ, không chỉ trồng rau, với diện tích đó bà con luân canh, không cho đất nghỉ, mùa khô trồng lạc, ngô thu hoạch xong trồng các loại rau xanh”. Từ hiệu quả thực tế đó, mô hình trồng rau sạch bản Phòng được nhân rộng ở bản Lau, bản Mác của xã Thạch Giám.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân xã Nậm Giải (Quế Phong). Ảnh: Trọng Kiên |
Có thể nói, sự giúp đỡ thiết thực của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã góp phần đưa xã Thạch Giám trở thành xã thuộc huyện 30a đầu tiên của tỉnh Nghệ An về đích nông thôn mới trong năm 2015.
Tương tự, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được giao giúp đỡ xã nghèo biên giới Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn do Tỉnh hội hỗ trợ 38,8 triệu đồng cho 16 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được vay không lãi suất. Cùng với đó, hội phối hợp Trạm Khuyến nông, khuyến lâm của huyện Quế Phong tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên Hội LHPN xã và đội ngũ trí thức trẻ 30a xuống tận chi hội tập huấn, hướng dẫn chị em hội viên phụ nữ trồng các giống rau, giống cây mới như: bí ngồi, dưa chuột, keo… theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”.
Chị Ngân Thị Ba, ở bản Chiếng, xã Hạnh Dịch là một trong những hội viên phụ nữ được vay vốn phát triển chăn nuôi lợn thịt. Gia đình chị trước đây thuộc diện hộ nghèo, từ khi được tiếp cận kiến thức và với nguồn vốn được hỗ trợ, gia đình chị đã chăn nuôi lợn hiệu quả, mang lại thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm và chính thức thoát nghèo. Ngoài ra, gia đình chị Ba còn trồng thêm được 8 ha keo. Chị Ba chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng nuôi lợn nhưng chỉ thả rông nên không hiệu quả. Từ khi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, phòng bệnh, đàn lợn nuôi tập trung phát triển tốt, mỗi năm xuất chuồng 4 lứa”.
Với sự vào cuộc của Tỉnh hội phụ nữ, nhiều chị em ứng dụng được kiến thức vào thực tế, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Tỉnh hội còn hỗ trợ phát triển câu lạc bộ: “Phụ nữ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”, mô hình “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”.
Phong trào giúp đỡ 110 xã nghèo miền Tây Nghệ An với phương châm “xuống tận bản, về từng nhà” đã thực sự tạo được sức lan tỏa lớn, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các huyện địa phương này.
Giai đoạn 2012 - 2015, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ xây dựng được 83 mô hình kinh tế để nhân rộng; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 18.560 lượt người… Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, các hoạt động giúp đỡ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của 110 xã này đạt trên 5%/năm. |
Ưu tiên nguồn lực thoát nghèo bền vững
Từ chủ trương giao các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận giúp đỡ các xã nghèo, đến nay phong trào không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh mà còn nhân rộng về cấp huyện. Tương Dương và các huyện miền núi đang có chủ trương phân công các phòng, ban hoặc tổ chức chính trị xã hội cấp huyện nhận giúp đỡ xã nghèo; mỗi cán bộ, đảng viên tại các xã nghèo được phân công giúp đỡ một hộ nghèo trên địa bàn. “Chúng tôi đã và đang tập trung thực hiện là chuyển được nhận thức của người dân từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá để tăng thu nhập cho gia đình”, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Văn Hải cho biết.
Mô hình chăn nuôi lợn có hiệu quả của phụ nữ xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong |
Từ sự hỗ trợ thiết thực này, người nghèo trong tỉnh có thêm điều kiện, động lực để khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù vậy, công tác giảm nghèo của Nghệ An vẫn còn nhiều thách thức. Theo chuẩn nghèo đa chiều, tính đến cuối năm 2015, Nghệ An còn 95.205 hộ nghèo, chiếm 12,1%; số hộ cận nghèo còn trên 10,23% tương đương 80.464 hộ. Trong đó, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao vẫn là các huyện 30a: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Nhìn chung, các hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung ở vùng miền Tây Nghệ An, đồng bào dân tộc thiểu số và một phần ở ven biển.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và hưởng ứng phong trào: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, hiệu quả.
Trong đó, Nghệ An tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo; phấn đấu tổng nguồn vốn huy động trong 5 năm tới đạt 18.500 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 3.700 tỷ đồng. Với tổng nguồn lực này, tỉnh đặt mục tiêu huy động thông qua xã hội hóa trong 5 năm tới là 892,5 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 178,5 tỷ đồng, trong đó một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của 108 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 110 xã nghèo miền Tây theo phân công của UBND tỉnh.
Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, phát biểu với các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Ban tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo Quốc gia của tỉnh do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban tổ chức và thuộc sự chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, đặc biệt là cơ quan thường trực tiếp thu những nội dung, tinh thần triển khai trong hội nghị trực tuyến để tiếp tục triển khai thực hiện tốt ở tỉnh |
Nhóm P.V
TIN LIÊN QUAN |
---|