Tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí khó
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Nghệ An đã và đang được triển khai với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cùng những bước đi cụ thể. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí nông thôn mới có một số tiêu chí rất khó thực hiện....
Nạo vét kênh mương ở huyện Nghi Lộc
Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình NTM cho biết: trong 19 tiêu chí NTM có 2 tiêu chí rất khó đạt, nhất là đối với các xã miền núi cao. Đó là "thu nhập bằng 1,2-1,4 lần so với thu nhập bình quân cả tỉnh" và "chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn dưới 35%" vì hiện toàn tỉnh vẫn còn tới 73% lao động sản xuất nông nghiệp và mới chỉ có 19/435 xã đạt chỉ tiêu về thu nhập.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp chỉ có 7/165 xã đạt 45% so với Quyết định 149/QĐ- TTg. Huyện Nghi Lộc- mặc dù là huyện đồng bằng với hệ thống làng nghề phát triển (19 làng nghề) nhưng cơ cấu trong lao động nông nghiệp vẫn còn ở mức cao (khoảng 61%). Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 13,7 triệu đồng/ năm, đạt 1,1% so với bình quân chung của cả tỉnh. Ngoài ra còn 3 tiêu chí đạt thấp nữa là tỷ lệ hộ nghèo, văn hoá và qui hoạch (hiện nay số xã chưa lập qui hoạch nông thôn mới là 325/435 xã).
Theo dự kiến, đến 31-12-2011, sẽ hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới cho 435 xã trong tỉnh và đến năm 2015 có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Tiêu chí về giao thông nông thôn tuy nằm trong 10 tiêu chí đạt khá so với Quyết định 491 nhưng cũng còn nhiều cái khó. Năm 2010, tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải chỉ có 24/435 xã đạt, chiếm 5,5%. Thành phố Vinh mới có 4 xã đạt tiêu chí này.
Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải có 42/435 xã, chiếm 9,8%, tỷ lệ km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa và cứng hoá có 51/435 xã chiếm 11,7%. Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện có 12/435 xã đạt, chiếm 2,7%. Huyện Nghĩa Đàn, vốn được coi là Trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của cụm 4 huyện vùng Tây Bắc Nghệ An nhưng hệ thống đường giao thông nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đường cấp phối và đất vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất là đường đến thôn xóm.
Toàn huyện có 7/24 xã, thị trấn mới chỉ có đường đất, cấp phối đến trung tâm xã (chiếm 29%) trong đó có 3 xã mùa mưa đi lại khó khăn, còn 185/308 khối, xóm, thôn, bản mới chỉ có đường cấp phối, đất với chiều dài 308km. Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ- Giám đốc Sở GTVT: Bài toán đường giao thông nông thôn nan giải không chỉ đối với các huyện miền núi mà còn với các huyện đồng bằng. Với thực trạng này, phải rất nỗ lực mới có thể đạt được chỉ tiêu cụ thể được tỉnh đề ra, đó là đến năm 2015, có 35% số xã các trục đường trong xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.
Xác định rõ tầm quan trọng của chương trình này và xem đây là một cơ hội để thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn, nên ngay khi có chủ trương tỉnh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo điều hành, đồng thời cùng với đó yêu cầu các địa phương báo cáo điều tra hiện trạng cũng như lập quy hoạch nông thôn mới tại các xã.
Bên cạnh đó, hiện Ban Chỉ đạo Chương trình nông thôn mới cấp tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các xã khó khăn phát triển mô hình sản xuất hàng hoá ứng dụng công nghệ cao. Mỗi xã phải tìm được 1-2 sản phẩm nông sản chủ lực phát triển mô hình dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp.. giải quyết vấn đề thu nhập bình quân cho người lao động; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nông thôn...
Về phía các địa phương, việc xây dựng nông thôn mới được khởi động từ những tiền đề đã được làm tốt trong thời gian trước. Điển hình như ở xã Nghi Liên - xã được Thành phố Vinh chọn làm chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới và xã duy nhất trong 435 xã trên toàn tỉnh đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới đã tiếp tục mở rộng đầu tư các loại cây rau, cây hoa thâm canh trên cánh đồng cho thu nhập cao.
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như thành lập các tổ hợp và xưởng gia công cơ khí, đầu tư 620 triệu đồng nâng cấp chợ Chùa để tạo thuận lợi giao lưu buôn bán hàng hóa của người dân trong và ngoài địa phương.
Ông Nguyễn Đức Thọ- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Để khắc phục hai trong số nhiều chỉ tiêu đạt thấp, Ban Chỉ đạo nông thôn mới của huyện tập trung qui hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng chuyển sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành qui mô lớn mang tính hàng hoá cao; Quy hoạch và đầu tư hạ tầng đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá; Đưa cơ giới hoá vào sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động nông nghiệp; Thực hiện dồn điền, đổi thửa, chuyển ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn để sản xuất tập trung, thuận lợi cơ giới hoá; Phát triển làng nghề và xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp...
Những "khởi động" ban đầu cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của toàn tỉnh trong việc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với một tỉnh có địa bàn rộng, điểm xuất phát thấp, kinh tế phát triển không đồng đều như ở Nghệ An thì để đạt được những mục tiêu đề ra còn quá nhiều gian nan. Bên cạnh nội lực của địa phương, sự giúp đỡ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng và việc huy động sức dân thì hiện tỉnh đang cần rất nhiều sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, của các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như tạo việc làm cho người dân.
Khánh Ly - Mỹ Hà